Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Sở Giao dịch 1, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, có 90% khả năng thị trường chứng khoán đã tạo đáy trung hạn trong một xu thế đi lên dài hạn.
Thị trường chứng khoán có tuần khởi đầu tháng 10 không mấy suôn sẻ khi VN-Index tiếp tục giảm điểm. Ông có đánh giá như thế nào về thị trường hiện nay?
Trước hết, tôi muốn khẳng định lại quan điểm xuyên suốt của mình trong 1 năm qua, đó là thị trường vẫn đang ở trong xu hướng tăng (uptrend) dài hạn, với “đáy thế kỷ” là 873,78 điểm vào tháng 11/2022 (mức thấp nhất trong phiên 16/11/2022).
Nhịp giảm của VN-Index gần đây, từ mức cao nhất trong phiên 7/9/2023 là 1.255,11 điểm về mức thấp nhất trong phiên 4/10 tại 1.106,4 điểm, với tôi đó chỉ là một nhịp điều chỉnh trung hạn trong một xu thế đi lên dài hạn.
Tôi cho rằng, có 90% khả năng thị trường đã tạo đáy trung hạn tại 1.106,4 điểm. Thời gian tới, thị trường sẽ bước vào một uptrend trung hạn, kéo dài khoảng 3 tháng và VN-Index có thể đạt 1.300 – 1.315 điểm vào tháng 1/2024.
Ông có thể chia sẻ căn cứ để dự báo về xu hướng tăng sắp tới?
Căn cứ để đưa ra dự báo trên là tôi sử dụng cả phân tích cơ bản và phân tích sóng Elliott với các chu kỳ trung và dài hạn. Tại ngày 4/10/2023, P/E của thị trường là 13,5 lần, trong khi lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng lớn trung bình là 5,5%/năm. Với lãi suất 5,5%/năm thì P/E hợp lý sẽ là 1/5,5% = 18,18 lần. Tương quan giữa lãi suất huy động và P/E cho thấy, tiền gửi tiết kiệm không hấp dẫn bằng việc đầu tư dài hạn vào thị trường chứng khoán.
Nhịp tăng trung hạn tới đây sẽ không phải là nhịp tăng khoẻ, mà đi lên chậm rãi, tăng giảm đan xen và việc lựa chọn đúng cổ phiếu tăng giá không dễ dàng.
Thực tế, qua công việc môi giới, tôi nhận thấy rất rõ những nhà đầu tư đã chốt lãi thành công tại ngưỡng VN-Index 1.250 điểm sau đó không rút vốn khỏi thị trường, mà vẫn để lại trong tài khoản chứng khoán, chờ mua vào khi giá rẻ. Đơn giản là vì ngoài chứng khoán, không có kênh đầu tư nào hấp dẫn hơn.
Sáng ngày 4/10 vừa qua, khi VN-Index chạm vùng 1.109 +/-3 điểm, tôi đã tư vấn cho khách hàng quyết liệt mua vào và sử dụng luôn cả đòn bẩy (margin) để bắt đáy, vì tự tin rằng 1.109 +/-3 điểm chính là chân của sóng uptrend 3 tháng tới.
Theo phân tích sóng của tôi, VN-Index đang bước vào sóng 5 nhỏ tính từ mức 873 điểm và dự kiến sẽ kết thúc quanh vùng 1.315 +/-15 điểm. Vì vậy, nhịp tăng trung hạn tới đây sẽ không phải là nhịp tăng khoẻ, mà đi lên chậm rãi, tăng giảm đan xen và việc lựa chọn đúng cổ phiếu tăng giá không dễ dàng.
Sau tháng 1/2024, tôi dự báo, thị trường chứng khoán sẽ khá khó khăn, cho dù bức tranh vĩ mô lúc đó cải thiện hơn hiện nay. Với tôi, đây cũng là điều dễ hiểu, bởi thị trường chứng khoán luôn đi trước vĩ mô khoảng 6 – 12 tháng. Khi số đông nhà đầu tư thấy mọi thứ tốt đẹp hơn thì khi đó thị trường đã đạt đỉnh.
Đâu là những yếu tố có khả năng tác động đến thị trường, cũng như có thể thay đổi góc nhìn của ông về thị trường?
Yếu tố chính tác động đến thị trường, khiến VN-Index giảm từ 1.255 điểm về 1.106 điểm vừa qua đó là tỷ giá.
Ngân hàng Nhà nước đã có các động thái hạ lãi suất quyết liệt nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và để tỷ giá USD/VND biến động ở mức thấp. Đồng thời, cơ quan này yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm thêm 1,5 – 2%/năm lãi suất cho vay, áp dụng với cả khoản vay hiện hữu.
Các động thái nới lỏng tiền tệ và thông điệp giảm lãi suất mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD duy trì ở mức cao đã khuyến khích nắm giữ USD, qua đó gây sức ép lên VND. Có thời điểm, lãi suất cho vay qua đêm bằng VND ở mức 0,2%/năm.
Trong khi đó, lãi suất cho vay qua đêm bằng USD giữa các ngân hàng lên tới trên 5%/năm. MBS đánh giá, đây là mức chênh lệch lớn và khó có khả năng thu hẹp trong tương lai gần. Chính những diễn biến gần đây của tỷ giá khiến Ngân hàng Nhà nước thận trọng hơn với các thông điệp nới lỏng chính sách tiền tệ.
Tôi thấy, tỷ giá chịu tác động mạnh từ yếu tố bên ngoài, đó là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng lãi suất vào tháng 11/2023. Đây là yếu tố tâm lý tác động làm chỉ số USD-Index (DXY) tăng cao trong tháng 9 vừa qua.
Thị trường sẽ phản ánh trước khi Fed tăng lãi suất thực. Trong khi đó, theo phân tích của tôi, chỉ số DXY đang tạo đỉnh trung hạn nên khả năng sẽ hạ nhiệt trong 1 tuần tới. Khi đó, thị trường chứng khoán sẽ hồi phục, ít nhất là lấy lại những gì đã mất trong 1 tháng qua. Đây là điều mà tôi tin chắc sẽ xảy ra, chứ không chỉ là kỳ vọng thông thường. Xuống vì cái gì thì lên sẽ do cái đó.
Ngoài ra, bằng phân tích kỹ thuật của cá nhân, tôi tự tin dự báo VN-Index sẽ tạo đáy quanh 1.109 +/-3 điểm từ trước. Tôi cũng đã chuẩn bị rất kỹ tâm lý khách hàng cho việc bắt đáy này từ trước, nên với chúng tôi, 1.109 +/-3 điểm chính là khoảnh khắc vàng để mua cho một uptrend 3 tháng tới.
Có thể thấy, ông rất tự tin về việc đón đầu cơ hội hồi phục của thị trường, nhưng giả sử kịch bản đó không xảy ra thì ứng xử với danh mục đầu tư như thế nào?
Kịch bản trên của tôi sẽ sai khi VN-Index thủng 1.100 điểm. Khi đó, chúng tôi sẽ bán hết danh mục, chờ khi nào xác nhận rõ kịch bản thì tham gia lại sau.
Tuy nhiên, thời điểm này, tôi tự tin rằng, 90% là chúng tôi đã bắt đáy trung hạn thành công và sẽ nắm giữ chặt vị thế “full margin” (sử dụng đòn bẩy tối đa) trong 3 tháng tới. Trong thời gian đó, chúng tôi sẽ liên tục điều chỉnh tỷ trọng từng mã cổ phiếu để tối ưu hoá danh mục, nhưng luôn giữ vị thế full margin. Phương pháp của chúng tôi là chỉ mua full margin trong 1 – 3 phiên đầu uptrend, chứ không đợi thị trường đi lên rõ ràng, xác nhận xu thế rồi mới sử dụng margin, vì thị trường càng lên cao càng rủi ro và hiệu quả đầu tư giảm dần.
Nếu chọn để giải ngân, theo ông, đâu là nhóm cổ phiếu đáng quan tâm ở thời điểm hiện nay?
Danh mục cổ phiếu mà chúng tôi đang tư vấn cho nhà đầu tư đa dạng các nhóm ngành như chứng khoán, bất động sản, hoá chất, phân bón, nhóm hưởng lợi từ đầu tư công gồm xây lắp, thép. Trong đó, tỷ trọng cao nhất vẫn là nhóm cổ phiếu chứng khoán, vì nhóm này được hưởng lợi nhất khi thị trường vào uptrend trung và dài hạn.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn