Đây là khẳng định của Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) tại tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán” do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức sáng ngày 19/7.
Theo Ban Tổ chức, sau 6 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp mới niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn là rất nhỏ, chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Nguyên nhân đến từ việc nội tại doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề sau hơn 2 năm dịch bệnh, suy thoái kinh tế. Cùng với đó, các quy định niêm yết ngày càng chặt chẽ hơn cũng khiến cho số doanh nghiệp có thể thoả mãn điều kiện “lên sàn” ngày càng thưa vắng.
Giai đoạn hiện tại, Chính phủ, Nhà nước cũng thực hiện các biện pháp hỗ trợ tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là điều rất tích cực, giúp gia tăng “sức khoẻ” doanh nghiệp, từ đó tạo điều kiện cho việc các doanh nghiệp niêm yết.
Bình luận về thực tế câu chuyện niêm yết, ông Võ Thanh Tuấn, Trưởng phòng Đăng ký Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cho biết, để lên sàn doanh nghiệp phải trải qua các quy trình, thủ tục hoàn thiện hồ sơ, việc đăng ký tại trung tâm chỉ là một khâu. Tuy nhiên, từ thực tế xử lý hồ sơ, thấy nhiều doanh nghiệp, tổ chức phát hành chưa nắm được hết các quy định về niêm yết. Do đó, việc tìm hiểu đầy đủ từ luật, nghị định, thông tư về niêm yết là rất cần thiết với các doanh nghiệp, tổ chức niêm yết.
Còn theo ông Nguyễn Trung Đức, Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và nhỏ, Hiệp hội này có hơn 65.000 thành viên, tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết và tiệm cận niêm yết chỉ khoảng hơn 1% doanh nghiệp. Một hạn chế khác là với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, để thoả mãn các điều kiện niêm yết cũng còn nhiều khó khăn.
Về giải pháp, theo ông Đức, các doanh nghiệp muốn lên sàn trước mắt cần tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, củng cố nội lực và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ hàng hoá. Từ đó, gia tăng được sức mạnh, nguồn lực, thoả mãn tốt các tiêu chuẩn để có thể niêm yết.
“Thời gian tới, Hiệp hội cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hội viên để tăng số doanh nghiệp niêm yết, vì thị trường chứng khoán là kênh thu xếp vốn dài hạn rất tốt cho doanh nghiệp. Đặc biệt, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, niêm yết thành công còn giúp nâng cao uy tín, thương hiệu”, ông Đức cho biết thêm.
Theo ông Bùi Đình Như, Công ty cổ phần Quản trị và tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam, một thực tế là không ít doanh nghiệp còn chưa nhận thức được các tiêu chí, lộ trình của hoạt động niêm yết. Do đó, để thúc đẩy việc lên sàn của các doanh nghiệp, việc phổ biến các kiến thức này cho doanh nghiệp là cần thiết. Cùng với đó là việc giúp doanh nghiệp nhận nhận thức được lợi ích, thách thức của việc lên sàn, nhằm kích thích nhu cầu niêm yết của doanh nghiệp.
Nhấn mạnh đến yếu tố tầm nhìn, chiến lược và quản trị doanh nghiệp, ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) cho rằng, hiện nay chất lượng hàng hoá, hay các quy định về niêm yết ngày càng chặt chẽ hơn, minh bạch hơn. Việt Nam đang hướng đến việc nâng cao chất lượng hàng hoá trên sàn và hoàn thiện hành lang pháp lý theo chuẩn quốc tế. Do đó, để có thể lên sàn thành công, bản thân doanh nghiệp phải sạch sẽ, minh bạch, phải chuẩn ở các khâu.
“Đã qua rồi thời dễ dãi, mọi thứ hiện nay đều chặt chẽ hơn, chúng ta phải trưởng thành chứ không thể mộng mơ mãi ở tuổi 20 được”, ông Huỳnh nói và dự báo thêm rằng, các chính sách về quản lý, điều hành vĩ mô đã phát huy tác dụng và thị trường đã được cải thiện về thanh khoản. Thị trường đã có nhiều hơn các phiên giao dịch quanh khoảng 20.000 tỷ đồng. Thị trường đang hướng tới mức 1.200 điểm trong thời gian ngắn phía trước. Nếu chính sách tiền tệ, tài khóa tốt có thể cho kết quả tốt đẹp ở mức 1.300 – 1.400 điểm.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn