Những buổi lễ “đánh cồng” chào sàn không còn xuất hiện nhiều trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, số lượng gương mặt niêm yết mới tinh cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Hơn một năm trở lại đây, hoạt động IPO và lên sàn chứng khoán diễn ra rất ảm đạm. Cả năm 2022, hai Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chỉ ghi nhận tổng cộng 12 cổ phiếu niêm yết mới. Sang tới quý 1/2023, mỗi sàn chỉ đón một tân binh là PVP của CTCP Vận tải Thái Bình Dương (HoSE) và KSV của Tổng Công ty Khoáng Sản TKV – CTCP (HNX). Đây cũng không phải gương mặt mới hoàn toàn, đều là những cổ phiếu được chuyển từ UPCoM sang.
Không chỉ thưa thớt tân binh, việc nộp hồ sơ niêm yết cũng rất hiếm. Trong hơn ba tháng đầu năm 2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh chỉ công bố nhận được duy nhất một bộ hồ sơ niêm yết của CTCP Tập đoàn Dược Bảo Châu với mã BCH.
Đây không phải lần đầu Dược Bảo Châu nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Hồi tháng 8/2019, HNX thông báo nhận được bộ hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán với 18 triệu cổ phiếu của Dược Bảo Châu, tuy nhiên khoảng 2 tháng sau đó, Công ty quyết định rút hồ sơ đăng ký niêm yết với lý do muốn chuyển sang đăng ký giao dịch cổ phiếu sang sàn UPCoM.
Đến tháng 9/2022, HoSE tiếp tục thông báo nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết của Dược Bảo Châu, song đến tháng 12/2022, HoSE thông báo dừng xem xét hồ sơ đăng ký của Dược Bảo Châu do sau gần 3 tháng đăng ký, vẫn chưa nhận được hồ sơ chỉnh sửa bổ sung hoàn chỉnh và các tài liệu phát sinh theo yêu cầu.
Tương tự, với HNX, Sở công bố nhận được hai bộ hồ sơ niêm yết của CTCP Petro Times với 15 triệu cổ phiếu và CTCP Dược phẩm Tipharco với hơn 6,3 triệu cổ phiếu. Không quá mới mẻ, đây đều là 2 cổ phiếu đang giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán lần lượt là PPT và DTG. Được biết, Petro Times có ngành nghề chính là bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan trong khi Tipharco chuyên sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu.
Thêm nhiều kế hoạch “dang dở”
Sàn chứng khoán cũng ghi nhận nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng và rút hồ sơ niêm yết cổ phiếu vì nhiều lý do. Tôn Đông Á ngay đầu tháng 4 vừa qua đã bất ngờ thông báo rút hồ sơ niêm yết HoSE với lý do đưa ra là tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2022 toàn ngành nói chung và công ty nói riêng không khả quan. Công ty chưa đáp ứng được các điều kiện niêm yết theo quy định với khoản lỗ hơn hơn 276 tỷ đồng năm 2022.
Tôn Đông Á được biết tới là doanh nghiệp chiếm thị phần top 2 tại thị trường tôn mạ nội địa và top 3 về quy mô sản lượng trong ngành thép lá mạ tại Việt Nam. Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo Tôn Đông Á, doanh nghiệp dự kiến IPO cổ phiếu vào tháng 11/2021 và niêm yết HOSE trong tháng 1/2022. Tuy nhiên phải tới tháng 4/2022, HoSE mới nhận hồ sơ niêm yết 114,7 triệu cổ phiếu của Tôn Đông Á, mã chứng khoán TDA sau khi thực hiện IPO thành công với 16,46 triệu cổ phiếu đăng ký mua, vượt 7,2% so với lượng cổ phiếu chào bán.
Công ty Chứng khoán Phú Hưng hiện đang giao dịch trên UPCoM với mã PHS mới đây cũng đã rút hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu trên HoSE với lý do tình hình thị trường chứng khoán chưa thuận lợi cho việc niêm yết cổ phiếu và lợi ích cổ đông.
Trong tờ trình lên cổ đông, HĐQT PHS đánh giá rằng đây chưa phải thời điểm thích hợp để thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ cũng như kế hoạch niêm yết cổ phiếu PHS lên HoSE. Ban lãnh đạo Công ty cho biết sẽ đánh giá lại việc niêm yết cổ phiếu khi điều kiện thị trường được cải thiện.
Trước đó, trong ngày 8/11/2022 HoSE đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết 150 triệu cổ phiếu PHS của CTCP Chứng khoán Phú Hưng, tương ứng vốn điều lệ hơn 1.500 tỷ đồng.
Nhiều nút thắt từ khâu lên sàn cũng như bối cảnh thị trường không quá ủng hộ
Trước đây, việc niêm yết cổ phiếu được xem là khâu quan trọng để doanh nghiệp khẳng định vị thế. Bởi niêm yết sẽ giúp doanh nghiệp tăng độ nhận diện, khẳng định tính minh bạch cũng như kêu gọi được vốn nhanh từ các nhà đầu tư, đặc biệt là dòng vốn ngoại dồi dào. Nhiều giai đoạn, HoSE và HNX liên tục sôi động với những buổi lễ “đánh cồng” chào sàn của các cổ phiếu như 2009, 2015-2018 hay giai đoạn Covid 2020-2021. Thị trường chứng khoán vì thế cũng thu hút được làn sóng đầu tư chảy vào các các “bom tấn”, VN-Index không ngừng bứt phá, thậm chí còn liên tục xác lập những đỉnh cao mới.
Tuy nhiên kể từ năm 2022, bối cảnh thị trường không còn ủng hộ khi liên tiếp gặp trồi sụt, dòng tiền không còn dễ dãi và ngày càng e dè hơn. Chính vì vậy, việc đưa một cổ phiếu mới lên sàn lại càng gặp thêm nhiều trở ngại. Thực tế, những cái tên niêm yết đáng chú ý năm qua như Gỗ An Cường (ACG) hay một số trường hợp chuyển sàn từ UpCOM sang HoSE như EVNGENCO 3 (PGV), Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) đều không tạo ra được hiệu ứng nào thực sự rõ rệt.
Việc thị trường Việt Nam khó bứt phá, bên cạnh nguyên nhân dòng tiền trở nên thận trọng, còn tới từ việc thiếu vắng những doanh nghiệp đủ lên để có thể tạo ra những đợt “sóng thần”. Hoạt động có khả năng tạo hàng mới cho sàn niêm yết là cổ phần hóa DNNN gắn với niêm yết, hay thoái vốn Nhà nước tại các DNNN qua sàn đều có kết quả rất hạn chế những năm gần đây. Trong khi đó, nhóm tư nhân cũng không còn nhiều doanh nghiệp “hot” để chờ đợi, nếu có thì lộ trình không thực sẽ rõ ràng. Số lượng tài khoản mở mới vẫn tăng đều đặn song giao dịch gần như chỉ tập trung vào một số mã quen thuộc.
Đặc biệt, sau những sự vụ liên quan tới sai phạm trong hoạt động niêm yết và giao dịch cổ phiếu, các quy định pháp lý hiện đã có nhiều thay đổi, quy trình xem xét và thẩm định hồ sơ niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, quy trình tăng vốn của doanh nghiệp trước lúc lên sàn cũng được kiểm duyệt kỹ càng nhằm tránh đi vào “vết xe đổ” như vụ việc FLC Faros tăng vốn ảo.
Chính vì sự thay đổi này, dễ hiểu khi các doanh nghiệp cần thêm thời gian để thích nghi và hoàn thiện quy trình nhằm đưa cổ phiếu lên sàn một cách thành công nhất. Nhìn theo khía cạnh tích cực, điều này sẽ giúp thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch và những “hàng mới” chất lượng sẽ được đến với các nhà đầu tư.
Triển vọng dài hạn của chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá khả quan, bức tranh triển vọng kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam đã bắt đầu có những gam màu sáng nhờ sự quyết liệt hỗ trợ từ Chính phủ và NHNN, mở ra triển vọng tươi sáng hơn cho thị trường chứng khoán. Báo cáo của SGI Capital mới đây đã đánh giá suy thoái kinh tế xảy ra giúp thanh lọc doanh nghiệp yếu kém và giảm tỷ lệ vay nợ là điều kiện đủ cho kinh tế và thị trường chứng khoán tạo đáy lớn và mở ra nhiều cơ hội lớn cho những ai có tình hình tài chính lành mạnh và còn nguồn lực sẵn sàng.
Chứng khoán VNDirect thì kỳ vọng NHNN có thể giảm thêm lãi suất điều hành nếu Fed đảo chiều chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2023. Với việc lãi suất và chứng khoán luôn có sự đối lập, do đó lãi suất hạ nhiệt được kỳ vọng là chất xúc tác giúp chứng khoán hồi phục trong thời gian tới. VNDirect kỳ vọng lãi suất huy động có thể sẽ tiếp tục giảm nhẹ, qua đó giúp kênh đầu tư chứng khoán hấp dẫn hơn khi so sánh tương quan.
Theo Cafef