VN-Index thêm phiên giảm sâu; “Bắt bệnh” tỷ giá tăng; Kỳ vọng bước chuyển của ngành quỹ; Khó đảo nợ trái phiếu, doanh nghiệp phát hành đẩy bất lợi cho trái chủ; Lo ngại tiền tệ lan rộng ra toàn cầu khi đồng đô la mạnh lên…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 5/4 giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và không đổi chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng trở lại 400.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện đứng ở mức 79,50 – 81,52 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 8,7 USD xuống 2.291,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm về 2.274 USD, nhưng đã trở lại ngưỡng 2.290 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,26 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 5/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.038 đồng/USD, không đổi so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.780 – 25.120 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm hồi phục mạnh lên 68.000 USD thì sang phiên hôm nay đã yếu đà và lùi về dưới mốc 67.000 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,07 USD (+0,08%), lên 86,66 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,17 USD (+0,19%), lên 90,82 USD/thùng.
VN-Index thêm một phiên giảm
Thị trường sớm lao dốc và VN-Index rơi xuống 1.255 điểm với thanh khoản tiếp tục có dấu hiệu suy giảm.
Sau giờ nghỉ trưa, lực cầu cải thiện đã giúp thị trường bật hồi. Tuy nhiên, VN-Index chưa kịp chạm mốc tham chiếu đã quay đầu thoái lui và tiếp tục giật lùi trong đợt khớp lệnh ATC khi lực bán mạnh và dứt khoát hơn.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 4,87 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 3,95 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 5/4: VN-Index giảm 13,14 điểm (-1,04%), xuống 1.255,11 điểm; HNX-Index giảm 2,76 điểm (-1,14%), xuống 239,68 điểm; UPCoM-Index giảm 0,36 điểm (-0,4%), xuống 90,65 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ giảm khá mạnh trong phiên thứ Năm (4/4), khi các quan chức Fed có cách tiếp cận thận trọng trong các bình luận về triển vọng cắt giảm lãi suất và các nhà đầu tư có thêm lý do để bán cổ phiếu trước khi dữ liệu việc làm được công bố vào ngày mai.
Trong số các quan chức của Fed, Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari đã có phát biểu nói rằng, ông ủng hộ Fed hai lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, nhưng nếu lạm phát tiếp tục chững lại, điều đó có thể không cần thiết.
Kết thúc phiên 4/4: Chỉ số Dow Jones giảm 530,16 điểm (-1,35%), xuống 38.596,98 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 64,28 điểm (-1,23%), xuống 5.147,21 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 222,38 điểm (-1,40%), xuống 16.049,08 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản đã giảm gần 2% xuống mức thấp nhất trong ba tuần, ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 12/2022, khi cổ phiếu công nghệ trượt dốc mạnh.
Các nhà đầu tư cũng thận trọng trước báo cáo việc làm quan trọng của Mỹ sẽ được công bố vào cuối ngày, để đo lường triển vọng về việc Fed khi nào sẽ cắt giảm lãi suất.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,96%, xuống 38.992,08 điểm và giảm 3,41% trong tuần. Chỉ số Topix giảm 1,08% xuống 2.702,62 điểm.
“Yếu tố lớn nhất cho sự sụt giảm của Nikkei 225 là kỹ thuật. Đường trung bình động 25 ngày đã quay đầu giảm, có nghĩa là nguy cơ Nikkei 225 có thể sẽ giảm thêm một bước nữa từ đây”, Kamitani chiến lược gia cổ phiếu tại Nomura Securities, cho biết.
Cổ phiếu chip là một trong những lực cản lớn nhất, với Tokyo Electron giảm 5,6% và Advantest Corp giảm 4,85%. Những cổ phiếu giảm đáng chú ý khác bao gồm SoftBank Group giảm 2,77% và Fast Retailing giảm 2,26%.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, ảnh hưởng bởi rủi ro thương mại gia tăng sau khi bộ trưởng thương mại Mỹ cảnh báo về năng lượng sản xuất dư thừa của ngành công nghiệp Trung Quốc.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,18% xuống 3.069,30 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,36% xuống 3.567,80 điểm.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã chỉ trích Trung Quốc về các chính sách trợ cấp nhà nước đối với ngành công nghiệp khiến thị trường toàn cầu bị bóp méo.
Rủi ro địa chính trị như thuế quan “là một phần lớn lý do khiến chúng ta thấy chi phí bảo hiểm rủi ro ở Trung Quốc ở mức cao nhất mọi thời đại”, Christine Phillpotts, giám đốc danh mục đầu tư cho chiến lược giá trị thị trường mới nổi tại Ariel Investments ở New York cho biết.
Chứng khoán Hồng Kông giảm không đáng kể, khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi dữ liệu việc làm quan trọng của Mỹ vào cuối ngày.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,007% xuống 16.723,92 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,19% xuống 5.863,57 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm theo chân Phố Wall đêm qua, những bình luận diều hâu từ một số quan chức của Fed về lãi suất.
Đóng cửa, Chỉ số KOSPI giảm 27,79 điểm, tương đương 1,01%, xuống 2.714,21 điểm.
Kết thúc phiên 5/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 781,06 điểm (-1,96%), xuống 38.992,08 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 5,66 điểm (-0,18%), xuống 3.069,30 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 1,18 điểm (-0,007%), xuống 16.723,92 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 27,79 điểm (-1,01%), xuống 2.714,21 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
– “Bắt bệnh” tỷ giá tăng
Tỷ giá USD/VND tăng trong nửa cuối năm 2023 do USD mạnh lên và xu hướng này tiếp diễn từ đầu năm 2024 tới nay, nhưng nguyên nhân đã khác..>> Chi tiết
– Kỳ vọng bước chuyển của ngành quỹ
Nhiều công ty quản lý quỹ có sự tăng trưởng ổn định cả về quy mô tài sản quản lý và kết quả kinh doanh. Kỳ vọng, ngành quản lý quỹ Việt Nam sẽ từng bước phát triển tương đồng với các nước phát triển trong khu vực..>> Chi tiết
– Khó đảo nợ trái phiếu, doanh nghiệp phát hành đẩy bất lợi cho trái chủ
Không chỉ thông báo trả chậm gốc và lãi trái phiếu, hàng loạt doanh nghiệp phát hành còn thay đổi điều khoản, điều kiện trái phiếu theo hướng bất lợi cho người sở hữu..>> Chi tiết
– Lo ngại tiền tệ lan rộng ra toàn cầu khi đồng đô la mạnh lên
Việc đồng đô la Mỹ hồi phục đang khiến các ngân hàng trung ương và chính phủ trên khắp thế giới lo lắng và buộc họ phải hành động để giảm bớt áp lực lên đồng nội tệ..>> Chi tiết
Theo tinnhanhchungkhoan.vn