Áp lực bán gia tăng về cuối phiên khiến thị trường chìm trong sắc đỏ và chỉ số VN-Index nới rộng đà giảm điểm. Tâm điểm đáng chú ý là cổ phiếu HDB ngược dòng thị trường nhờ thông tin hỗ trợ tích cực.
Niềm vui nhà đầu tư tiếp tục tăng lên theo cấp số nhân khi thị trường tiếp tục hồi phục mạnh mẽ trong tháng 6. Nếu trong tháng 5, VN-Index chỉ ghi nhận mức tăng 25 điểm, thì sang tháng 6, hàng loạt cổ phiếu xác lập mức giá cao nhất trong nửa đầu năm thành công và chỉ số chung tiếp đà tăng mạnh khoảng 50 điểm, tiến vào vùng đỉnh cũ của năm 2023.
Sau đợt hồi phục mạnh mẽ thì những nhịp rung lắc và điều chỉnh là điều tất yếu để thị trường lấy đà bước tiếp. Và trong phiên hôm qua ngày 29/6, chỉ số VN-Index đã quay đầu giảm sau 7 phiên tăng liên tiếp.
Tuy nhiên, áp lực bán trong phiên hôm qua khá mạnh khiến VN-Index kết phiên hình thành mô hình nến Bearish Engulfing xóa bỏ đi toàn bộ nỗ lực tăng điểm của 4 phiên trước đó. Đồng thời, với mức giá đóng cửa thấp nhất ngày cùng thanh khoản lớn, thị trường đang phát đi những tín hiệu đảo chiều trong ngắn hạn.
Với diễn biến hiện tại, hầu hết các công ty chứng khoán nhận định thị trường có thể sẽ sớm quay về kiểm tra khu vực hỗ trợ quanh 1.150 điểm. Đây cũng sẽ là khu vực hỗ trợ gần nhất cũng là nơi giao cắt với đường trung bình động MA20 và thị trường hoàn toàn có thể sẽ có những phiên bật hồi tại khu vực này. Tuy nhiên, nếu không giữ vững được vùng điểm này thì xác xuất VN-Index quay lại vùng sideway là cần được tính đến.
Quay lại diễn biến phiên giao dịch sáng ngày 30/6, tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn sau phiên biến động mạnh ngày hôm qua khiến dòng tiền trở nên hạn chế hơn và chỉ số VN-Index chỉ biến động nhẹ quanh mốc tham chiếu.
Sau hơn 1 giờ giao dịch, áp lực bán lan rộng kéo theo hàng trăm mã giảm điểm, chiếm áp đảo trên bảng điện tử. Tuy nhiên, lực bán không diễn ra ồ ạt và chỉ mang tính thăm dò khiến đà giảm của các mã không quá lớn.
Cụ thể, trong số hơn 220 mã giảm điểm trên sàn HOSE (gấp hơn 2 lần số mã tăng), chỉ có duy nhất 1 mã TDP nằm sàn, còn lại phần lớn giảm chưa tới 3%. Trong khi xét theo nhóm ngành, hầu hết chỉ biến động tăng giảm nhẹ trong biên độ hẹp là 0,5%, và chỉ số VN-Index lúc này cũng chỉ giảm hơn 2 điểm.
Cặp đôi làm nóng thị trường trong phiên hôm qua là HAG và HNG đã nhanh chóng hạ nhiệt do áp lực bán gia tăng và trở nên rung lắc nhẹ. Hiện HAG và HNG đều giảm nhẹ trên dưới 0,5%.
Trong khi đó, dòng tiền vẫn hướng tới các cổ phiếu bất động sản. Cụ thể, bên cạnh NVL và DIG dẫn đầu thanh khoản thị trường, các mã khác như PDR, KBC, VCG, CII, LCG, BCM, NTL, BCG, TCD… đều tìm lại sắc xanh.
Áp lực bán lan rộng hơn trong khoảng 1 giờ cuối phiên khiến thị trường nới rộng đà giảm điểm, chỉ số VN-Index lùi về sát mốc 1.120 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 99 mã tăng và 266 mã tăng, VN-Index giảm 4,05 điểm (-0,36%), xuống 1.121,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 432,5 triệu đơn vị, giá trị 7.974 tỷ đồng, giảm 39,78% về khối lượng và 32,5% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 38,7 triệu đơn vị, giá trị 1.271,8 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, cổ phiếu HDB lội ngược dòng thị trường chung và là mã duy nhất trong dòng bank có được sắc xanh. Chốt phiên sáng nay, cổ phiếu HDB tăng 1,4% lên mức 18.600 đồng/CP cùng thanh khoản tích cực với hơn 1,55 triệu đơn vị khớp lệnh thành công.
Một trong những thông tin tiếp sức cho đà tăng của HDB là Ngân hàng vừa ra thông báo ngày 19/7 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông chia cổ tức 15%.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng trong xu hướng giảm chung, tuy nhiên dòng tiền vẫn khá ưu ái. Cụ thể, NVL dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 14 triệu đơn vị khớp lệnh và chốt phiên sáng đứng giá tham chiếu; DIG và PDR đứng ở vị trí tiếp theo khi khớp hơn 8,2 triệu đơn vị.
Trong đó, PDR dù rung lắc và điều chỉnh đầu phiên nhưng đã hồi phục khá tích cực và trở lại gần vùng giá cao nhất trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, về cuối phiên, PDR có chút hạ độ cao và chốt phiên tăng 2,4% lên mức 16.900 đồng/CP.
Trái lại, QCG vẫn bị bán tháo và chốt phiên nằm sàn ở mức giá 8.230 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 0,96 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đi lùi và gần như trở về mốc xuất phát nhờ sự hỗ trợ của các mã SSI tăng nhẹ 0,4%, VCI tăng 1,1%, CTS tăng 0,5%, FTS tăng 0,2%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp HAG và HNG cũng nới rộng biên độ và chốt phiên giảm hơn 1%, thanh khoản thuộc top 15 mã dẫn đầu thị trường với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 5,79 triệu đơn vị và 4,66 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, thị trường cũng giảm mạnh về mức giá thấp nhất trong phiên khi sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 42 mã tăng và 105 mã giảm, HNX-Index giảm 1,53 điểm (-0,67%), xuống 225,94 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 30,45 triệu đơn vị, giá trị 513,73 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,87 triệu đơn vị, giá trị 9,6 tỷ đồng.
Bộ 3 cổ phiếu nhà apec vẫn dư bán sàn vài triệu đến hơn chục triệu đơn vị cùng thanh khoản sụt giảm.
Trong khi đó, các mã giao dịch tốt là CEO và SHS sau khi mở cửa giảm sàn đã bật hồi. Cụ thể, CEO chốt phiên giảm 4% xuống mức 23.900 đồng/CP và thanh khoản dẫn đầu với hơn 7 triệu đơn vị khớp lệnh, trong khi SHS đứng giá tham chiếu và khớp 5,23 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường may mắn giữ được sắc xanh nhạt dù áp lực bán gia tăng cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (+0,24%) lên 85,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 21,4 triệu đơn vị, giá trị 193,88 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 0,21 triệu đơn vị, giá trị 2,14 tỷ đồng.
Chỉ có duy nhất 2 mã có thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị. Trong đó, BSR dẫn đầu khi khớp 1,81 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 1,1% xuống mức 17.300 đồng/CP.
Tiếp theo đó là BII khớp 1,02 triệu đơn vị và chốt phiên giảm 7,7% xuống mức giá sàn 1.200 đồng/CP.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn