Khu Đông Hà Nội và Văn Giang (Hưng Yên) có tốc độ tăng trưởng giá cao nhất trong 5 năm qua.
Trong báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng One Mount Real Estate, từ năm 2017, giá bán sơ cấp căn hộ trung bình tăng 7% mỗi năm. Trong đó, phân khúc hạng sang và cao cấp tăng giá nhanh nhất với tốc độ khoảng 12-19%/năm. Phân khúc trung cấp và bình dân chỉ ghi nhận mức tăng mỗi năm lần lượt là 7% và 4%.
Đơn vị này dự báo giá căn hộ của các dự án mới sẽ tiếp tục tăng trung bình 3-8% trong năm 2023. Nguyên nhân của đà tăng này đến từ các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng và quy hoạch phân khu đô thị của ban lãnh đạo thành phố.
Đáng chú ý, khu Đông Hà Nội được đầu tư bài bản với nhiều cơ sở hạ tầng lớn được xây dựng. Nhiều chủ đầu tư lớn cũng đầu tư vào khu đông với những mô hình lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.
Tính đến hết năm 2022, khu Đông – Hà Nội & Văn Giang – Hưng Yên có hơn 70 dự án cao tầng cung cấp cho thị trường hơn 60.000 căn hộ.
Thị trường chung cư khu Đông và Văn Giang (Hưng Yên) quý 1/2023 ghi nhận lượng căn mở bán và tiêu thụ trong khu vực đạt lần lượt 40 căn và 330 căn. Khách hàng mua dự án khu Đông đến từ các quận trung tâm với độ tuổi từ 25-44 tuổi.
Giá chung cư tại nhiều đại dự án Khu Đông (Hà Nội) và Văn Giang (Hưng Yên) luôn ghi nhận mức giá sơ cấp tăng cao. So với các khu vực khác, khu Đông Hà Nội và Văn Giang (Hưng Yên) có tốc độ tăng trưởng giá cao nhất trong 5 năm qua.
Lý giải cho sự phát triển của thị trường khu Đông Hà Nội, ông Trần Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu Khách hàng One Mount Real Estate chia sẻ: “Phát triển thành phố ven sông là xu hướng của thế giới trong việc xây dựng đô thị. Đa số các thành phố lớn, họ đều phát triển một bên sông trước, sau đó quy hoạch cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phần còn lại của thành phố”.
Chứng minh quan điểm của mình, ông Tiến đã dẫn chứng lịch sử phát triển của một số quốc gia trên thế giới, ông cho biết: Trước năm 1990, Thượng Hải phát triển chủ yếu tại bờ Tây sông Hoàng Phố. Tuy vậy, với những nỗ lực phát triển vượt bậc, chỉ sau chưa đầy 30 năm, bờ đông Thượng Hải đã trở thành trung tâm tài chính và thương mại không chỉ của Thượng Hải mà còn của cả Châu Á. Từ năm 1990 đến năm 2017, nền kinh tế của Khu Đông đã tăng trưởng 160 lần, đạt 139 tỷ USD. Hiện nay, khu Đông là nơi sinh sống của 20% dân số và đóng góp ⅓ GDP cho thành phố này.
Thủ đô Seoul, Hàn Quốc trong những năm 1950-1960 cũng phát triển chủ yếu ở phía Bắc sông Hàn. Sau khi mở cửa và phát triển kinh tế mạnh mẽ từ thập niên 1970, nhiều khu đô thị vệ tinh đã được thành phố quy hoạch ở phía Nam, bên kia bờ sông Hàn. Rất nhiều công trình biểu tượng của Seoul đã được xây dựng tại khu phía Nam trong thời gian này như: tòa nhà 63 Building – tòa nhà cao nhất châu Á năm 1986, công viên chủ đề trong nhà và tổ hợp thương mại lớn nhất năm 1989.
Một tín hiệu khá bền vững cho thị trường khu Đông là khách hàng mua dự án khu Đông đa phần là khách hàng đến từ các quận trung tâm của Hà Nội. Những người đang quen với cuộc sống náo nhiệt, nhưng đã vượt qua tư tưởng sợ cảnh “ngăn sông cấm chợ” để tìm về một vùng đất bình yên hơn. Một đặc điểm nữa của thị trường khách hàng khu Đông là độ tuổi từ 25 – 44 chiếm đến 57% lượng khách đầu tư vào thị trường này.
Bên cạnh đó, thông tin về việc lên quận của huyện Đông Anh, Gia Lâm cũng là “cú hích” và cơ sở vững chắc cho sự phát triển của thị trường căn hộ khu Đông Hà Nội.
Ông Trần Quang Trung – Giám đốc Phát triển kinh doanh One Housing nói thêm, gần đây, quy hoạch phân khu đô thị đã được phê duyệt, một loạt cây cầu sẽ mọc lên như cầu Thượng Cát, Mễ Sở, Ngọc Hồi,…
“Trong tương lai, bức tranh phía Đông sẽ không khác gì khu Gangnam của Seoul, Hàn Quốc”, ông Trung nhận định.
Theo Cafef