Trong 3 tháng đầu năm, vốn FDI chảy vào bất động sản chỉ đạt 766 triệu USD, giảm mạnh so với cùng kỳ. Theo đánh giá của TS Sử Ngọc Khương, vấn đề pháp lý là nguyên nhân lớn nhất làm giảm sức hút của thị trường bất động sản Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Vốn FDI vào bất động sản sụt giảm
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch Đầu tư) tính đến ngày 20/3, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,45 tỷ USD, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 766 triệu USD, chiếm gần 14,1% tổng vốn đăng ký đầu tư, so với cùng kỳ năm trước (1,71 tỷ USD) con số này đã giảm gần 72%.
Ngoài ra, tính đến ngày 20/3 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 228,4 triệu USD, chiếm 5,3%.
Gỡ nút thắt pháp lý để khơi thông dòng vốn
Theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao bộ phận Tư vấn đầu tư Savills Việt Nam, từ góc độ quản lý Nhà nước, vấn đề pháp lý là nguyên nhân lớn nhất làm giảm sức hút của thị trường bất động sản Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
“Chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và tạo hành lang pháp lý để dự án có thể thực hiện nhanh chóng. Việc này sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và tăng lợi ích cho người tiêu dùng”, ông Khương nói.
Nhìn ở góc độ lĩnh vực tư vấn đầu tư nước ngoài tại thị trường bất động sản Việt Nam, ông Khương cho biết, các doanh nghiệp nước ngoài mới tham gia thị trường chỉ được thực hiện dự án sau khi đóng tiền sử dụng đất và có giấy phép xây dựng. Do đó, với những doanh nghiệp này, thủ tục pháp lý là điều quan trọng nhất để xem xét trước khi đầu tư.
“Việc thực hiện đầu tư quá lâu ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và giá bán cao sẽ không phù hợp với đại bộ phận người dân. Tình trạng này làm giảm nguồn cung trên thị trường và đặc biệt là trong lĩnh vực nhà ở, khi nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp và nhà ở thương mại luôn được đặt ra hàng đầu đối với các thành phố lớn. Các đô thị lớn trong khu vực như Bangkok, Jakarta, Singapore… đều đang phải đối mặt với vấn đề này và chúng ta cũng không nằm ngoại lệ”, TS Sử Ngọc Khương nói.
“Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng và giảm lãi suất để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý vẫn là gốc rễ của vấn đề này và làm mất đi sự cạnh tranh trong việc thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào thị trường”, ông Sử Ngọc Khương nói thêm.
Để trở thành điểm thu hút đầu tư lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, cần thu hút nguồn lực từ nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam. Điều này liên quan đến các phân khúc chủ đạo như nhà ở, bán lẻ, văn phòng, bất động sản công nghiệp… và cần phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp để đầu tư vào các sản phẩm này.
“Bên cạnh nguồn lực của nhân dân và Chính phủ, lực đỡ từ nguồn thu FDI cũng rất lớn để giúp cho nền kinh tế của nước ta phát triển. Với tốc độ phát triển GDP năm 2022 là 8,02% và GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 4.110 USD, chúng ta cần phải tiếp tục thu hút nguồn đầu tư nước ngoài để phát triển nền kinh tế”, vị này nói.
Nhà đầu tư bất động sản rục rịch “đi săn”, niềm tin sẽ khơi dậy thị trường?
Theo Cafef