Thị trường xuất hiện nhóm người chơi mới. Nhóm này là một ẩn số với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư,… đang tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường bất động sản thông qua M&A, thu mua quỹ đất
Bắt đầu từ cuối tháng 2 khi Chính phủ liên tục có những chỉ đạo “nóng” về việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản – tâm lý nhà đầu tư dần ổn định. Sau nhiều tháng trong tâm lý chờ và đợi thì hiện nhà đầu tư đã có những hành động mới – đi săn bất động sản giá tốt.
Đặc biệt, những ngày gần đây, đã có những nhóm nhà đầu tư “cá mập” âm thầm đi thâu tóm số lượng lớn bất động sản giá tốt. Nhóm nhà đầu tư này nhắm đến là bất động sản thứ cấp, chủ yếu là phân khúc biệt thự, liền kề ở một số dự án pháp lý tốt, đã hoàn thiện hạ tầng. Kinh tế khó khăn khiến giá thứ cấp tốt hơn bao giờ.
Một phân tích mới đây của Batdongsan.com.vn cho biết, thị trường xuất hiện nhóm người chơi mới. Nhóm này là một ẩn số với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư,… đang tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường bất động sản thông qua M&A, thu mua quỹ đất với những doanh nghiệp bất động sản phù hợp hoặc tự thành lập doanh nghiệp bất động sản để phát triển sản phẩm riêng.
Thực tế, thời gian gần đây, thị trường xuất hiện thông tin nhiều chủ đầu tư đang thương lượng để chuyển nhượng dự án hoặc hợp tác phát triển, với giá trị có thể lên đến cả tỷ USD.
Ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Tài chính Bất động sản Dat Xanh Services cho biết: “M&A và mở rộng hợp tác đang trở thành xu hướng của các chủ đầu tư lớn tại Việt Nam và các chủ đầu tư nước ngoài.
Các chủ đầu tư nước ngoài luôn chuẩn bị nguồn tài chính sẵn sàng để hợp tác khi có cơ hội. Đây chính là kết quả của sự phát triển bài bản, định hướng và chiến lược rõ ràng.
Ví dụ điển hình như: Khang Điền hợp tác với Keppel Land phát triển các KĐT bền vững tại TP.HCM; Frasers Property Vietnam hợp tác cùng Gelex Group triển khai các khu công nghiệp tại miền Bắc Việt Nam; SR mua cổ phần BW Industrial với quy mô tới 450 triệu USD.
Bên cạnh đó, nhiều thỏa thuận hợp tác vẫn đang trong quá trình đàm phán, thể hiện mong muốn mở rộng của các doanh nghiệp chủ đầu tư nước ngoài.
Trong năm 2022, CapitaLand liên tiếp có nhiều hoạt động M&A tại miền Nam (TP.HCM, Bình Dương,..). Đầu năm 2023, Capital Land mở rộng ra phía Bắc, thực hiện đàm phán mua một phần trong dự án Ocean Park 3 của Vinhomes và một dự án khác ở Hải Phòng.
Năm 2022, Gamuda Land liên tiếp thực hiện các thương vụ lớn tại Miền Nam (TP.HCM, Bình Dương) với chủ đầu tư lớn (Becamex TDC, EZ land). Đầu năm 2023, thông tin M&A với doanh nghiệp bất động sản lớn. M&A chính là một trong những phương án chính của Gamuda Land để mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam”.
Không chỉ các nhà đầu tư “tay to”, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, người mua thực cũng đã bắt đầu tranh thủ mua bất động sản khi giá vẫn còn rẻ.
Ông Khôi cho rằng: “Khi thị trường xấu nhất lại là thời điểm tốt nhất của những người mua, người sẵn sàng nguồn tiền tham gia thị trường. Nhà đầu tư nhanh nhạy có nguồn tiền mạnh đang mua được sản phẩm thứ cấp giảm giá sâu, có thể lên tới 20-40%. Giao dịch ở một số thị trường nhỏ tăng cao do giao dịch thứ cấp, nhà đầu tư mua sản phẩm bị ngộp, phải bán tháo. Nhà đầu tư chuyên săn bất động sản ngộp đang hoạt động khá mạnh mẽ”.
Hiện tại, một số sàn đã có giao dịch đầu tiên trong năm 2023. Không khí trầm lắng bao trùm toàn thị trường gần 1 năm qua cũng dần được phá tan. Môi giới “vỡ òa” khi chốt được giao dịch đầu tiên sau nửa năm. Nhiều văn phòng công chứng cũng bắt đầu có khách đến chuyển nhượng bất động sản trở lại. Thậm chí, cá biệt có những khu vực như Hoài Đức, Long Biên (Hà Nội), Văn Giang (Hưng Yên) môi giới đã có những ngày kín lịch hẹn với khách hàng.
Có thể nói, sau một thời gian trầm lắng, bất động sản đã bắt đầu có giao dịch. Mặc dù, các giao dịch chủ yếu ở những sản phẩm bị ngộp nhưng cũng đã truyền “hơi ấm” lên cả thị trường.
Theo Cafef