GS. TS. Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng trường Đại học kinh tế Quốc dân kiến nghị một số giải pháp ngắn hạn và dài hạn cho thị trường bất động sản Việt Nam năm 2023 để thị trường bất động sản không trở thành nhân tố tác động gây lạm phát cao.
Trong ngắn hạn, vị này cho rằng nên kết thúc sớm việc thanh tra, xử lý với các dự án bị tạm dừng để doanh nghiệp tiếp tục triển khai đưa sản phẩm ra thị trường, bởi thực tế hiện nay rất nhiều dự án đang bị dừng vì thanh tra, kiểm tra.
Đồng thời cần tập trung giải quyết các vướng mắc pháp lý, từ Trung ương đến địa phương với việc thành lập các ban xử lý ngay các vướng mắc còn tồn tại. Cần phải loại bỏ cách trả lời hướng dẫn chung chung làm theo quy định pháp luật trong khi quy định pháp luật của chúng ta hiện nay chưa rõ ràng. Cũng theo ông Cường, phải chỉ ra cách giải quyết cụ thể nhất để địa phương áp dụng.
Bên cạnh đó, cần phải có khuôn khổ pháp lý cao hơn. Trong Nghị quyết số 33/NQ-Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh việc đồng bộ các Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, nhưng để có thể đồng bộ hoá được thì cần thêm thời gian. Vậy nên, Quốc hội cần đưa ra các nghị quyết mang tính tức thời. Trong đó có việc lựa chọn, vận dụng luật pháp khi có mâu thuẫn.
Về giải pháp tài chính, ông Cường nhấn mạnh, một số vấn đề cần được giải quyết sớm.
Tín hiệu tích cực hiện nay đó là các ngân hàng đang mở lại room tín dụng cho lĩnh vực bất động sản. Song, vẫn cần có thêm các giải pháp để tránh thị trường rơi vào suy thoái. Ông Cường khuyến nghị, cần có giải pháp kiểm soát việc cho vay đầu cơ bất động sản và đây cũng chính là yếu tố đặt ra tiêu chí mới. Không nên vận dụng theo các tiêu chí cũ như doanh nghiệp phải có tài sản bảo đảm, hay doanh nghiệp đó đang thuộc diện vướng nợ cũ hay không mà chỉ nên kiểm soát vấn đề như cho vay những dự án có khả năng thanh toán và kiểm soát được dòng tiền… Và nếu cứ áp theo các tiêu chí truyền thống thì nhiều doanh nghiệp sẽ không có cơ hội được vay vốn.
Về trái phiếu doanh nghiệp, GS.TS Hoàng Văn Cường khuyến nghị nên cho phép chuyển trái phiếu doanh nghiệp thành trái phiếu chuyển đổi sản phẩm. Đối với những dự án quan trọng, Chính phủ xem xét mua lại trái phiếu để tránh các dự án này rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài.
Đối với các giải pháp dài hạn, ông Cường cho rằng, phải có chiến lược phát triển thị trường bất động sản. Thực tế, chúng ta đã có quy hoạch nhưng sự phát triển của các dự án bất động sản lại chưa đi theo quy hoạch. Điều này đã dẫn đến thực trạng trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều khu vực được đầu tư quá mức so với triển vọng phát triển, từ đó tạo các thành phố ma và làm chôn vùi nguồn lực đầu tư của xã hội.
Bởi vậy, chiến lược của các dự án được cấp phép đầu tư phải song hành với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Theo đó, Chính phủ phải kiểm soát tiến độ đầu tư các dự án bất động sản theo tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và phát triển du lịch thông qua quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng và hỗ trợ phát triển hạ tầng xã hội.
Liên quan đến vấn đề quản lý giao dịch bất động sản, việc giao dịch đất và nhà ở cần bắt buộc phải được đăng ký. Điều này sẽ tránh tình trạng thất thu thuế, giảm hiện tượng “thổi” giá và giúp cơ quan chức năng dễ dàng tịch thu bất động sản vi phạm. Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, để minh bạch, công bằng hơn cho thị trường, các giao dịch sẽ phải thực hiện thông qua sàn bất động sản. Việc này sẽ giúp người dùng nhận được đầy đủ thông tin về hàng hóa giao dịch và các sàn giao dịch cũng sẽ chịu trách nhiệm về các thông tin xác nhận.
Hơn nữa, ông cũng cho rằng, Nhà nước không nên chấp thuận việc các tài sản hình thành trong tương lai đăng ký giao dịch trái phiếu chuyển đổi vì việc này có thể khiến các hoạt động mua bán trao tay đẩy giá tăng lên. Nhà nước cần đánh thuế sở hữu và thuế thừa kế bất động sản để hạ nhiệt giá nhà đất. Quy định về thời hạn sở hữu căn hộ cũng là một mấu chốt giúp giảm bớt gánh nặng chi phí của người mua nhà
Theo Cafef