© Reuters.
Theo Dong Hai
Hocviendautu.edu.vn – Thị trường Việt Nam phiên giao dịch hôm nay có 3 tin tức mới đáng chú ý: Trong 2 tháng đầu năm, quy mô dư nợ tín dụng bất động sản chỉ tăng thêm 20.000 tỷ đồng, nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước bán ròng hơn 2.500 tỷ đồng trong tháng 3 và tỷ giá USD hôm nay ngày 4/4: Thị trường tự do và các ngân hàng thương mại cùng tăng… Dưới đây là nội dung chính 3 tin tức cần chú ý trong phiên giao dịch hôm nay thứ Ba ngày 4/4.
1. Ngân hàng bơm thêm 20.000 tỷ vào lĩnh vực BĐS trong 2 tháng đầu năm
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực bất động sản tính đến cuối tháng 2/2023 đạt hơn 2,6 triệu tỷ đồng; tăng 2,19% so với cuối năm 2022 (2,58 triệu tỷ đồng). Như vậy, trong 2 tháng đầu năm, quy mô dư nợ tín dụng bất động sản chỉ tăng thêm 20.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong cơ cấu dư nợ tín dụng bất động sản 2 tháng đầu năm, dư nợ kinh doanh bất động sản tăng 6,45% chiếm tỷ trọng 33%; dư nợ tín dụng tiêu dùng/tự sử dụng tăng 0,25% chiếm tỷ trọng 67%. Do đó, tín dụng bất động sản những tháng đầu năm tăng chậm chủ yếu là do phân khúc tín dụng tiêu dùng (vay mua nhà).
Tín dụng bất động sản tăng chậm là một trong những nguyên nhân chính kéo giảm tăng trưởng tín dụng chung toàn nền kinh tế. Theo số liệu của NHNN, tín dụng toàn nền kinh tế tính đến ngày 28/3 mới chỉ tăng 2,06%, thấp hơn nhiều cùng kỳ các năm trước.
Trước đó, NHNN đã không ít lần khẳng định về việc nhà điều hành không có văn bản hay phát ngôn nào về việc siết chặt tín dụng bất động sản. Cơ quan này chỉ có các văn bản chỉ đạo nhằm kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với một số phân khúc rủi ro, có tỷ lệ đầu cơ lớn,… để đảm bảo an toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, lãnh đạo NHNN cũng khẳng định không có chuyện thiếu room tín dụng vào thời điểm đầu năm, bởi lẽ tình trạng này thường rơi vào cuối năm. Do đó, không thể nói là doanh nghiệp không vay được vì thiếu room.
Về phía các ngân hàng, lãnh đạo các tổ chức tín dụng cũng khẳng định không có chỉ đạo siết cho vay đối với lĩnh vực bất động sản.
Những khó khăn tiếp cận vốn của doanh nghiệp bất động sản hiện nay có nhiều tình huống doanh nghiệp bất động sản có dự án giá trị lớn, nhưng vướng mắc ở khả năng thanh toán. Tình trạng này là do mất cân đối nguồn cung trên thị trường bất động sản. Cụ thể, thị trường BĐS tại TP.HCM vốn bị cho là thiếu hụt nguồn cung, nhưng 80% sản phẩm BĐS tại đây lại thuộc phân khúc cao cấp. Phía ngân hàng cũng không mong muốn cho vay đối với các sản phẩm có giá trị cao, bởi phân khúc này chỉ phục vụ một số ít khách hàng.
Ngoài ra, vấn đề vướng mắc về thủ tục pháp lý hiện nay chiếm 70% khó khăn của lĩnh vực bất động sản. Cùng với đó, vấn đề vốn mắc ở nhiều nơi như thị trường trái phiếu, chứng khoán,… không chỉ riêng ở ngân hàng. Tuy nhiên, khi những vấn đề ở các thị trường khác không giải quyết được hoặc giải quyết chưa có hiệu quả thì áp lực lại dồn lên vai các ngân hàng.
2. Nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước bán ròng hơn 2.500 tỷ đồng trong tháng 3
tháng 3 đã có nhiều biến động trên thị trường toàn cầu, với sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank, cùng với việc Ngân hàng First Republic và Credit Suisse bên bờ vực sụp đổ đã gây ra một đợt bán tháo cổ phiếu ngân hàng toàn cầu.
Trước tình hình bất lợi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã quyết định cắt giảm lãi suất điều hành hai lần liên tiếp trong tháng 3, đây cũng là động thái cắt giảm lãi suất đầu tiên sau hai năm. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đây có thể là tín hiệu cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Nhờ quyết định chủ động của NHNN và những nỗ lực không ngừng của Chính phủ nhằm hỗ trợ ổn định và tăng trưởng kinh tế, VN-Index vẫn tăng 39,96 điểm tương đương 3,9% để kết thúc tháng ở mức 1.064,64 điểm. Diễn biến của VN-Index khởi sắc hơn nhiều thị trường chứng khoán khác trong khu vực như Thái Lan (-0,8%), Malaysia (-1,7%), Indonesia (-0,6%) và Philippines (-1,3%).
Thanh khoản trung bình mỗi phiên đạt 9.256 tỷ đồng, tăng 5% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm 10% so với 5 tháng. Giao dịch khối ngoại trở thành điểm sáng trong tháng 3 khi là bên mua ròng duy nhất trên thị trường, trong khi bộ phận tự doanh, tổ chức trong nước cùng nhà đầu tư cá nhân đồng loạt bán ròng.
Theo đó, trong tháng 3, nhà đầu tư cá nhân bán ròng 948 tỷ đồng trên HOSE, trong đó họ rút ròng khớp lệnh 1.339 tỷ đồng.
Thống kê từ Fiintrade cho thấy, cán cân giao dịch nghiêng về bên bán với 11/18 các nhóm ngành bị bán ròng. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu tài nguyên cơ bản với giá trị 928 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu thép có tỷ trọng giá trị giao dịch tăng nhẹ từ 11,42% lên 11,46% toàn thị trường trong khi chỉ số giá ngành cũng tăng 2,42% trong tháng.
Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 678 tỷ đồng ở nhóm dịch vụ tài chính và 673 tỷ đồng cổ phiếu bất động sản, 384 tỷ đồng nhóm điện, nước, xăng dầu, khí đốt trước khi rút ròng nhẹ hơn ở một số ngành như bảo hiểm (99 tỷ đồng), du lịch & giải trí (82 tỷ đồng), hóa chất (57 tỷ đồng), …
Chiều ngược lại, cổ phiếu ngành ngân hàng dẫn đầu danh mục giải ngân với gần 651 tỷ đồng. Dòng tiền cá nhân quay đầu mua ròng “cổ phiếu vua” trong bối cảnh nhóm này có nhịp tăng gần 4,6% trong tháng 3. Tương tự, nhóm bán lẻ cũng được gom ròng với giá trị 637 tỷ đồng.
Bên cạnh hai lĩnh vực trên, giao dịch mua ròng tập trung tại các nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn dầu khí (141 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (141 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (66 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (31 tỷ đồng),…
3. Tỷ giá USD hôm nay ngày 4/4: Thị trường tự do và các ngân hàng thương mại cùng tăng
Tỷ giá trung tâm cặp đồng tiền VND/USD được Ngân hàng Nhà nước công bố áp dụng trong ngày 4/4 ở mức 23.602 đồng, tăng 2 đồng so với mức công bố trước.
Tỷ giá USD tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.450 – 24.780 đồng/USD (mua – bán).
Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại sáng nay tiếp tục giảm so với phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 55 phút, Vietcombank (HM:VCB) niêm yết giá mua – bán USD ở mức 23.280 – 23.650 đồng/USD, tăng 10 đồng/USD cả chiều mua và chiều bán so với mức niêm yết trước.
BIDV (HM:BID) niêm yết giá mua – bán USD ở mức 23.330 – 23.630 đồng/USD, tăng 20 đồng/USD cả chiều mua và chiều bán ra so với mức niêm yết trước.
Techcombank (HM:TCB) niêm yết giá mua – bán USD ở mức 23.305– 23.650 đồng/USD, tăng 15 đồng/USD chiều mua vào và chiều bán ra so với mức niêm yết trước.
Eximbank (HM:EIB) niêm yết giá mua – bán USD giao dịch ở mức 23.250 – 23.640 đồng/USD, tăng 30 đồng/USD cả chiều mua và chiều bán so với mức niêm yết trước
Tỷ giá USD trên thị trường tự do sáng nay cũng tăng so với phiên trước. Tại thị trường Hà Nội, lúc 9 giờ 5 phút, đồng USD giao dịch (mua – bán) ở quanh mức 23.427 – 23.477 đồng/USD, tăng 19 đồng/USD chiều mua và chiều bán ra so với phiên trước.
Đồng USD trên thị trường thế giới sáng nay đảo chiều giảm mạnh trong giỏ thanh toán quốc tế. Chỉ số Dollar-Index – đo lường sức mạnh đồng USD trong giỏ 6 đồng tiền chủ chốt giảm 0,72% so với phiên sáng qua, về mức 101.843 điểm, vào lúc 9 giờ 5 phút sáng nay (giờ Hà Nội).
Tỷ giá các ngoại tệ mạnh khác trong giỏ thanh toán quốc tế, tại Vietcombank hôm nay đồng loạt tăng mạnh khi đồng USD giảm sâu.
Theo investing.com