Thị trường chứng khoán nửa đầu năm nay có thể còn tiếp tục trầm lắng nhưng được dự báo sẽ khởi sắc từ giữa năm. Dòng tiền sẽ phân hóa rõ nét vào từng nhóm ngành, nhóm cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng riêng.
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có sự hồi phục tích cực trong tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, trong 2 tháng sau đó, thị trường đã phải đối mặt với nhiều áp lực.
Một loạt biến động trên thị trường tài chính quốc tế đã phủ bóng lên tâm lý nhà đầu tư như vụ sụp đổ của một loạt các ngân hàng Credit Suisse, Silicon Valley Bank, First Republic hay mới nhất là việc Fed tăng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp, đưa phạm vi lãi suất hiện dao động ở mức 4,75% – 5%.
Trong nước, tăng trưởng kinh tế chậm lại, những thông tin tiêu cực trên thị trường TPDN cũng như sự bất ổn của thị trường bất động sản, đã tác động đến niềm tin của nhà đầu tư.
Những biến động từ thị trường quốc tế và trong nước đã khiến chỉ số VN-Index dập dình quanh mức 1.040 điểm.
Đánh giá về diễn biến thị trường 4 tháng đầu năm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, nhìn chung thị trường vẫn biến động sideway với thanh khoản sụt giảm mạnh do tâm lý e ngại của nhà đầu tư. Dòng tiền chưa sẵn sàng trở lại trong bối cảnh các rủi ro chưa giảm đáng kể, như chu kỳ tăng lãi suất của Fed đang trong xu hướng đi lên cùng với đó quý II, quý III là đợt cao điểm đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, từ đó khiến xu hướng thị trường chưa rõ ràng. “Động thái tích cực nhất trong thời gian qua là khối ngoại quay lại mua ròng, tâm lý của khối này đã trở nên lạc quan hơn khi tỷ giá hạ nhiệt”, ông Minh nói.
Điểm sáng cuối năm
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nhận định, kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng trong năm 2023 vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù áp lực tỷ giá đã giảm trong bối cảnh FED giảm cường độ tăng lãi suất, nhiều ngân hàng thương mại cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay trong một vài tuần trở lại đây nhưng mặt bằng lãi suất trong nước vẫn đang ở mức cao và có khả năng duy trì ít nhất đến hết quý I/2023. Thanh khoản trên TTCK do vậy có khả năng phục hồi chậm.
Ngoài ra, theo bà Bình, khó khăn trên thị trường tài chính quốc tế và lo ngại về khả năng xảy ra hiệu ứng dây chuyển từ sự sụp đổ của Ngân hàng Sillicon Valley (Mỹ) có thể tác động tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư trên TTCK quốc tế nói chung. Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị trên thế giới tiếp tục kéo dài cũng tiềm ẩn tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng.
Dù vậy, đại diện UBCKNN khẳng định, cơ quan này đang và sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt của TTCK, thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Dự báo về diễn biến TTCK từ nay đến cuối năm 2023, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng sẽ có 2 giai đoạn quan trọng. Một là từ nay đến hết quý II, thị trường sẽ tiếp tục đi ngang với biên độ hẹp, dòng tiền phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, thanh khoản ở mức thấp, hay nói cách khác là thị trường chưa có một cơn sóng rõ ràng. Tuy nhiên vị chuyên gia này lưu ý khả năng thị trường giảm mạnh sẽ không xảy ra khi có một số tín hiệu như Fed giảm tốc độ tăng lãi suất, lợi suất trái phiếu đang có xu hướng đi xuống. Rủi ro có phần giảm song chưa giảm đáng kể.
Hai là giai đoạn sau quý II, thị trường có thể sẽ có cơn sóng rõ ràng hơn, xu hướng đi lên sẽ rõ nét nhờ vào kỳ vọng Fed dừng tăng lãi suất trong tháng 6 hoặc Fed có thể giảm nhẹ lãi suất sau quý III. Ngoài ra, rủi ro đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp dần được tháo gỡ; Chính phủ có động thái tích cực hỗ trợ thanh khoản thị trường bất động sản.
Ông Minh khuyến nghị nhà đầu tư từ nay đến hết quý II nên phòng thủ và nắm giữ cổ phiếu ở tỷ trọng thấp. Với vị thế lướt sóng, vẫn có thể tham gia với tỷ trọng thấp bởi khi thị trường đi ngang sẽ xuất hiện những cổ phiếu có câu chuyện riêng, song cơ hội chỉ đến với nhà đầu tư có kinh nghiệm. Đối với những nhà đầu tư thận trọng, chiến lược hợp lý là trú ẩn vào kênh an toàn hơn như tiết kiệm, hoặc dành một phần nhỏ danh mục để nắm giữ cổ phiếu có lợi suất cao. Còn sau giai đoạn quý II, khi xu hướng thị trường rõ ràng hơn, lúc này nhà đầu tư có thể quay lại và giải ngân.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích – Nghiên cứu CTCK Agriseco đánh giá, thị trường chứng khoán năm 2023 vẫn còn nhiều thách thức xen lẫn các cơ hội. Các yếu tố rủi ro hệ thống vẫn tiếp diễn như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, sự sụp đổ của các ngân hàng trên thế giới, môi trường lãi suất cao. Kinh tế Việt Nam sẽ ảnh hưởng do có độ mở cao và khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài còn hạn chế. Lợi nhuận toàn thị trường trong nửa đầu năm có thể kém khả quan so với mức nền cao cùng kỳ năm ngoái do nhiều ngành trọng điểm của nền kinh tế như bất động sản, chứng khoán, thép đang gặp khó khăn.
Tuy nhiên, những áp lực từ vĩ mô thế giới cũng như trong nước có thể giảm dần trong nửa cuối năm 2023. Fed có thể ngừng nâng lãi suất từ giữa năm 2023 khi lạm phát hạ nhiệt, duy trì mặt bằng lãi suất quanh 5% tới cuối năm. Trong nước, áp lực lạm phát đã giảm cùng với xu hướng giá cả hàng hóa toàn cầu. Tỷ giá cũng đã hạ nhiệt khi Fed ngừng nâng lãi suất, qua đó giảm áp lực rút vốn của dòng vốn ngoại. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm khơi thông nguồn vốn, ổn định thị trường tài chính, tiền tệ và bất động sản được kỳ vọng phát huy tác dụng trong nửa cuối năm. Qua đó, nhiều ngành trọng điểm của nền kinh tế được dự báo khởi sắc hơn từ giữa năm 2023. Về mặt định giá, thị trường đang ở vùng giá hấp dẫn so với lịch sử và nhiều cơ hội đầu tư dài hạn được mở ra.
“Tựu chung lại, tôi dự đoán thị trường nửa đầu năm có thể tiếp tục trầm lắng nhưng sẽ khởi sắc hơn từ giữa năm. Dòng tiền sẽ phân hóa rõ nét vào từng nhóm ngành, nhóm cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng riêng. Trong bối cảnh thị trường phân hóa rõ nét, nhà đầu tư nên xác định rõ khẩu vị đầu tư và mức độ chịu đựng rủi ro của mình để lựa chọn danh mục cổ phiếu phù hợp”, ông Khoa nói.
Theo ông Khoa, đối với các nhà đầu tư ưa chuộng lướt sóng ngắn hạn, cần tuân thủ kỷ luật trading, các điểm chốt lời, cắt lỗ và tránh sa vào việc nắm giữ dài hạn, nhất là đối với các cổ phiếu chưa hiểu rõ về nội tại doanh nghiệp. “Thông thường trong một năm sẽ có từ 2 tới 3 đợt sóng tăng, bất chấp cả năm thị trường chung tăng hay giảm điểm. Đối với nhà đầu tư ưa thích nắm giữ dài hạn, an toàn nên ưu tiên lựa chọn cổ phiếu đầu ngành, có mức định giá hợp lý, hạn chế sử dụng margin và tránh những cổ phiếu có tính chất chu kỳ hoặc bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các yếu tố vĩ mô”, ông Khoa khuyến nghị.
Theo Cafef