Theo ông Nguyễn Vũ Long – Chủ tịch HĐQT VNDIRECT, cơ hội trên thị trường vốn còn nhiều, việc mở rộng vốn là điều kiện tiên quyết để giữ năng lực cạnh tranh của công ty.
Ngày 17/6, Chứng khoán VNDIRECT đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2023 để thông qua kế hoạch nhiều nội dung quan trọng.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, VNDIRECT lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 16%. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 17% so với thực hiện năm trước.
Lên phương án tăng vốn “khủng” vượt 18.000 tỷ đồng
Đại hội của VNDIRECT đã thông qua việc phát hành tổng cộng 523,65 triệu cổ phiếu, trong đó bao gồm 243,56 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; 243,56 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu; 24,35 triệu cổ phiếu ESOP; và 12,18 triệu cổ phiếu thưởng cho người lao động.
Như vậy, nếu hoàn tất 100% các kế hoạch, công ty sẽ phát hành thêm gần 585 triệu cổ phiếu mới, vốn điều lệ của VNDirect sẽ tăng từ 12.178 tỷ đồng lên trên mức 18.000 tỷ đồng, để trở thành quán quân vốn điều lệ nhóm chứng khoán.Thời thực hiện dự kiến trong năm 2023 hoặc năm 2024, sau khi có chấp thuận của UBCKNN.
Số tiền thu về sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn cho các hoạt động đầu tư như giấy tờ có giá (20%), cho vay giao dịch ký quỹ (40%), bảo lãnh phát hành chứng khoán (20%), phân phối chứng quyền có đảm bảo (20%).
Ngoài ra, VNDIRECT còn có kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu với tỷ lệ 5%. Nếu thực hiện thành công các đợt chào bán và phát hành trên, vốn điều lệ của VNDIRECT sẽ tăng gấp rưỡi từ gần 12.200 tỷ lên hơn 18.000 tỷ đồng qua đó trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất sàn.
Chia sẻ về nguyên nhân thực hiện tăng vốn “khủng”, ông Nguyễn Vũ Long – Chủ tịch HĐQT VNDIRECT cho rằng cơ hội trên thị trường vốn còn nhiều, việc mở rộng vốn là điều kiện tiên quyết để giữ năng lực cạnh tranh của công ty trước áp lực trên thị trường, đặc biệt từ các CTCK có nguồn vốn lớn từ ngân hàng.
Đối với phương án phát hành riêng lẻ, ông Long cho biết VNDIRECT đang rất cần đối tác chiến lược (bao gồm các quỹ đầu tư, nhà đầu tư lớn) có những kinh nghiệm đầu tư trên thị trường vốn ở trong hay ngoài nước nhằm nâng cao năng lực quản trị, tiếp cận kinh nghiệm từ các thị trường phát triển.
Đối với phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu, Chủ tịch VNDIRECT cho biết hàng năm công ty vẫn duy trì tỷ lệ phát hành từ 10% – 20% cho nhà đầu tư chứng khoán. Đây là chiến lược để duy trì sức tăng trưởng của nguồn vốn ổn định, vì với phương án phát hành riêng lẻ, công ty mất nhiều thời gian để tìm hiểu và lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược. Cách thức tiếp cận của HĐQT là cần thời gian đồng hành với nhà đầu tư, do đó thời gian có thể chậm hơn so với kế hoạch trong năm nay.
Đối với phương án phát hành cổ phiếu ESOP, trước đây VNDIRECT đã từng có ý định xin cổ đông phát hành nhưng công ty chưa thực hiện. Nguyên nhân là sau thời gian phát triển, công ty có nhiều thay đổi về mặt nhân sự. Do đó, công ty cần thời gian để kiện toàn bộ máy, lựa chọn nhân sự chủ chốt. Sau giai đoạn tái cấu trúc, bộ máy nhân viên cốt lõi đã tương đối rõ ràng, do đó HĐQT và ban lãnh đạo cho rằng việc phát hành cổ phiếu ESOP là điều cần thiết để gắn kết người lao động với công ty. Đặc biệt, trong bối cảnh VNDirect đang gặp nhiều cạnh tranh về mặt nhân sự, ngoài đãi ngộ sẽ cần có thêm nhiều chính sách mang tính dài hạn hơn.
Về chiến lược trong năm 2023, bà Phạm Minh Hương – Tổng Giám đốc VNDIRECT cho biết công ty sẽ tập trung bốn mục tiêu (1) Xây dựng lực lượng làm nghề có bản lĩnh và chất lượng, bởi VNDirect có nhiều cơ hội nhưng thiếu nguồn lực hiện thực hoá cơ hội; (2) Xây dựng hạ tầng công nghệ, kiến trúc công nghệ và tập trung chuyển đổi số; (3) Nâng cao hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ; (4) Tăng vốn để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Phiên họp bước sang phần thảo luận:
Cổ đông: Tại sao VNDIRECT lại tin tưởng Trung Nam khi gần như “all in” mua trái phiếu doanh nghiệp này. Điều này trái ngược hoàn toàn với những gì bà Phạm Minh Hương nói về việc quản trị rủi ro?
Tổng Giám đốc Phạm Minh Hương: Chúng tôi lựa chọn ngành năng lượng, dịch vụ hạ tầng, giáo dục, y tế, dịch vụ du lịch và công nghệ để đầu tư. Vì đó là những ngành có nhu cầu lớn về nguồn vốn, có tiềm năng phát triển trong tương lai và là những ngành đại diện của nền kinh tế.
Chúng tôi lựa chọn Trung Nam vì đây là doanh nghiệp đại diện trong ngành năng lượng, có năng lực thực thi phát triển dự án và khả năng tìm kiếm dự án đầu tư. Nếu có năng lực huy động vốn ngoài vốn thương mại, chúng tôi tin rằng Trung Nam sẽ xây dụng được nền tảng về năng lượng rất tốt và giữ vững an ninh năng lượng cho Việt Nam.
Mặc dù giao dịch với Trung Nam đã được chúng tôi nghiên cứu rất kỹ, song doanh nghiệp cũng gặp phải khó khăn như hầu hết các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong thời điểm trước đó. Để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư cá nhân, sau khi vụ Vạn Thịnh Phát xảy ra, chúng tôi đã mua lại lượng lớn trái phiếu, bao gồm lượng lớn trái phiếu Trung Nam.
Nhiều nhà đầu tư đều có băn khoăn rằng cổ phiếu VNDIRECT (VND) gắn liền với câu chuyện của Trung Nam và điều này là đúng. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá Trung Nam chỉ gặp phải rủi ro thanh khoản tạm thời chứ không phải rủi ro mô hình kinh tế. Tất nhiên cũng có một vài rủi ro liên quan đến chính sách nhưng đã được chúng tôi đánh giá trước khi quyết định tham gia bảo lãnh phát hành. Rủi ro duy nhất mà công ty không lường trước được là việc bán lại của nhà đầu tư, khiến công ty phải mua lại lượng lớn trái phiếu để bảo vệ nhà đầu tư và thị trường.
Mặc dù rủi ro có phần tăng lên, nhưng VNDIRECT đang nắm giữ tài sản đảm bảo là lượng lớn platform của mảng năng lượng Trung Nam. Về dài hạn, chúng tôi không thấy có nhiều yếu tố đáng ngại khi năng lượng vẫn là mảng tiềm năng của nền kinh tế và gắn chặt với nhu cầu thiết yếu của xã hội. Về ngắn hạn, nguồn vốn của VNDIRECT vẫn đang lớn, khi lãi suất giảm niềm tin nhà đầu tư trái phiếu trở lại cũng góp phần giảm tải áp lực thanh khoản ngắn hạn của công ty.
Về kế hoạch niêm yết, Trung Nam đang tiến hành làm hồ sơ lên UPCOM, giải quyết vấn đề tái cấu trúc nợ ngân hàng. Không thể phủ nhận doanh nghiệp này đang gặp khó khăn thanh khoản, nhưng tiềm năng phát triển trong tương lai vẫn có. Mặt khác, Trung Nam cũng đang được hưởng lợi bởi tình hình thiếu điện, hầu hết nhà máy điện của doanh nghiệp đang có dòng tiền dương.
Với nguồn vốn dồi dào, VNDIRECT không chỉ bảo lãnh phát hành mà còn đồng hành với doanh nghiệp trong quá trình gỡ khó. Không chỉ bảo vệ nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu thông qua việc bảo vệ Trung Nam, VNDIRECT mong muốn giữ gìn một doanh nghiệp có tiềm năng phát triển mảng cốt yếu của nền kinh tế mà không phải bán cho nước ngoài.
Quản trị rủi ro vẫn luôn là yếu tố quan trọng đối với VNDIRECT. Rủi ro hệ thống trong thời gian qua là bài học để chúng tôi trưởng thành. Đó là lý do VNDIRECT xin tăng vốn để có tiềm lực tài chính phục vụ hoạt động bảo lãnh phát hành và tạo những sản phẩm đầu tư an toàn hiệu quả cho nhà đầu tư trên thị trường.
Cổ đông: Chiến lược phân bổ nguồn vốn khi liên tục đẩy mạnh tăng vốn?
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Vũ Long : Bài toán lớn của thị trường vốn Việt Nam không phải thanh khoản mà là chất lượng “hàng hoá”. Trên thị trường chứng khoán, vốn hoá của các công ty lớn trên thị trường hầu hết là ngân hàng, BĐS. Khi không có hàng hoá tốt thì rõ ràng chúng ta không thể có thị trường tốt. Sứ mệnh của VNDIRECT không chỉ tư vấn phát hành trái phiếu mà tạo cơ hội đầu tư và kiến tạo nguồn hàng hoá chất lượng cho thị trường Việt Nam (trái phiếu, cổ phiếu). Ví dụ, chúng tôi nhận thấy ngành năng lượng tái tạo đang có tiềm năng tốt.
Liên quan đến việc tăng vốn, bài toán của nền kinh tế trong việc kiến tạo hàng hoá là các doanh nghiệp tốt không có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn. Tăng trưởng tín dụng ngân hàng những tháng đầu năm ở mức thấp, hầu hết các ngân hàng không chấp nhận gia tăng rủi ro. Nếu thị trường vốn phụ thuộc hoàn toàn hết vào ngân hàng thì rất khó, vì chính sách ngân hàng bị ảnh hưởng bởi sự điều hành NHNN.
Trong khi đó, thị trường vốn là “sân chơi” có mức độ rủi ro và lợi nhuận cao. Ở nước ngoài, việc phát hành trái phiếu có rủi ro, nhưng được ưa chuộng vì giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong việc huy động vốn. Tại Việt Nam, các ngân hàng không được tham gia phát hành, bảo lãnh chứng khoán và để dẫn vốn giúp doanh nghiệp thì các CTCK phải làm điều đó.
Nhận thấy những tiềm năng trong nghiệp vụ này, chúng tôi đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội. Với hoạt động tư vấn ngân hàng đầu tư và kiến tạo cơ hội đầu tư thì VNDIRECT cần rất nhiều nguồn vốn. Việc mở rộng nguồn vốn hàng năm sẽ được thực hiện để duy trì năng lực cạnh tranh của VNDIRECT trên thị trường.
Cổ đông: Tốc độ tăng trưởng vốn lớn, trong khi thị phần giao dịch trên thị trường lại thụt lùi. Công ty có đang sử dụng nguồn vốn hiệu quả?
Tổng Giám đốc Phạm Minh Hương: Giao dịch chứng khoán là mảng kinh doanh cốt lõi mang lại nguồn thu lớn nhất của VNDirect. Tuy nhiên, về phía nhà đầu tư, đến 90% giao dịch trên thị trường là lỗ. Vì thế, VNDIRECT có lẽ là công ty duy nhất cấm giám đốc môi giới tư vấn mua bán cổ phiếu riêng lẻ. Bởi, chúng tôi cho rằng để giao dịch chứng khoán đòi hỏi nhà đầu tư cần thời gian để tích luỹ kinh nghiệm, bản lĩnh cũng như khẩu vị rủi ro.
Dù có rất nhiều cơ hội mở rộng thị phần, nhưng VNDIRECT đi theo một ngách hẹp khác. Chúng tôi hạn chế đội ngũ môi giới quảng cáo, mở lớp đào tạo, không mở rộng mạng lưới cộng tác viên. Bởi VNDIRECT muốn đảm bảo những thông điệp đưa đến nhà đầu tư phải giúp họ hiểu được vị thế tài chính và điều kiện đầu tư của mình, tránh FOMO tổn thất tài chính.
Do đó, đối với nhà đầu tư mới, chúng phải xây dựng đủ sự lựa chọn để họ có thể đi theo nếp sống đầu tư, tài chính dự phòng, tích sản theo mục tiêu dài hạn. Khi thị trường có cơ hội có thể chọn chuyên gia đồng hành. Đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp thì hoàn toàn có thể giao dịch trên app Dtock với nhiều tính năng hiện đại, nhanh chóng.
VNDirect chấp nhận mất thị phần, mất cơ hội kinh doanh, nhưng phải giữ định vị để bảo vệ nhà đầu tư. Bảo vệ bằng cách xây dựng chuẩn mực môi giới, thông tin, công cụ quản lý tài sản chủ động.
Theo Cafef