TPO – Loạt đất tại huyện Phúc Thọ, Sóc Sơn, Gia Lâm sắp đấu giá, tuy nhiên các huyện vẫn lo tình trạng ít người đấu hoặc trúng đấu giá nhưng không nộp tiền.
Tại huyện Phúc Thọ, vào sáng 10/7 sẽ đấu giá quyền sử dụng 12 thửa đất thuộc NO4, NO5 khu Man Rộm, cụm 8, xã Phụng Thượng và 11 thửa đất tại điểm X11, xã Ngọc Tảo.
Các thửa đất có diện tích từ 76,90 đến 135,1 m2/thửa đất với
giá khởi điểm từ 11 triệu đồng
đến 18,5 triệu đồng/m2. Các lô đất đều có thời hạn sử dụng lâu dài.
Địa điểm đấu giá dự kiến tại hội trường Trung tâm Văn hóa – Thông tin và thể thao huyện Phúc Thọ. Hình thức đấu giá từng thửa đất bằng bỏ phiếu kín trực tiếp một lượt đấu, phương thức trả giá lên.
Cũng tại huyện Phúc Thọ, sáng 30/6 sẽ diễn ra buổi đấu giá đất 28 thửa đất. Các thửa đất là tài sản của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ.
Trong đó 20 thửa đất thuộc NO-2 tại khu Man Rộm, cụm 8 và 8 thửa đất ở khu Mả Mảy, xã Phụng Thượng.
Các lô đất có diện tích từ 90,6m2 đến 144,64m2. Giá khởi điểm từ 16,6 triệu đến 22,3 triệu đồng/m2.
Tại huyện Sóc Sơn, Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam vừa thông báo mời tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở của 8 thửa đất tại thôn Hương Đình, xã Mai Đình. Đây là tài sản của UBND huyện Sóc Sơn.
Theo đó, 8 thửa đất ở đấu giá có ký hiệu từ LK01-8 đến LK01-15, thời hạn sử dụng ổn định lâu dài. Các thửa có diện tích từ 95 – 150 m2. Giá khởi điểm 31,6 triệu đồng/m2.
Hình thức đấu giá từng thửa đất bằng bỏ phiếu kín trực tiếp một lượt đấu, phương thức trả giá lên.
Thời gian tổ chức đấu giá vào sáng 24/6, địa điểm dự kiến tại hội trường UBND huyện Sóc Sơn.
Tại huyện Gia Lâm, sáng 23/6, tại Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Gia Lâm cũng sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với 11 thửa đất. Các thửa đất đấu giá có ký hiệu C5 thôn 1, vị trí C11 thôn 3 xã Trung Mầu và C80+C81+C82, thôn 7, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm.
Các thửa đất có diện tích 62 – 219 m2 với mức giá khởi điểm từ 19 – 24,7 triệu đồng/m2.
Thông tin từ các huyện ngoại thành Hà Nội cho thấy, thu ngân sách các huyện từ đầu năm 2023 đến nay đều bị hụt so với dự toán thành phố giao, trong đó chủ yếu liên quan đến các nguồn thu từ đất.
Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết: Thu ngân sách cấp huyện đạt 1.481,406 tỷ đồng, bằng 84,5% dự toán giao, trong đó có 3 khoản thu không hoàn thành dự toán giao là thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất và tiền sử dụng đất. Nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất, nhiều dự án không bảo đảm tiến độ đề ra.
Còn tại huyện Thanh Trì, đại diện UBND huyện cho biết, ước thu ngân sách trên địa bàn huyện 6 tháng đầu năm đạt 933 tỷ đồng, đạt 38,9% dự toán. Thu ngân sách trên địa bàn hụt chủ yếu do việc đấu giá đất không đạt kỳ vọng. Các phiên đấu giá đất ít người tham gia, có nhiều trường hợp trúng đấu giá rồi không nộp tiền, phải tổ chức đấu giá lại. “Đây cũng là khó khăn của huyện, phấn đấu số thu 6 tháng cuối năm đạt 1.700 tỷ đồng, trong đó thu tiền sử dụng đất là trên 834 tỷ đồng”, đại diện huyện Thanh Trì chia sẻ.
Theo Cafef