Chia sẻ tại Hội Thảo do báo Thanh Niên tổ chức sáng 27/4, ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Hưng Thịnh cho rằng: Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn cực kì khó khăn, doanh nghiệp cần được hỗ trợ chứ không phải giải cứu.
“Phải để doanh nghiệp bất động sản sống. Trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp chúng tôi cần được hỗ trợ chứ không phải giải cứu”, ông Dũng nhấn mạnh.
Vị này cho rằng, hiện nay, thị trường phải giải quyết được câu chuyện niềm tin. Đây là thời kì khủng hoảng niềm tin. Các sai phạm của tổ chức kinh doanh bất động sản, các chính sách ban hành về siết tín dụng, tăng lãi suất… đã khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường, tháo chạy khỏi bất động sản.
Theo ông Dũng, khủng hoảng niềm tin đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế và thị trường bất động sản. Cho nên, thay vì cứ vài năm lại đi vực dậy thị trường, cần để doanh nghiệp được sống rồi khoẻ mạnh và trên đà phát triển bền vững. Bởi bất động sản là lĩnh vực đóng góp 12% GDP, ảnh hưởng đến 50 ngành nghề liên quan.
Phó Chủ tịch Hưng Thịnh cho rằng, vai trò của bất động sản trong nền kinh tế là rõ ràng. Tuy nhiên, có nhiều bên không thừa nhận vai trò của bất động sản, thậm chí có cái nhìn thiếu thiện cảm với ngành nghề kinh doanh bất động sản. Họ cho rằng, bất động sản nghĩa là mua rẻ bán đắt.
“Thế nhưng, ở góc độ doanh nghiệp làm thực tế dự án tôi cho rằng, hoạch toán hoạt động kinh doanh bất động sản rất minh bạch. Giá trị đầu vào cấu thành vào giá bán rõ ràng. Thậm chí, trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp không có lợi nhuận ở dự án; ăn vào lợi nhuận trong 10 năm phát triển vừa qua”, ông Dũng nhấn mạnh.
Vị này cho hay, doanh nghiệp bán sản phẩm trên thị trường sơ cấp. Các giao dịch thứ cấp tăng giá “vô tội vạ”, đây không phải là lợi nhuận của chủ đầu tư. Thị trường ghi nhận hoạt động gom đất rồi chờ tăng giá, đẩy giá thì nhà nước phải có giải pháp và công cụ kiểm soát.
“Trong bối cảnh hiện nay, nhà nước phải kiểm soát được giá bán, tạo ra các sản phẩm vừa túi tiền. Có như thế người dân mới quyết định mua bất động sản. Doanh nghiệp cũng mong muốn có nguồn tiền để tạo tính thanh khoản cho các dự án bất động sản”, Phó giám đốc Hưng Thịnh cho hay.
Chia sẻ về giải pháp, đại diện Hưng Thịnh cho rằng, các bên phải chung tay tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, để nhà đầu tư yên tâm quay trở lại thị trường. Với doanh nghiệp phải tái cấu trúc hoạt động, giảm giá để tiệm cận với nhu cầu thực của khách hàng.
Lãnh đạo Hưng Thịnh cũng gửi lời cảm ơn đến các cơ sơ ban ngành Tp.HCM đã gỡ vướng cho một số dự án của doanh nghiệp thời gian gần đây. Đồng thời, mong muốn được cơ cấu, gia hạn lại các khoản nợ, để doanh nghiệp giảm áp lực vay, tái khoản vay để khách hàng tiếp cận dòng tiền.
“Tôi đề xuất nới room tín dụng để doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn dễ dàng. Đồng thời, quyết liệt giảm lãi suất để các bên tham gia và quay trở lại thị trường bất động sản”, Phó Tổng Hưng Thịnh nhấn mạnh.
Mới đây, Sở Tài nguyên Môi trường TpHCM đã ban hành văn bản gỡ vướng cho một số dự án của Hưng Thịnh. Cụ thể, dự án Đất Phương Nam (tên thương mại Moonlight Avenue, ở TP Thủ Đức) và dự án Vĩnh Tiến (tên thương mại Moonlight Centre Point, quận Bình Tân) được gỡ vướng về chủ trương đầu tư. 4 dự án khác là Moonlight Park View – phần thương mại còn lại (quận Bình Tân), Moonlight Boulevard (quận Bình Tân), 9 View Apartment (TP Thủ Đức) và 8X Đầm Sen (quận Tân Phú) được cấp giấy chứng nhận.
Theo Cafef