Ngoài việc lựa chọn những cổ phiếu có lịch sử trả cổ tức tiền mặt cao và đều đặn, nhiều nhà đầu tư không quen “lướt sóng” ưu tiên nắm giữ cổ phiếu của các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng. Tuy nhiên, lệnh dừng lỗ (stop loss) vẫn phải sẵn sàng để hạn chế rủi ro.
Một số “gu” đầu tư đáng tham khảo
Nhà đầu tư Quang Minh, người có 15 năm kinh nghiệm đầu tư chứng khoán cho biết, gu đầu tư của anh là cổ phiếu của các doanh nghiệp có gốc Nhà nước, còn vốn Nhà nước, nhất là lĩnh vực có vị thế độc quyền, nhưng vẫn phải theo dõi thường xuyên để điều chỉnh danh mục. Theo đó, cổ phiếu VNM của Vinamilk là một trong những mã nằm trong tài khoản của nhà đầu tư này nhiều năm trước (giá vốn về vùng 2x), nhưng hiện đã không còn.
“Vinamilk không còn là doanh nghiệp xuất sắc, nhưng nếu nhà đầu tư theo trường phái nhận cổ tức thì vẫn có thể xem xét nắm giữ cổ phiếu”, anh Minh nói và cho hay, một số cổ phiếu thuộc lĩnh vực điện và dầu khí vẫn nằm trong danh mục, bởi có lợi thế cạnh tranh, chủ yếu nhờ yếu tố độc quyền.
Bên cạnh đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản, triển vọng tăng trưởng bền vững cũng là gu lựa chọn của nhà đầu tư trên. Trong đó, mã FPT được “cầm qua năm tháng”. Trong năm 2023, anh Minh định giá FPT ở mức 100.000 đồng/cổ phiếu, nên thực hiện chốt lời khi thị giá tiến gần đến mục tiêu. Tuy nhiên, với các thông tin và diễn biến mới trong hoạt động của doanh nghiệp gần đây, anh đã nâng mức định giá và canh mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ thông tin này.
“Khi đã phân tích kỹ lưỡng thì quyết định mua trong vùng giá hợp lý. Trường hợp mua sai thời điểm hoặc thị trường chuyển biến xấu nên cắt lỗ ngay, rồi canh mua lại ở mức giá thấp. Nếu có hệ thống phân tích tốt, làm đúng quy trình, cẩn thận, thì càng đi đường dài với thị trường, càng tích luỹ được tài sản. Tất nhiên, đó phải là cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành”, anh Minh chia sẻ.
Trong buổi gặp offline hàng tháng mới đây của một nhóm nhà đầu tư tại TP.HCM, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát là một trong những mã được đưa ra bàn luận, bởi thị giá hiện tại (dưới 30.000 đồng/cổ phiếu) thấp hơn nhiều so với định giá 50.000 đồng/cổ phiếu trong năm 2023, thậm chí có nhà đầu tư định giá cao hơn.
“Nếu vẫn định giá như vậy, cứ mua đi, nhưng phải đặt lệnh dừng lỗ. Khi một số yếu tố giả định thay đổi thì phải định giá lại. Giả sử nhà đầu tư khác hiện định giá hơn 30k thì chắc chắn họ sẽ chờ giá giảm xuống khoảng 25k mới mua. Điều này không có nghĩa ai giỏi hơn ai, mà chỉ đơn giản là diễn biến giá nhiều khi không như kỳ vọng. Trong trường hợp này, nên chốt lời, cắt lỗ hợp lý. Khi định giá sai thì phải dừng lại, nếu không thì bạn nhiều khả năng sẽ trở thành nhà đầu tư dài hạn”, một nhà đầu tư trong nhóm nói.
Một cách lọc cổ phiếu khác, khá hữu hiệu cho các nhà đầu tư trung và dài hạn với khẩu vị rủi ro thấp, đó là tham khảo danh mục cổ phiếu có tỷ trọng lớn của các quỹ đầu tư. Dù gu đầu tư, vị thế, kỳ vọng, nguồn lực tài chính khác nhau, nhưng tiêu chí chọn cổ phiếu của các quỹ chặt chẽ, được đánh giá kỹ lưỡng, nên nhà đầu tư có thể mua theo.
Quan trọng vẫn là sức khoẻ doanh nghiệp và triển vọng ngành
Một cách lọc cổ phiếu khá hữu hiệu cho các nhà đầu tư trung và dài hạn với khẩu vị rủi ro thấp, đó là tham khảo danh mục cổ phiếu có tỷ trọng lớn của các quỹ đầu tư.
Theo nhóm nhà đầu tư trên, nếu không thuộc gu “nhảy nhót”, thì việc tìm kiếm các doanh nghiệp tăng trưởng, cổ phiếu thanh khoản cao, chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục các quỹ là cách để nhà đầu tư có cơ hội gia tăng tài sản trong trung và dài hạn, mà vẫn đảm bảo công việc hàng ngày.
Khi lựa chọn cổ phiếu theo phân tích cơ bản, nhà đầu tư nên tập trung vào “chính doanh nghiệp”, với các tiêu chí quan trọng như ban lãnh đạo có năng lực, ngành nghề kinh doanh triển vọng, doanh nghiệp nổi trội trong ngành, các con số trong báo cáo tài chính thể hiện tình trạng sức khoẻ tốt…
Giả sử nhà đầu tư mua cổ phiếu của một doanh nghiệp có vốn hoá 100 tỷ đồng thì phải biết tài sản doanh nghiệp đang nằm ở đâu, giá trị bao nhiêu, quy mô vốn chủ sở hữu, lợi nhuận làm ra hàng năm ra sao…? Nếu doanh nghiệp ít vay nợ, cổ tức tốt thì giá cổ phiếu hiện tại có hợp lý? Giá trị là thứ mà nhà đầu tư cần phải phân tích, nhưng tiêu chí lựa chọn cổ phiếu ban đầu cũng không thể thiếu.
Một danh mục đầu tư cụ thể đã được chia sẻ, bao gồm QTP, QNS, VTO, TCB, ACB, CTG. Đó là cổ phiếu của những doanh nghiệp được đánh giá có dòng tiền tốt, định giá thấp, đồng thời mã QTP có thêm yếu tố “cổ tức đặc biệt 2024”, mã QNS, VTO có chất xúc tác ngắn hạn là “hết khấu hao”…
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán gần đây chững lại, câu hỏi đặt ra là nhà đầu tư có nên chờ đợi giá cổ phiếu điều chỉnh “sâu sâu” rồi mới mua? Câu trả lời được nhóm nhà đầu tư kết luận là còn tuỳ vào nhóm ngành. Chẳng hạn, nhóm dầu khí đã tạo đáy từ lâu, mua và nắm giữ dài hạn thì “không phải lo nghĩ nhiều”, nhất là mã GAS, PVS đang ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Trong khi đó, nhóm bán lẻ có thể đến giữa năm 2024 mới cho thấy sự hồi phục rõ nét.
Với nhóm đầu tư công, vốn đang là “xu hướng không thể chối từ”, mang lại triển vọng sáng cho một số doanh nghiệp vật liệu xây dựng, đặc biệt là đá xây dựng. Tại nhiều nơi, 1 m3 đá xây dựng đang có giá 300.000 đồng, 1 xe tải chở trung bình 5 m3, tương ứng 1,5 triệu đồng. Một số doanh nghiệp vận tải cho biết, không thể nào chở đá từ miền Trung vào phục vụ dự án Sân bay Long Thành ở Đồng Nai, chỉ có khai thác tại chỗ để phục vụ cho đại dự án. Theo đó, các doanh nghiệp có mỏ đá quanh khu vực này đều có triển vọng sáng.
“Năm 2024, ngoài cổ phiếu của những doanh nghiệp xuất sắc như FPT, chúng ta nên chọn các doanh nghiệp có triển vọng tương lai rõ ràng như nhóm đầu tư công”, một nhà đầu tư nêu quan điểm.
Một nhà đầu tư khác đánh giá cao ngành dầu khí, đồng quan điểm với báo cáo chiến lược 2024 của không ít công ty chứng khoán. Yếu tố thúc đẩy ngành này đến từ việc an ninh năng lượng được đề cao, giảm thiểu nguy cơ thiếu điện ở các khu công nghiệp. Trong khi đó, theo Quy hoạch Điện VIII, điện than không được khuyến khích, điện năng lượng tái tạo tuỳ khu vực, chỉ có điện khí là nhiều tiềm năng.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn