VN-Index tuần qua gần như đi ngang, diễn biến này không quá bất ngờ, bởi sau 2 tuần tăng liên tiếp trước đó (tăng 4,6%) thì thị trường có quãng nghỉ là điều cần thiết.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Dow Jones duy trì trong pha tăng trung và dài hạn, bất chấp những rung lắc xuất hiện do áp lực chốt lời khi chỉ báo kỹ thuật ở trong trạng thái quá bán. Các chu kỳ tăng nhanh và mạnh từ đáy gần đây đều cho thấy các nhịp vào vùng quá mua chỉ tạm thời làm gián đoán đà tăng của chỉ số chung, nhất là S&P 500, trong một khoảng thời gian ngắn, còn xu thế chính trong trung và dài hạn vẫn là tăng. Tại thị trường chứng khoán Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 ghi nhận một pha vượt đỉnh ngoạn mục.
Với những dữ liệu mà nhiều thị trường chứng khoán quốc tế đang thể hiện, chúng tôi chưa nhận thấy rủi ro lớn từ yếu tố liên thị trường vào lúc này.
Tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam không có sự thay đổi lớn về mặt điểm số, nhưng có sự chuyển biến lớn về khẩu vị của dòng tiền đầu cơ. Dòng tiền tỏ ra khắt khe trong việc lựa chọn nhóm cổ phiếu dẫn dắt, khi hầu hết các phiên giao dịch hoạt động mạnh mẽ ở nhóm ngân hàng và “bỏ rơi” những nhóm truyền thống khác như chứng khoán, thép, bất động sản…
Theo dữ liệu mà chúng tôi thống kê, dòng tiền hiện tại tập trung mạnh nhất vào nhóm vốn hóa lớn (VN30) và tạo ra khoảng cách rất lớn so với dòng tiền ở 2 nhóm còn lại là vốn hóa vừa (VNMidcap) và vốn hóa nhỏ (VNSmallcap). Diễn biến này có thể khiến phần đông nhà đầu tư cảm thấy không vui (nhất là đối với những người “lỡ sóng” ngân hàng), nhưng xét về tổng thể thì đây là biểu hiện thường thấy của một “sóng” tăng bền vững và có sự sắp xếp một cách trật tự.
Theo đó, giai đoạn đầu của một chu kỳ tăng mới sẽ chứng kiến dòng tiền yêu thích nhóm vốn hóa lớn, rồi lan tỏa dần sang nhóm vốn hóa vừa và vùng đỉnh của chu kỳ có sự sôi động của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ.
Chúng tôi giữ quan điểm tích cực về xu thế của thị trường trong quý I/2024 và tin tưởng rằng, thị trường vẫn còn dư địa tăng. Vì tính tới lúc này, VN-Index chưa tăng đủ lâu và đủ nhiều giống như cách vận động của một “sóng” tăng tiêu chuẩn thường thấy, tức thị trường chưa đạt trạng thái “căng cứng” tâm lý lạc quan để được xem là vùng nguy hiểm. Chỉ khi thị trường xuất hiện những tin xấu bất ngờ thì đà tăng mới có nguy cơ bị bẻ gãy sớm hơn dự báo.
Xét trong ngắn hạn, sự lan tỏa chậm chạp của dòng tiền đi kèm với biến động thị trường tăng giảm đan xen có thể níu giữ VN-Index trong vùng 1.140 – 1.170 điểm lâu hơn.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn