Trong khi áp lực gia tăng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, hầu hết các nhóm ngành đều trong tình trạng mất giá, thì các cổ phiếu dầu khí lại ngược dòng khởi sắc với giao dịch sôi động.
Thị trường đã chuyển qua trạng thái thận trọng hơn khi dòng tiền tham gia có phần chững lại, trong khi áp lực bán chốt lời gia tăng sau chuỗi ngày khởi sắc đã khiến VN-Index liên tiếp có những phiên rung lắc và điều chỉnh. Kết phiên giao dịch hôm qua ngày 4/4, chỉ số chung đã lùi về dưới mốc 1.270 điểm.
Về yếu tố kỹ thuật, hai chỉ báo MACD và RSI vẫn đang hướng xuống cùng với việc DI+ có xu hướng dâng cao cho thấy nhịp điều chỉnh rung lắc vẫn chưa thể kết thúc sớm trong ngắn hạn. Theo lý thuyết Wyckoff, nếu VN-Index giảm dưới vùng hỗ trợ 1.270 điểm thì sẽ tiếp tục giao dịch trong phase B và biên độ side way sẽ lớn hơn, trong vùng 1.230-1.290 điểm.
Trong khi đó, ở thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ đã bất ngờ giảm khá mạnh trong phiên thứ Năm ngày 4/4, khi các quan chức Fed có cách tiếp cận thận trọng trong các bình luận về triển vọng cắt giảm lãi suất, đã khiến nhà đầu có thêm lý do để bán cổ phiếu trước khi dữ liệu việc làm của Hoa Kỳ trong tháng 3 được công bố vào thứ Sáu.
Trở lại diễn biến thị trường phiên sáng cuối tuần 5/4, không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, chứng khoán Việt đã sớm chìm trong sắc đỏ ngay khi mở cửa.
Áp lực bán tiếp tục gia tăng và lan rộng thị trường đã khiến VN-Index nhanh chóng thủng mốc 1.255 điểm và sau đó biến động quanh vùng giá này.
Trong khi hầu hết các nhóm ngành không thoát khỏi trạng thái điều chỉnh giảm, thì nhóm dầu khí lại ngược dòng thị trường chung để tỏa sáng với sắc xanh lan rộng trong ngành.
Mặc dù có thu hẹp biên độ giảm đôi chút nhưng sắc đỏ vẫn tràn ngập bảng điện tử khiến VN-Index chưa thể lấy lại mốc 1.260 điểm.
Chốt phiên, sàn HOSE có 90 mã tăng và 375 mã giảm, VN-Index giảm 8,88 điểm (-0,7%), xuống 1.259,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 454,9 triệu đơn vị, giá trị 10.808 tỷ đồng, giảm 3,79% về khối lượng và 7,17% về giá trị so với phiên sáng qua.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán trong top giảm sâu khi hầu hết đều giảm hơn 1-2%, trong đó VIX giảm 2,2% và SSI giảm 1,2% là 2 mã có thanh khoản sôi động nhất thị trường, tương ứng đạt 23,96 triệu đơn vị và 17,22 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, dòng bank vẫn là gánh nặng chính, với tâm điểm là cổ phiếu lớn VCB lấy đi 1,64 điểm của chỉ số chung, tiếp theo là BID, CTG, TCB, MBB đều lấy đi hơn 0,5 điểm của chỉ số chung. Trong ngành chỉ còn duy nhất LPB giữ được sắc xanh với mức tăng chưa tới 0,5%, còn lại đều giảm trên dưới 1%.
Ở chiều ngược lại, các nhóm tiện ích, nông – lâm – ngư đã đảo chiều hồi phục nhẹ với mức tăng chỉ 0,2%, bên cạnh nhóm bán buôn tăng tốt hơn chút là hơn 1%. Nhóm cổ phiếu khai khoáng vẫn là điểm sáng khi ghi nhận mức tăng 2,14%, với sự đóng góp chủ yếu của các cổ phiếu dầu khí như PLX tăng tốc khi chốt phiên đứng tại mức giá cao nhất 37.900 đồng/CP, tăng 2%, PVS tăng 3,3%, PVB tăng 5,5%, PVC tăng 8,3% và thậm chí có thời điểm chạm trần…
Trên sàn HNX, nhiều mã bluechip khởi sắc đã giúp chỉ số chung tiến về sát mốc tham chiếu.
Chốt phiên, sàn HNX có 54 mã tăng và 97 mã giảm, HNX-Index giảm 0,23 điểm (-0,09%), xuống 242,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 66,74 triệu đơn vị, giá trị 1.377 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, các cổ phiếu dầu khí là điểm sáng. Bên cạnh biên độ giá tăng mạnh, cặp đôi PVS và PVC giao dịch sôi động với thanh khoản cùng thuộc top 5 trên thị trường, tương ứng đạt 7,15 triệu đơn vị và 5,61 triệu đơn vị.
Ngoài ra, một số mã khác trong rổ HNX30 cũng có diễn biến tích cực hơn như IDC đảo chiều khởi sắc và chốt phiên tăng 1% với khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị, HUT đã lấy lại mốc tham chiếu…
Trong khi đó, các cổ phiếu chứng khoán vẫn chưa lấy lại thăng bằng, với SHS chốt phiên giảm 1% và thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 14,57 triệu đơn vị; MBS giảm 1,4% và khớp hơn 2 triệu đơn vị… Tuy nhiên, điểm sáng ngành là IVS khi có thời điểm kéo trần thành công và chốt phiên vẫn tăng ấn tượng 6,1% lên mức 13.900 đồng/CP, khớp lệnh 1,37 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường duy trì đà giảm nhẹ trong suốt cả phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,5 điểm (-0,55%), xuống 90,51 điểm với 122 mã tăng và 160 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 43,53 triệu đơn vị, giá trị 576 tỷ đồng.
Tâm điểm đáng chú ý là cổ phiếu dầu khí BSR khi chốt phiên tăng 3,1% lên mức giá 20.100 đồng/CP với thanh khoản sôi động trở lại, đạt hơn 14,53 triệu đơn vị, trong khi các mã đứng ở vị trí tiếp theo chỉ khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn