Trong môi trường lãi suất thấp, nhiều công ty chứng khoán đồng thuận quan điểm, thị trường sẽ xuất hiện những rung lắc, song dòng tiền có thể gia tăng dần khi nhà đầu tư nhận thấy kênh chứng khoán hấp dẫn hơn.
Lãi suất thấp giúp chứng khoán tăng sức hấp dẫn
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến hai tháng giao dịch đầu năm 2024 vô cùng sôi động. Thậm chí, tháng 2 còn là tháng tăng điểm thứ 4 liên tiếp trong chuỗi tăng gần 200 điểm của chỉ số VN-Index, kể từ mức 1.028,19 điểm vào cuối tháng 10/2023. Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán đang trong thời tiền rẻ khi mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức thấp kể từ giữa năm 2023.
Dĩ nhiên, trong ngắn hạn, khi thị trường duy trì tăng tốt và vượt ngưỡng tâm lý 1.200 điểm, ngắn hạn sẽ có nhịp điều chỉnh, rung lắc kỹ thuật sẽ xuất hiện đan xen, áp lực chốt lời ngắn hạn gia tăng. Đây là điều cần thiết cho chỉ số thị trường nhằm tích lũy và kiểm nghiệm lại vùng cân bằng mới.
Bên lề Lễ đánh cồng khai trương giao dịch đầu Xuân Giáp Thìn 2024 tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) sáng ngày 19/2/2024, ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) cho rằng, tiềm năng thị trường chứng khoán năm 2024 là tích cực, dựa trên cơ sở kinh tế toàn cầu ổn định hơn dù vẫn còn đối mặt nhiều bất ổn địa chính trị, ở trong nước thì chính sách tiền tệ và tài khóa đều đang theo hướng hỗ trợ cho nền kinh tế. Dưới sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, mặt bằng lãi suất thấp.
Bên cạnh đó, ông Giang cho rằng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn mạnh mẽ, thành xu hướng không thể đảo ngược và “đây là điểm gây hứng khởi cho nền kinh tế”. Riêng với thị trường nợ (trái phiếu doanh nghiệp), ông Giang cho rằng, thị trường này đã được giải quyết linh động nên cũng góp phần giảm tác động tiêu cực lên thị trường.
“Chúng tôi thấy lòng tin của nhà đầu tư đã quay trở lại và việc chúng ta cần làm là phải tránh được các sai lầm cũ rồi gây nên hệ lụy đã thấy các năm qua”, ông Giang nói.
Với hoạt động của khối ngoại, ông Giang cung cấp số liệu, dòng vốn ngoại bán ròng trên thị trường niêm yết hơn 22.000 tỷ đồng trong năm 2023, tương đương gần 1 tỷ USD, nhưng trên thị trường vốn tư nhân (PE), vốn ngoại vẫn đang vào ròng. Nếu tính tổng vốn ngoại vào – ra thì vẫn là con số vào ròng.
“Họ đang bán ròng mạnh trên thị trường niêm yết, một trong các nguyên nhân là chênh lệch lãi suất VND và USD. Lãi suất ngắn hạn USD (Mỹ) khoảng 5,5%/năm, trong khi lãi suất VND chỉ khoảng 3,5%/năm. Lãi suất trái phiếu chính phủ dài hạn của Mỹ khoảng 4,5%/năm, trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ dài hạn của Việt Nam chỉ 2,5%/năm, điều chưa bao giờ xảy ra. Bên cạnh đó, cũng chịu tác động từ việc chấn chỉnh trên thị trường chứng khoán”, ông Giang lý giải.
CEO HSC cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững lãi suất thấp hiện nay, trong khi Ngân hàng Trung ương Mỹ vẫn duy trì lãi suất cao vì lạm phát chưa hạ nhiệt như kỳ vọng của Fed. Theo đó, dòng vốn nước ngoài dự báo vẫn bán ròng trên thị trường niêm yết vì câu chuyện chênh lệch lãi suất, nhưng nhờ lòng tin vào thị trường đã tốt hơn, khối ngoại nếu có bán ròng thì bán ròng nhẹ hơn. Riêng thị trường PE thì dòng vốn chảy vào mạnh mẽ, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn tìm mua doanh nghiệp tốt, quản trị tốt tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Kim Group cũng cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước vào một chu kỳ tăng giá mới và năm 2024 là giai đoạn đầu của chu kỳ tăng giá đó. Với mức lãi suất tiết kiệm rất thấp như hiện tại, những người gửi tiền sẽ phải cân nhắc chuyển hướng sang các kênh đầu tư cho tỷ lệ sinh lời tốt hơn. Lãi suất cho vay cũng đang dần giảm về mức hợp lý sẽ kích thích nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt so với các chu kỳ trước đó là chính sách nới lỏng tiền tệ của Việt Nam đi trước so với chính sách của các nước lớn như Mỹ, EU. Lạm phát ở các nước này vẫn dai dẳng và chưa thể khẳng định chắc chắn thời điểm hạ lãi suất trong năm 2024. Thêm vào đó, các điểm nóng về xung đột chính trị vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và có thể tác động tiêu cực đến sự hồi phục của kinh tế thế giới.
“Tổng thể lại thì rủi ro vẫn còn, nhưng xu hướng phục hồi và đi lên của thị trường chứng khoán Việt Nam là rõ ràng”, ông Trung khẳng định.
Ngắn hạn, để ý câu chuyện định giá không còn rẻ
Xét về câu chuyện định giá, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhìn nhận, hiện tại, chỉ số VN-Index đang được giao dịch quanh ngưỡng tâm lý 1.200 điểm, với mức định giá (P/E) 15,8 lần. Theo ông Tuấn, đây không còn là mức định giá rẻ của thị trường chung khi mà mức định giá trung bình 10 năm qua của thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức 16,6 lần. Thậm chí, trong nhịp tăng kéo dài vừa qua của thị trường, có nhiều mã cổ phiếu đã vượt mức đỉnh lịch sử trước đó, bất chấp các dự báo về một năm nhiều khó khăn của kinh tế toàn cầu.
“Tuy nhiên, việc định giá thị trường chung không còn rẻ không có nghĩa cơ hội trên thị trường không còn. Điều quan trọng với giới đầu tư là tìm được đúng khúc lượn của thị trường để mua vào, bán ra, tối ưu hóa lợi nhuận. Các nhịp điều chỉnh rung lắc kỹ thuật sẽ là những cơ hội tốt cho các nhà đầu tư để có thể cơ cấu lại danh mục cũng như có thêm lựa chọn tốt hơn khi quyết định tham gia vào thị trường”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Còn theo ông Trung, với mức P/E thị trường hiện tại khoảng 14 lần, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài từ 5 – 6%/năm và hầu hết các doanh nghiệp trên thị trường vừa tạo đáy kết quả kinh doanh thì đây là mức P/E đủ hấp dẫn để đầu tư. Các nhà đầu tư nên tập trung vào các các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp như có kết quả kinh doanh tạo đáy và bắt đầu phục hồi đi lên, cũng như các doanh nghiệp khỏe mạnh vẫn giữ được đà tăng trưởng trong năm vừa qua. Năm nay, nhà đầu tư nên ưu tiên mua và nắm giữ, hạn chế trading vì thực tế trong một sóng tăng của thị trường thì chiến lược mua và nắm giữ tỏ ra hiệu quả vượt trội so với việc trading liên tục.
“Để thực hiện được điều này, trước khi xuống tiền mua cổ phiếu, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp theo tiêu chí vừa nêu ở trên và kiên trì với chiến lược mua và nắm giữ, tránh tâm lý nóng vội dẫn đến việc đảo danh mục thường xuyên, ảnh hưởng không tốt đến hiệu suất đầu tư của mình”, ông khuyến nghị.
Nhóm ngành tiềm năng
Nền tảng cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024 vẫn là triển vọng hồi phục của nền kinh tế. Bất chấp những dự báo nền kinh tế toàn cầu còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong năm 2024 nhờ nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ với các chính sách tập trung vào hỗ trợ tăng trưởng.
Theo ông Trần Anh Tuấn, nhà đầu tư có thể tham khảo các nhóm ngành được đánh giá hưởng lợi từ chính sách vĩ mô, đầu tư công cũng như phục hồi nhu cầu tiêu dùng trong nước và thế giới như ngân hàng, bất động sản, xây lắp và vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, bluechips sẽ là nhóm dẫn dắt xu hướng chính của thị trường khi đây là nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tài chính tốt, có thể hấp thụ tốt dòng tiền trên thị trường.
Nếu như năm 2023, thị trường chứng khoán phục hồi nhờ kỳ vọng vào chính sách tài khóa và tiền tệ của Chính phủ thì năm nay, yếu tố chính thúc đẩy thị trường là nền tảng cơ bản của doanh nghiệp. Nói cách khác, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ quyết định xu hướng đi lên của thị trường. Bởi vậy, theo ông Trung, nhà đầu tư nên tập trung vào cổ phiếu của các doanh nghiệp đã tạo đáy về kết quả kinh doanh và bắt đầu hồi phục, cũng như các doanh nghiệp tiếp tục có đà tăng trưởng trong năm 2024; ưu tiên vào các doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn và có kết quả kinh doanh tích cực trong quý IV/2023.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn