Dòng tiền bất ngờ nhập cuộc mạnh mẽ trong phiên chiều giúp sắc xanh tràn ngập bảng điện tử, kéo VN-Index đảo chiều đi lên, thiết lập mức giá đóng cửa cao nhất của năm.
Trong phiên giao dịch sáng, áp lực chốt lời sau 5 phiên tăng liên tiếp khiến thị trường gặp rung lắc, nhưng ở mức nhẹ do lực cầu vẫn tương đối lớn. Cuối phiên, áp lực bán thắng thế khiến VN-Index đảo chiều đóng cửa giảm nhẹ, với sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử.
Tuy nhiên, ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều, mọi chuyện đã thay đổi 180 độ khi dòng tiền không hề e dè, liên tục tung vào hấp thụ hết lượng bán giá thấp, trong khi bên bán đã không còn mạnh mẽ như cuối phiên sáng, thậm chí đã xuất hiện nhiều lệnh hủy bán giá thấp, đẩy VN-Index đi lên.
Dù gặp chút trở ngại, nhưng từ khoảng 13h50, lực cầu ồ ạt tung vào, giúp không chỉ nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán, hàng loạt nhóm ngành khác cũng đồng loạt phất cờ đi lên, qua đó đẩy VN-Index bứt tốc đi lên vùng đỉnh cũ của năm.
Nếu trong phiên sáng, nhóm bất động sản, chứng khoán ghi dấu ấn về thanh khoản (bất động sản) và mức tăng giá (chứng khoán), thì trong phiên chiều, nhóm thép trở thành tâm điểm cả về giá và thanh khoản.
Dòng tiền không chỉ tập trung vào nhóm bất động sản, chứng khoán, mà còn hướng mạnh vào nhóm cổ phiếu thép, giúp nhóm này không chỉ giao dịch sôi động, mà còn kéo nhiều cổ phiếu của nhóm này tăng giá mạnh.
Trong đó, HPG vươn lên trở thành mã có thanh khoản cao nhất thị trường với hơn 52,57 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa tăng mạnh 4,3% lên mức cao nhất ngày 29.000 đồng. Trong khi đó, HSG và NKG thậm chí còn leo lên mức kịch trần 21.300 đồng và 21.150 đồng, khớp lần lượt 24,08 triệu đơn vị và 21,03 triệu đơn vị. Các mã khác cũng tăng mạnh như TLH tăng 6,4% lên 9.020 đồng, SMC tăng 6,2% lên 12.850 đồng, POM tăng 4,4% lên 7.300 đồng, HMC tăng 3,7% lên 11.100 đồng.
Nhóm chứng khoán cũng có 1 sắc tím tại FTS lên 41.050 đồng, trong khi các mã bluechip là SSI, VND, HCM, VCI tăng khiêm tốn hơn, với mức tăng trên dưới 2%. Mã tăng khiêm tốn nhất nhóm công ty chứng khoán là TVB cũng có mức tăng 1,6% lên 6.360 đồng.
Trong nhóm này, VIX là mã có giao dịch sôi động nhất với tổng khớp 42,71 triệu đơn vị, đứng thứ 3 trên sàn HOSE, đóng cửa tăng 2,3% lên 20.100 đồng. Tiếp đến là VND với 26,25 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,1% lên 24.000 đồng; SSI khớp 19,66 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,9% lên 34.000 đồng.
Nhóm ngân hàng cũng chỉ còn 1 sắc đỏ nhạt tại BID với mức giảm 0,4% xuống 47.300 đồng, cùng 4 mã đứng giá tham chiếu là CTG, EIB, MBB và SHB, còn lại đều tăng. Trong đó, tăng mạnh nhất là VPB tăng 3,8% lên 21.800 đồng và cũng là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 23,27 triệu đơn vị.
Dĩ nhiên, nhóm bất động sản vẫn là khẩu vị ưa thích của giới đầu tư trong giai đoạn hiện nay. Dù mất vị trí dẫn đầu về thanh khoản, nhưng trong top dẫn đầu về thanh khoản, nhóm này vẫn có sự có mặt của 3 cái tên là NVL, DXG, DIG, cùng 1 mã có liên quan là GEX.
Dòng tiền chảy mạnh đã kéo các mã này đồng loạt trở lại sắc xanh, trong đó NVL tăng 1,9% lên mức cao nhất ngày 21.800 đồng, khớp 46,22 triệu đơn vị, đứng sau HPG. DXG tăng 0,7% lên 22.250 đồng, cũng là mức cao nhất ngày, khớp 41,8 triệu đơn vị, đứng thứ 4 sau VIX, NVL và HPG. Tiếp theo là GEX với 29,4 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1% lên 25.000 đồng, cũng là mức cao nhất ngày. DIG khớp 26,75 triệu đơn vị, đứng sau GEX, đóng cửa tăng 1,7% lên 29.450 đồng.
Ngoài những cái tên kể trên, nhóm bất động sản hôm nay còn nhiều mã khác tăng mạnh, thậm chí có 4 mã tăng kịch trần là CCL lên 8.750 đồng, NHA lên 24.000 đồng, PTL lên 4.820 đồng và QCG lên 14.250 đồng. Với QCG, đây là phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp của mã này với thanh khoản tăng dần đều, từ 2,3 triệu đơn vị, lên hơn 2,4 triệu đơn vị và hôm nay là gần 2,7 triệu đơn vị. Đây là mức giá cao nhất hơn 16 tháng của QCG.
Ngoài ra, HTN tăng 5,6% lên 20.600 đồng, CCI tăng 5,2% lên 23.250 đồng, HDC tăng 5% lên 38.000 đồng, LHG tăng 4,3% lên 28.950 đồng, TIP tăng 3,9% lên 22.600 đồng, HQC tăng 3,2% lên 4.570 đồng, PDR tăng 2,6% lên 25.550 đồng… Mã đầu ngành VHM cũng tăng 1,1% lên 55.900 đồng.
Với sự đồng lòng của các nhóm dẫn dắt, VN-Index đã bứt lên mạnh mẽ, đóng cửa ở mức cao nhất ngày, cũng là mức đóng cửa cao nhất của năm. Nếu không có sự kìm hãm của VIC, chỉ số này thậm chí còn bứt lên mức cao hơn nữa.
Chốt phiên, VN-Index tăng 10,52 điểm (+0,85%), lên 1.245,5 điểm với 356 mã tăng, trong khi số mã giảm chỉ còn 145 mã. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1.131,9 triệu đơn vị, giá trị 25.236,9 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 64,5 triệu đơn vị, giá trị 1.537,9 tỷ đồng.
VN30 cũng có diễn biến tương tự khi bứt lên và đóng cửa ở mức cao nhất ngày. Cụ thể, VN30-Index tăng 15,39 điểm (+1,24%), lên 1.260,03 điểm với 22 mã tăng, 4 mã giảm và 4 mã đứng giá.
Diễn biến trên HNX cũng tương đồng với sàn HOSE, nhưng chỉ số HNX-Index do có điểm xuất phát cao hơn nên chỉ dao động trong sắc xanh suốt phiên chiều và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 3,08 điểm (+1,22%), lên 255,36 điểm với 104 mã tăng và 68 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 120,1 triệu đơn vị, giá trị 2.409,9 tỷ đồng, cũng tăng nhẹ so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 14,4 triệu đơn vị, giá trị 326 tỷ đồng.
Trên sàn này, nhóm chứng khoán vẫn duy trì phong độ cao, trong khi một số mã dầu khí, bất động sản đáng chú ý đã đảo chiều tăng giá thành công. Trong đó, SHS vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 17,39 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,8% lên 19.100 đồng, tiếp đến là HUT với 11,54 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 8,4% lên 28.500 đồng; CEO cũng đảo chiều tăng 1,1% lên 27.500 đồng, khớp 9,61 triệu đơn vị; PVS tăng 0,3% lên 36.600 đồng, khớp 5,78 triệu đơn vị; APS tăng 3,2% lên 9.800 đồng, khớp 4,5 triệu đơn vị; MBS tăng 3,4% lên 21.100 đồng, khớp 3,97 triệu đơn vị; IDC tăng 1,9% lên 48.600 đồng, khớp 3,04 triệu đơn vị…
Trong khi đó, UPCoM lại có hành trình vất vả hơn nhiều so với 2 sàn niêm yết khi phần lớn thời gian của phiên chiều đều ở dưới tham chiếu, trước khi kịp trở lại để hòa cùng sắc xanh với 2 sàn niêm yết khi đóng cửa.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,27 điểm (+0,28%), lên 94,56 điểm với 194 mã tăng và 111 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 84 triệu đơn vị, giá trị 1.216,4 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,3 triệu đơn vị, giá trị 32,5 tỷ đồng.
Hôm nay, tất cả các mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị trên UPCoM đều đóng cửa tăng giá. Trong đó, BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 14,87 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,5% lên 20.700 đồng, tiếp đến là AAS với 6,89 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 8,7% lên 12.500 đồng. Tiếp theo sau là 2 mã chứng khoán khác là ABW tăng 13% lên 16.500 đồng, khớp hơn 6 triệu đơn vị, mức cao nhất kể từ khi lên sàn, thậm chí có lúc mã này đã chạm mức trần 16.700 đồng; SBS tăng 4,4% lên 9.500 đồng, khớp 5,74 triệu đơn vị…
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng mạnh hơn thị trường cơ sở. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 9 là VN30F2309 tăng 20,50 điểm (+1,60%), lên 1.263 điểm với 198.718 hợp đồng được chuyển nhượng, giá trị 24.733,4 tỷ đồng; khối lượng mở 50.429 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng chiếm thế áp đảo như trên thị trường cơ sở. Thanh khoản hôm nay cũng khá tốt khi có tới 14 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có tới 11 mã do SSI phát hành; 6 mã thanh khoản lớn nhất là do SSI phát hành. Mã có thanh khoản tốt nhất là CSTB2322 với 4,11 triệu đơn vị, tiếp đến là CHPG2323 với 3,24 triệu đơn vị; CVPB2307 với 2,65 triệu đơn vị…
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hôm nay cũng giao dịch khá sôi động với 8 mã có giao dịch, tổng khối lượng gần 4,82 triệu đơn vị được chuyển nhượng, tổng giá trị 517,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ yếu là các mã trái phiếu của BIDV là BID12203 có 1,5 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá 101.749 đồng/TP, tổng giá trị hơn 152,6 tỷ đồng và BID12205 có 2,5 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá 101.533 đồng/TP, tổng giá trị hơn 253,8 tỷ đồng.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn