Thị trường trải qua tuần giảm mạnh khi đánh rơi gần 50 điểm và thậm chí còn có thể tồi tệ hơn nếu không có phiên chiều bật hồi trong ngày thứ Sáu. Áp lực bán vẫn tập trung vào các cổ phiếu vừa và nhỏ với các nhóm ngành bị xả mạnh là bất động sản, công ty chứng khoán và xuất khẩu.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 46,7 điểm (-4,04%), xuống 1.108,03 điểm. Thanh khoản trên sàn HOSE đạt hơn 78.465,6 tỷ đồng, tăng 12,8% so với tuần trước, khối lượng giao dịch tăng 17,1%.
Chỉ số HNX-Index giảm 10,6 điểm (-4,43%), xuống 228,45 điểm. Thanh khoản trên sàn HNX tăng 9,7% so với tuần trước lên hơn 10.265,2 tỷ đồng.
Trong tuần thị trường đón nhận nhiều thông tin trong nước như: Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ lệ nợ xấu đã lên 3,56% tính đến cuối tháng 7/2023.
Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024.
Ngày 19/10/2023 là ngày đáo hạn của lô tín phiếu đầu tiên trong đợt phát hành bắt đầu từ giữa tháng 9. Theo đó, với kỳ hạn 28 ngày, 9.995 tỷ đồng được của Ngân hàng Nhà nước rút ra khỏi hệ thống qua kênh tín phiếu vào phiên 21/9/2023 sẽ được bơm trả.
Ở bên ngoài, có khá nhiều thông tin bất lợi, như lãi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn dài tiếp tục tăng mạnh gây áp lực đến các thị trường chứng khoán lớn và trong phiên thứ Năm, kỳ hạn 10 năm đã có lúc áp sát mốc 5%/năm, mức cao nhất kể từ năm 2007.
Các thị trường châu Á xung quanh cũng có những động thái thận trọng cao, Ngân hàng trung ương Nhật Bản can thiệp vào thị trường trái phiếu; Áp lực bán ròng của khối ngoại tại thị trường Hàn Quốc và đáng chú ý nhất là khả năng vỡ nợ của nhà phát triển Country Garden tại Trung Quốc.
Đối với thị trường chứng khoán trong nước, áp lực bán mạnh trong bốn phiên đầu tuần đã khiến nhiều cổ phiếu giảm mạnh, với các mã bất động sản, xây dựng đều lao dốc với DIG (-14,14%), HHV (-14%), DRH (-13,62%), PHC (-13,1%), NHA (-12,68%), VPH (-12,26%), NTL (-11,71%) …
Đáng kể là các cổ phiếu công ty chứng khoán, khi chịu sức ép lớn, thanh khoản gia tăng trên mức trung bình như CTS (-15,69%), AGR (-13,86%), FTS (-12,68%), VCI (-12,03%), TVS (-9,65%), MBS (-9,61%) …
Trên sàn HOSE, phản ánh tuần giao dịch đầy trắc trở khi các mã tăng tốt nhất phần lớn chỉ có biên độ 6-10%. Chỉ có MDG vượt trội, nhưng mã này thanh khoản chỉ vài nghìn đơn vị khớp lệnh/phiên. Điều tương tự cũng diễn ra với hai mã phía sau là CCI và ABR.
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu vừa và nhỏ thuộc các nhóm ngành xuất khẩu bị bán mạnh và chiếm đa số như CMX, VPG, IDI, GIL, PIT.
Trong khi đó, VNE giảm mạnh nhất sàn với cả năm phiên giao dịch đều giảm mạnh, trong đó, có tới ba phiên giảm sàn liên tiếp từ 17-19/10. Tổng cộng, VNE đã giảm 9 phiên liên tiếp gần nhất.
Ở phía sau, theo thống kê, những cổ phiếu giảm từ 10-15% còn tương đối nhiều các mã vừa và nhỏ khác ở các nhóm ngành bất động sản, công ty chứng khoán, nguyên vật liệu, vận tải như VCG, FCN, NKG, ORS, TLH, NTL, QBS, BCG, VCI, NHA, FTS, TCO, VOS, HAH, AGR, DIG, SIP…
Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu tăng vượt thị trường chung như VLA, VC6 với mức tăng 30-40% chỉ có thanh khoản thấp. Thậm chí, các cổ phiếu phía sau với mức tăng trên 10% cũng tương tự.
Ở chiều ngược lại, diễn biến không khác nhiều, khi phần lớn giao dịch rất mỏng, ngoại trừ phần nào đó là KTS, DTD, PV2. Trong đó, DTD khớp lệnh tương đối cao khi có trung bình trên dưới 1 triệu đơn vị khớp lệnh/phiên.
Trên UpCoM, nhóm cổ phiếu tăng, giảm mạnh nhất đáng kể có một vài cổ phiếu có thanh khoản tương đối tốt như VUA ở nhóm công ty chứng khoán khi tăng mạnh hơn 40% và ngược lại là CEN giảm hơn 20%.
Tuần này, UpCoM chào đón tân binh THM của CTCP Tứ Hải Hà Nam, với hơn 11,04 triệu cổ phiếu đăng ký và phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 18/10, giá tham chiếu 10.500 đồng/cổ phiếu.
Trong phiên này, cổ phiếu THM tăng vọt gần 28% và chững lại trong hai phiên còn lại khi đứng tham chiếu và nhích 1,5% trong phiên cuối tuần. Thanh khoản chỉ trên dưới 2.000 đơn vị khớp lệnh/phiên.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn