Cầu nhà ở xã hội tăng nhưng cung còn hạn chế đã tạo thời cơ cho cò mồi bất động sản rao bán ăn chênh lệch với mức cao.
Cò -thổi giá- nhà ở xã hội- Ăn chênh lệch tới hàng trăm triệu đồng – VTV.VN
Cò đất rao bán suất mua nhà ở xã hội
An cư lạc nghiệp là điều ai cũng mong muốn nhưng với người có thu nhập thấp và trung bình đang lao động tại các đô thị, việc sở hữu được nhà quả là rất khó. Chính vì thế mới có loại hình nhà ở xã hội để tạo điều kiện cho nhóm đối tượng này. Ở Hà Nội đã có nhiều dự án nhà ở xã hội đi vào hoạt động, thực hiện tốt mục tiêu chính sách của mình. Và ở thời điểm hiện tại, chỉ có dự án nhà ở xã hội Trung Văn thuộc phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm là đang đủ điều kiện mở bán với 157 suất mua, 68 suất cho thuê.
Nhu cầu nhà ở xã hội thì vẫn cao nhưng cầu còn hạn chế nên đây lại là thời cơ để một số cò mồi bất động sản rao bán ăn chênh lệch, thậm chí mức chênh có thể lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi căn.
600 triệu đồng không phải tiền nhà mà là tiền “chênh” – quá hời cho một cuộc giao dịch nên lượng cò bất động sản “nở rộ” ngay khi dự án nhà ở xã hội rao bán. Hội nhóm môi giới trên mạng xã hội cũng nhanh chóng đạt tới hàng nghìn thành viên.
Quảng cáo là căn ở vị trí nào cũng có, nếu chọn chỗ đẹp, phí chênh lệch có thể lên đến 50% tiền gốc. Cò mồi nào cũng khoe là mình nhiều “hàng”. Đường đi nước bước được sắp xếp tỉ mỉ, ngay cả khi người mua không đủ điều kiện xét duyệt mua nhà ở xã hội, cò mồi cam đoan vẫn sẽ có cách, thậm chí còn khẳng định làm luôn được cả hộ khẩu Hà Nội nếu người mua chưa có.
Khi khách hàng đã tin tưởng xuống tiền, với khoảng hơn 100 triệu đồng tiền cọc, hợp đồng giao dịch với cò mồi sẽ “núp bóng” dưới dạng “tư vấn hồ sơ”.
Người mua chấp nhận tin vào lời cam kết của cò mồi, chấp nhận chi tiền chênh lệch đậm để có suất mua nhà nhưng khi chi rồi thì lại bất an.
Vậy những khách tìm mua là ai mà lại sẵn sàng bỏ số tiền chênh lệch tới vài trăm triệu như vậy để có cơ hội mua nhà ở xã hội? Có rất nhiều dạng người mua nhưng có thể tạm chia thành 2 nhóm. Một là nhóm các khách hàng thực sự là người trong diện chính sách được mua nhà ở xã hội nhưng họ không dám chắc là mình giành được suất mua nên dù là nhóm đối tượng chẳng dư dả gì nhưng họ vẫn chấp nhận bỏ ra một số tiền chênh lệch lớn để chắc suất mua nhà ở xã hội. Còn nhóm thứ hai là những người không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, trong đó có cả dạng mua để đầu tư bán lại, họ tin là cò mồi có thể hợp thức hóa được việc mua nhà ở của mình.
Công khai, minh bạch giá nhà ở xã hội
Hiện mọi thông tin về dự án nhà ở xã hội Trung Văn cũng đã được công khai đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng và website của chủ đầu tư với mức giá niêm yết theo quy định và miễn phí việc tư vấn hồ sơ.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, quy trình bán nhà cũng sẽ được thực hiện theo hình thức bốc thăm công khai, không có trường hợp ngoại lệ. Nhưng có vẻ như cò mồi tin là mình có thể thao túng được việc đó và khiến những người bỏ hàng trăm triệu tiền chênh lệch cho mình cũng tin vào điều đó. Trao đổi tình trạng này với chủ đầu tư và cơ quan quản lý, các bên đều khẳng định việc môi giới như trên là trái luật và khách mua có thể bị mất tiền.
Bà Nguyễn Hoa Hồng Nhung – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng NHS, Hà Nội – cho biết: “Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng NHS một lần nữa khẳng định không liên kết với bất kỳ một sàn giao dịch bất động sản nào. Việc lựa chọn khách hàng hoặc chọn căn, chọn tầng là hoàn toàn không có căn cứ nên tất cả khách hàng tham gia bốc thăm đều công khai, minh bạch. Do đó, trường hợp ngoại giao theo các cam kết của sàn là hoàn toàn không có”.
Ông Mạc Đình Minh – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội – cho biết: “Các sàn giao dịch bất động sản đăng tin về giao dịch bất động sản các dự án nhà ở xã hội là vi phạm pháp luật. Chúng tôi sẽ thành lập các đoàn kiểm tra trực tiếp các sàn giao dịch bất động sản có biểu hiện đưa thông tin sai lệch liên quan đến việc huy động, thu kinh phí không đúng quy định rồi thu nộp hồ sơ của người dân để giải quyết mua nhà ở xã hội cho người dân”.
Tại sao nhiều người vẫn tin cò mồi?
Bên chủ quản khẳng định chẳng có “suất ngoại giao” nào và cũng chẳng có con đường nào đi nhanh hơn. Loay hoay đi tắt, nhờ vả cò mồi thực tế là đi vào ngõ cụt. Nhưng chắc chắn có một lý do nào đó khiến cò mồi vẫn tiếp tục khiến không ít người tin tưởng và trao tiền cho mình. Có thể đó chính là lúc họ chứng kiến cảnh có quá nhiều người xếp hàng để nộp hồ sơ cho chủ đầu tư. Khi đó, cò mồi sẽ “đánh hơi” rất nhanh và đánh vào tâm lý “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”.
4h sáng, văn phòng của chủ đầu tư dự án đã có nhiều người trực chờ nộp hồ sơ. Ai cũng sợ không nhanh thì mất lượt bởi mỗi ngày chủ đầu tư chỉ thu khoảng 40 bộ. Dù đã chờ nhiều giờ đồng hồ, nhưng người đàn ông 78 tuổi vẫn quyết đợi.
Ai cũng mong cơ hội, có người đi đường thẳng, có người đi đường tắt. Ai không đủ kiên nhẫn và niềm tin thì cò mồi sẽ tiếp cận để gợi ý đường tắt.
Bị thuyết phục bởi những lời hứa hẹn và tận mắt chứng kiến hàng dài người đang nộp hồ sơ nên cuối cùng một người phụ nữ cũng đã tìm đến một sàn bất động sản với chi phí “chênh” là 300 triệu đồng.
Vì đóng chênh nên tự tin hơn so với người chưa đóng nhưng không phải ai cũng tin vào con đường “tiểu ngạch”. Họ phải khép lại giấc mơ an cư vì điều kiện còn hạn chế bởi thà từ bỏ ước mơ chứ không chấp nhận tiếp tay cho những kẻ trục lợi.
1 triệu căn nhà ở xã hội có giúp thị trường bất động sản thoát khó?
Theo Cafef