VN-Index đóng cửa tuần qua (15/12/2023) tại 1.102,3 điểm, tương ứng mức giảm 2,3% trong tuần.
Thị trường chứng khoán toàn cầu trải qua một tuần giao dịch với nhiều thông tin quan trọng. Theo đó, tình hình vĩ mô dần cải thiện khi nền lãi suất thế giới đạt đỉnh với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) dừng tăng lãi suất trong 3 – 4 kỳ họp liên tiếp. Trong đó, Fed đưa ra tín hiệu rõ ràng sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong năm 2024, thông tin này đã tạo sự hưng phấn cho thị trường chứng khoán Mỹ.
Tuy vậy, thị trường Việt Nam vẫn duy trì diễn biến giảm, các thông tin tích cực kể trên chưa hỗ trợ thị trường khả quan hơn. VN-Index kết thúc tuần vẫn giảm mạnh, đóng cửa tại 1.102,3 điểm, tương ứng mức giảm 2,3% trong tuần. Trên phương diện kỹ thuật, VN-Index đã tạo nên tổ hợp nến giảm Evening Star và đi theo đó là tổ hợp nến Three Black Crows. Đây là các tổ hợp nến đảo chiều và gia tốc đà giảm. Do đó, xác suất điều chỉnh giảm đang gia tăng dần, đặc biệt phiên thứ Sáu là phiên chỉ số này kiểm nghiệm lại hỗ trợ từ khoảng trống giá tại 1.100 – 1.110 điểm. Phiên kiểm nghiệm chưa được xác định là thành công khi VN-Index không được hỗ trợ bởi lực cầu, mà đóng cửa tại mức thấp nhất phiên.
Về mặt dòng tiền, diễn biến bán ròng của nhóm nhà đầu tư nước ngoài gây chú ý khi duy trì liên tiếp 2 tuần với áp lực bán tăng dần qua mỗi phiên, tổng cộng bán ròng gần 4.000 tỷ đồng trong tuần qua, tập trung tại nhóm vốn hóa lớn.
Xét theo diễn biến của các nhóm ngành thì công nghệ thông tin, bán lẻ và hàng cá nhân gia dụng (PNJ, TCM, TNG) là các nhóm tăng tích cực. Ngược lại, xây dựng – vật liệu xây dựng, dịch vụ tài chính, viễn thông là các nhóm giảm sâu nhất tuần qua.
Mặt bằng lãi suất toàn cầu và dự báo bức tranh kinh tế 2024
Có thể nói, mức lãi suất liên bang của Fed đã đạt đỉnh và việc cơ quan này hạ lãi suất chỉ là vấn đề thời gian. Nhìn rộng hơn, mặt bằng lãi suất ở các nền kinh tế lớn khác như EU, Canada, Anh… cũng đang ở mức cao nhất trong một thập kỷ qua.
Hiện tại, mức lãi suất điều hành mà các ngân hàng trung ương đưa ra cơ bản đã phát huy tác dụng trong việc kiềm chế lạm phát. Fed thừa nhận lạm phát đã dịu đi trong năm nay và hạ dự báo lạm phát của năm 2024 từ 2,6% xuống 2,4%. Với triển vọng tích cực của lạm phát trong năm 2024, khả năng Fed hạ lãi suất là rất cao trong năm tới. Hiện tại, có 2 kịch bản khả dĩ nhất cho lộ trình lãi suất của Fed.
• Kịch bản 1: Lạm phát hạ nhiệt nhanh chóng và tăng trưởng kinh tế vẫn ổn định. Trong trường hợp này, Fed có thể sẽ hạ lãi suất sớm hơn dự kiến, có thể là vào tháng 1 hoặc tháng 2 năm 2024.
• Kịch bản 2: Lạm phát hạ nhiệt chậm và tăng trưởng kinh tế chậm lại. Trong trường hợp này, Fed có thể sẽ hạ lãi suất đúng theo dự kiến, có thể là vào tháng 3, tháng 6 và tháng 9 năm 2024.
Trong 2 kịch bản trên, kịch bản số 2 có xác suất cao hơn, xét về bối cảnh sức khỏe nền kinh tế thế giới vẫn còn yếu sau đợt khủng hoảng. Với kịch bản đó, tốc độ phục hồi của kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng một phần. Tuy nhiên, việc Fed có lộ trình hạ lãi suất có thể làm giảm áp lực tỷ giá của Việt Nam trong năm tới, đồng thời thúc đẩy dòng vốn từ nước ngoài có thể quay trở lại.
Nền kinh tế của Việt Nam có độ mở tương đối cao, do đó, các tác động từ kinh tế thế giới có thể được phản ánh rất mạnh vào kinh tế trong nước. Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia phục hồi sớm sau đại dịch, tuy nhiên các chính sách kích thích tiền tệ hiện tại có phần lệch pha so với quốc tế, do đó hiệu quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Kinh tế thế giới đã qua giai đoạn khó khăn nhất và sẽ sớm bước vào giai đoạn phục hồi. Chúng tôi kỳ vọng năm 2024 sẽ là giai đoạn để nền kinh tế thế giới ổn định trở lại, để bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới, mặc dù tốc độ phục hồi có thể vẫn ở mức chậm. Trong đó, Việt Nam có thể được hưởng lợi một phần từ sự phục hồi đó. Xu hướng thu hút dòng vốn FDI trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi sản xuất và phục hồi tăng trưởng về xuất nhập khẩu có thể là hai chủ đề chính của kinh tế Việt Nam trong năm tới.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn