Thị trường duy trì đà tăng nhẹ và xác lập phiên tăng thứ 7 liên tiếp, với sự cầm đầu thuộc về nhóm cổ phiếu bất động sản. Trong đó, cổ phiếu lớn VHM giao dịch bùng nổ và xác lập mức giá cao nhất trong 10 tháng.
Lực cầu sôi động và lan tỏa các nhóm ngành tiếp tục giúp thị trường giao dịch khởi sắc trong phiên sáng đầu tuần ngày 17/7. Trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản là điểm sáng với hàng loạt mã nóng trở lại đường đua, tăng tốc mạnh về giá cùng giao dịch sôi động, điển hình như LDG, QCG, DIG, DXG, DXS…
Mặc dù là nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất thị trường với việc thiếu động lực bứt phá của các mã đầu ngành như VHM, VIC… khiến nhóm bất động sản cũng chỉ tăng hơn 1%.
Tuy nhiên, sang phiên giao dịch chiều, sự thiếu vắng này đã được bồi đắp, cặp đôi lớn nhà Vingroup là VHM và VIC đều nới rộng đà tăng mạnh. Trong đó, VIC có phiên tăng tốt nhất trong khoảng 2 tháng, đóng cửa tăng 2,9% lên mức 52.900 đồng/CP, cùng thanh khoản sôi động, đạt hơn 4,6 triệu đơn vị.
Có phần khởi sắc hơn là VHM, lực cầu tăng mạnh đã giúp VHM bốc đầu và trở thành cổ phiếu tăng tốt nhất trong nhóm VN30. Kết phiên, VHM tăng 4,6% lên mức giá cao nhất ngày 59.000 đồng/CP, đây cũng là mức giá cao nhất của cổ phiếu này trong 10 tháng qua, kể từ ngày 16/9/2022 đến nay.
Đồng thời, thanh khoản của VHM cũng ấn tượng và là phiên giao dịch sôi động nhất trong gần 4 tháng qua, với khối lượng khớp lệnh đạt 4,27 triệu đơn vị, gấp hơn 2 lần khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây, đạt chưa tới 1,9 triệu đơn vị/phiên.
Ngoài cặp đôi lớn trên, hàng loạt mã bất động sản khác như PDR, DIG, SCR, KHG, TCD, HQC… đều tăng trên 3-4%; trong đó DIG tiếp tục sôi động với thanh khoản duy trì vị trí dẫn đầu, đạt hơn 47,4 triệu đơn vị khớp lệnh; NVL khớp 36,89 triệu đơn vị, DXG khớp 26,2 triệu đơn vị; các mã PDR, KHG, SCR, HQC đều khớp trên chục triệu đơn vị.
Đáng chú ý vẫn là DXS, QCG, HAR, LDG, LGL đóng cửa tiếp tục khoác áo tím. Trong đó, LDG tiếp tục tăng thanh khoản với hơn 18,76 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần hơn 0,9 triệu đơn vị, trong khi DXS dư mua trần 1,3 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, sự thiếu đồng thuận giữa các nhóm ngành trụ cột khiến thị trường chưa thể tăng tốc. Chỉ số VN-Index chỉ duy trì đà tăng nhẹ nhưng đã xác lập phiên tăng điểm thứ 7 liên tiếp và xác lập đỉnh mới trong năm nay.
Đóng cửa, sàn HOSE có 260 mã tăng và 171 mã giảm, VN-Index tăng 4,73 điểm (+0,4%), lên 1.173,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 914,62 triệu đơn vị, giá trị 18.633,47 tỷ đồng, giảm 12,29% về khối lượng và 10,75% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 14/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 63,47 triệu đơn vị, giá trị 1.906,22 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, trái với diễn biến khởi sắc của nhóm cổ phiếu bất động sản, nhóm cổ phiếu chứng khoán có phần đuối sức và chỉ còn nhích nhẹ khi nhiều mã đảo chiều giảm do áp lực bán gia tăng. Cụ thể, VSI giảm 1,05%, VND và BSI cùng giảm 1,08%, CTS, FPT, VDS đều chuyển đỏ với mức giảm trên dưới 0,5%.
Trong khi đó, VIX vẫn là điểm sáng của dòng chứng khoán khi đóng cửa vẫn tăng khá tốt 2,4% lên mức 12.800 đồng/CP cùng thanh khoản dẫn đầu ngành, đạt hơn 26,7 triệu đơn vị khớp lệnh.
Có phần kém tích cực hơn là nhóm cổ phiếu ngân hàng với số mã giảm điểm chiếm ưu thế hơn như VCB, BID, CTG, TCB, MBB, trong đó STB tiếp tục đi lùi khi đóng cửa giảm 3,4%, xuống mức giá thấp nhất trong ngày 28.000 đồng/CP, nhưng giao dịch vẫn sôi động khi đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản trên toàn thị trường, đạt hơn 41,57 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thép phân hóa nhẹ với HPG và HSG giảm nhẹ, trong khi NKG vẫn giữ sắc xanh nhưng cũng chỉ tăng 0,5%. Điểm sáng ngành thuộc về cổ phiếu nhỏ – POM, đóng cửa tăng kịch trần lên mức 7.900 đồng/CP, khớp lệnh gần 0,4 triệu đơn vị và dư mua trần 0,88 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sau cú giật lùi về sát mốc tham chiếu do áp lực gia tăng ở nhóm bluechip, thị trường đã nới nhẹ đà tăng điểm.
Đóng cửa, sàn HNX có 111 mã tăng và 76 mã giảm, HNX-Index tăng 0,76 điểm (+0,33%), lên 230,95 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 113,37 triệu đơn vị, giá trị 1.759 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,99 triệu đơn vị, giá trị 26,98 tỷ đồng.
Cặp đôi SHS và CEO vẫn có giao dịch vượt trội trên thị trường. Trong đó, SHS khớp gần 17,43 triệu đơn vị và đóng cửa vẫn tăng nhẹ 0,7% lên 14.700 đồng/CP, còn CEO khớp 11,55 triệu đơn vị và kết phiên vẫn giảm 1,4% xuống mức 20.900 đồng/CP.
Các cổ phiếu đáng chú ý là PVS kết phiên tăng 2,4% và khớp 6,23 triệu đơn vị, TNG tăng mạnh 4% và khớp 3,85 triệu đơn vị…
Trong khi nhóm vừa và nhỏ, cổ phiếu MBG vẫn giữ mức tăng 3,5% với thanh khoản thuộc top 5, đạt hơn 4,5 triệu đơn vị; bộ 3 cổ phiếu nhà apec là IDJ, API, APS đều tăng hơn 1% và khớp lệnh hơn 1-2 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường duy trì đà tăng nhẹ trong suốt cả phiên giao dịch.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,51 điểm (+0,6%), lên 86,81 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 58,85 triệu đơn vị, giá trị 805,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,99 triệu đơn vị, giá trị 66,46 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR đã lấy lại mốc tham chiếu khi đóng cửa đứng tại mức giá 18.300 đồng/CP, đồng thời trở lại vị trí dẫn đầu thanh khoản thị trường, đạt 7,13 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trong khi đó, cổ phiếu nhỏ VHG không kéo trần thành công, kết phiên vẫn tăng mạnh 8,8% lên mức 3.700 đồng/CP và khối lượng giao dịch chỉ thua BSR, đạt xấp xỉ 6 triệu đơn vị.
Một điểm nhấn khác trên UPCoM là PGB. Cổ phiếu này tiếp tục có phiên giao dịch khởi sắc và đóng cửa tăng 12,7% lên mức cao nhất ngày 32.900 đồng/CP. Như vậy, chỉ sau 5 phiên giao dịch, kể từ phiên giao dịch bùng nổ ngày 11/7, cổ phiếu này đã tăng tới gần 25%. Thanh khoản của PGB trong phiên hôm nay cũng sôi động với khối lượng giao dịch đạt 1,22 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng điểm và 1 hợp đồng giảm, với VN30F2307 giảm 0,3 điểm xuống 1.161,8 điểm, khớp 136.253 đơn vị, khối lượng mở 54.105 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, mã CVHM226 sôi động nhất khi khớp 1,58 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 50% lên 240 đồng/cq. Tiếp theo là CMBB2303 khớp 1,3 triệu đơn vị, đóng cửa giảm nhẹ 0,4% xuống 2.530 đồng/cq.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn