Hai sàn chứng khoán niêm yết sắp đón thêm lượng hàng hóa lớn là cổ phiếu của doanh nghiệp nộp hồ sơ niêm yết mới, phát hành thêm và chuyển từ sàn UPCoM lên.
Sóng chuyển sàn
Trong tuần này, ngày 12/7/2023, cổ phiếu DTG của Công ty cổ phần Dược phẩm Tipharco (Tipharco) có phiên giao dịch phiên đầu tiên trên HNX, với giá tham chiếu 25.000 đồng/cổ phiếu.
Tipharco đặt trụ sở chính tại Tiền Giang, chủ yếu sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu. Trong 5 năm tính đến 2021, Tipharco không có sự tăng trưởng về doanh thu thuần và lãi ròng, mà chỉ duy trì ở mức ổn định. Tuy nhiên, năm 2022 vừa qua, sau khi được tái cấu trúc, với năng lực của các cổ đông tổ chức mới, sản phẩm của Tipharco được đưa vào các chuỗi phân phối hiện đại như Long Châu, Pharmacy… nên kết quả kinh doanh có sự bứt phá.
Cụ thể, Công ty đạt doanh thu 297,1 tỷ đồng, tăng 46%; lợi nhuận sau thuế 18,1 tỷ đồng, gấp 19 lần năm 2021 và cao nhất kể từ khi thành lập năm 2006; hàng tự sản xuất tăng 200%.
Năm 2023, Tipharco đặt kế hoạch đạt doanh thu 360 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 30 tỷ đồng. Trong quý I/2023, Công ty ghi nhận 89,7 tỷ đồng doanh thu, 7,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 25,5% và gấp 2,67 lần cùng kỳ.
Trở thành thành viên của Bamboo Capital, Tipharco nuôi tham vọng lớn hơn, bước ra sân chơi cả nước. Sau khi chuyển đăng ký giao dịch cổ phiếu từ UPCoM lên niêm yết trên HNX, Công ty sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ. Theo Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên 2023, Tipharco sẽ phát hành cổ phiếu ra công chúng theo tỷ lệ 1:3 (hơn 22,3 triệu cổ phiếu), chia cổ tức năm 2022 gồm 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu.
Nguồn vốn huy động thêm sẽ được Tipharco bổ sung vốn lưu động, đầu tư các hạng mục máy móc thiết bị cho các nhà máy, nghiên cứu phát triển sản phẩm và đầu tư mở rộng hệ thống phân phối tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Công ty dự kiến, doanh thu giai đoạn 2023 – 2027 sẽ tăng trưởng bình quân 19%/năm, lũy kế 5 năm đạt 2.520 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận giai đoạn này tăng trưởng bình quân 40% năm, lũy kế 5 năm đạt 315 tỷ đồng.
Ngày 8/8/2023, cổ phiếu SIP của Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (Sài Gòn VRG) dự kiến chào sàn HOSE, với khối lượng niêm yết gần 93 triệu cổ phiếu. Thông tin Sài Gòn VRG được chấp thuận chuyển sàn đã góp phần giúp giá cổ phiếu SIP trên UPCoM có diễn biến khả quan, hiện đạt 115.500 đồng/cổ phiếu, tăng gần gấp đôi so với đầu năm nay.
Ngày 21/6/2023, Sài Gòn VRG đã chi hơn 300 tỷ đồng để trả cổ tức còn lại năm 2022 với tỷ lệ 35% bằng tiền mặt. Ngoài ra, Công ty có kế hoạch thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 100%. Theo đó, vốn điều lệ của Sài Gòn VRG sẽ tăng lên gấp đôi, từ 909 tỷ đồng lên 1.818 tỷ đồng. Xét về tiềm năng, đây là doanh nghiệp bất động sản công nghiệp có quỹ đất khá lớn, sẵn sàng đón khách cho thuê thuộc các khu công nghiệp Phước Đông (Tây Ninh), Đông Nam (TP.HCM), Lê Minh Xuân 3 (TP.HCM), Lộc An (Đồng Nai).
Một doanh nghiệp lớn khác trên UPCoM là Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR) cũng mong muốn sớm được chuyển lên niêm yết trên HOSE. Tuy nhiên, hồ sơ niêm yết đang gặp vướng mắc, liên quan đến kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp mà Lọc hóa dầu Bình Sơn góp vốn từ nhiều năm trước. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hướng dẫn Công ty xin ý kiến Bộ Tài chính để tháo gỡ vấn đề kỹ thuật này, qua đó có căn cứ cấp phép niêm yết mới. Nếu thuận lợi, Công ty có thể chuyển sàn trong quý III năm nay.
Lọc hóa dầu Bình Sơn được đánh giá là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp quy mô lớn, có thương hiệu, dòng tiền đều đặn. Giá dầu giảm đang ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của Công ty, nhưng triển vọng dài hạn vẫn khả quan dựa trên nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tại Việt Nam được dự báo có tốc độ tăng trưởng kép 5,5%/năm trong giai đoạn 2022 – 2030.
Đặc biệt, dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất điều chỉnh đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2023, khi hoàn thành sẽ tạo động lực tăng trưởng dài hạn cho Lọc hóa dầu Bình Sơn, vừa thúc đẩy doanh thu, vừa cải thiện khả năng sinh lời thông qua việc nâng cao tỷ trọng sản phẩm giá trị cao và gia tăng công suất chế biến (tăng khoảng 15% so với hiện tại).
Lọc cơ hội từ nguồn hàng mới
Mùa đại hội cổ đông thường niên 2023 có thêm một số ngân hàng và doanh nghiệp lên kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM lên niêm yết trên HOSE và HNX. Động thái chuyển sàn này nhằm tạo thêm điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch cổ phiếu của cổ đông, có thể tạo thêm giá trị cho cổ phiếu khi doanh nghiệp tham gia sân chơi đòi hỏi các yêu cầu cao hơn về quản trị và tuân thủ pháp luật chứng khoán. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp có thể gọi vốn hiệu quả hơn từ thị trường chứng khoán cho các kế hoạch phát triển trong tương lai.
Ngoài nguồn hàng từ chuyển sàn, thị trường niêm yết sẽ có thêm hàng hóa từ các công ty đại chúng nộp hồ sơ niêm yết mới.
Hiện có không ít doanh nghiệp đã nộp hồ sơ niêm yết, đến từ cả doanh nghiệp trên UPCoM và doanh nghiệp đại chúng ngoài sàn như Công ty cổ phần Tập đoàn Dược Bảo Châu, Công ty cổ phần Tập đoàn Cơ khí công nghệ cao Siba, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang, Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Đông Dương, Công ty cổ phần Xây dựng và Năng lượng VCP, Công ty cổ phần Tập đoàn Bất động sản CRV, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn, Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, Ngân hàng Nam Á…
Trong đó, Công ty cổ phần Sơn Á Đông đăng ký niêm yết 23 triệu cổ phiếu trên HOSE và được chấp thuận ngày 29/6/2023. Theo quy định, doanh nghiệp sẽ chọn ngày niêm yết trong vòng 90 ngày kể từ khi được cấp phép.
Liên quan đến nguồn cung cổ phiếu, từ tháng 6/2023 trở lại đây, thị trường có thêm các doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu, một số doanh nghiệp được cấp phép phát hành cổ phiếu ra công chúng, chẳng hạn CEO Group (mã chứng khoán CEO), Chứng khoán Smart Invest (mã chứng khoán AAS), Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh (mã chứng khoán PXT).
Theo bà Trần Thị Thuý Ngọc, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, khi các kênh huy động vốn khác như tín dụng, trái phiếu đắt đỏ, huy động vốn qua thị trường chứng khoán là giải pháp các doanh nghiệp có dự án tốt, có tiềm năng, hoạt động minh bạch nên xem xét sử dụng. Bà Ngọc dự đoán, huy động vốn qua phát hành chứng khoán ra công chúng sẽ được nhiều doanh nghiệp thực hiện trong thời gian tới.
Lãnh đạo Bộ Tài chính qua trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán chia sẻ, cơ quan quản lý ngành chứng khoán sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng. Tiêu chí lớn nhất là tăng cung hàng chất lượng ra thị trường.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn