Thường xuyên truy cập hocviendautu. để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư         Thường xuyên truy cập hocviendautu.edu.vn để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 5/9

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 5/9
© Reuters

Theo Dong Nghi

Hocviendautu.edu.vn – Giá hàng hóa hôm nay chuyển động như thế nào?

1. Giá vàng thế giới giảm nhẹ trở lại

Trong phiên giao dịch sáng ngày 5/9, giá vàng giao ngay giảm 0,03% xuống 1.937,4 USD/ounce vào lúc 6h52 (giờ Việt Nam), theo kitco. Giá vàng giao tháng 12 giảm 0,03% xuống 1.963,5 USD.

Giá vàng ổn định trong phiên giao dịch mỏng ngày thứ Hai (4/9) nhờ đồng USD giảm nhẹ trong bối cảnh kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể kết thúc chính sách nâng lãi suất của thị trường ngày càng lớn.

Vàng lên cao nhất một tháng vào phiên 1/9 ở 1.952,79 USD. Thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Lao động  trong phiên đầu tuần.

Đồng USD đã giảm trong phiên đầu tuần, giúp tài sản được định giá bằng đồng bạc xanh như vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người mua bằng các loại tiền tệ khác. Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ, đã phục hồi nhẹ, tăng 0,05% lên 104,102.

Tác động lớn đối với thị trường vàng trong tương lai sẽ là sự thay đổi kỳ vọng về lần giảm lãi suất đầu tiên của Fed, cũng như tốc độ giảm lãi suất sau đó, ông Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, cho biết.

Trên các thị trường kim loại quý khác, giá bạc  giảm 0,4% xuống 24,07 USD/ounce, giá bạch kim giảm 0,6% xuống 955,20 USD và giá palladium tăng 0,6% lên 1.224,91 USD.

2. Giá thép tăng 47 NDT/tấn

Giá thép hôm nay giao tháng 10/2023 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 47 nhân dân tệ lên mức 3.834 nhân dân tệ/tấn.

Giá quặng sắt tăng nhiều phiên liên tiếp

Bất chấp sự suy giảm của giá thép, giá quặng sắt đã tăng liên tiếp những phiên gần đây. Cụ thể, trên Sàn giao dịch Singapore (SGX), hợp đồng quặng sắt kỳ hạn được giao dịch tích cực nhất đã tăng 13,5% trong hai tuần tính đến ngày 25/8 với giá quặng sắt thực tế giao đến Trung Quốc cũng tăng ở mức tương tự.

Hợp đồng giao tháng 9 trên Sàn SGX đạt mức cao nhất trong một tháng là 114,85 USD/tấn vào ngày 24/8, trước khi giảm trở lại mức 112,27 USD/tấn vào hôm thứ hai (4/9).

Thép trong nước “về đáy” thấp nhất trong 3 năm qua

Như vậy, đây đã là đợt giảm giá thứ 18 liên tiếp kể từ đầu năm 2023. Trong đợt điều chỉnh này, thương hiệu thép Vina Kyoei có mức giảm mạnh nhất. Ở khu vực miền Nam, Vina Kyoei đồng loạt giảm 810.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 và thép D10 CB300, xuống lần lượt 14,82 triệu đồng/tấn và 15 triệu đồng/tấn.

Thép Hòa Phát (HM:HPG) hạ 410.000 đồng/tấn và 300.000 đồng/tấn đối với dòng thép cuộn CB240 và thanh vằn D10 CB300 tại miền Bắc. Hiện, giá hai dòng thép lần lượt ở mức 13,53 triệu đồng/tấn và 13,74 triệu đồng/tấn.

Tại miền Trung, thép cuộn CB240 Hòa Phát được điều chỉnh giảm 210.000 đồng/tấn, hiện ở mức 13,53 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 còn 13,74 triệu đồng/tấn sau khi giảm 150.000 đồng/tấn.

Còn tại miền Nam, Hòa Phát điều chỉnh giảm 510.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240, xuống mức 13,53 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 200.000 đồng/tấn, có giá 13,79 triệu đồng/tấn.

Thép Việt Ý là đơn vị hạ giá thấp nhất: Giảm 100.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300 còn 13,69 triệu đồng/tấn; thép CB240 giữ nguyên ở mức 13,64 triệu đồng/tấn.

Thép Việt Đức cũng giảm 100.000 đồng/tấn tại miền Bắc và miền Trung với dòng D10 CB300. Sau giảm, giá thép Việt Đức lần lượt ở mức 13,74 triệu đồng/tấn và 14,14 triệu đồng/tấn. Thép CB240 ở miền Bắc và miền Trung vẫn giữ giá 13,89 triệu đồng/tấn và 14,04 triệu đồng/tấn.

Thép Việt Sing giảm 200.000 đồng/tấn với cả hai dòng thép, hiện thép cuộn CB240 đang được giao dịch ở mức 13,3 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 còn 13,5 triệu đồng/tấn.

Thép Tung Ho tại miền Nam hạ lần lượt 200.000 đồng/tấn và 100.000 đồng/tấn với thép CB 240 và D10 CB300, hiện hai mặt hàng thép đang ở mức 13,5 triệu đồng/tấn và 13,65 triệu đồng/tấn.

Trước việc thép nội liên tiếp hạ giá trong thời gian gần đây, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định giá thép xây dựng vẫn có khả năng hạ giá tiếp tục trong thời gian tới. Nguyên nhân được cho là thị trường bất động sản chưa có tín hiệu khả quan trở lại, một vài dự án nhà ở xã hội cũng chỉ mới được triển khai. Các dự án đầu tư công chưa khởi sắc.

3. Giá gas: Châu Âu có thể lại đối mặt với khủng hoảng khí đốt

Mở cửa phiên giao dịch sáng 5/9/2023, giá gas hôm nay tại thị trường thế giới đã giảm 0,53% xuống mức 2,65 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 10/2023. Nguồn cung từ nhà cung cấp lớn của châu Âu bị đe dọa khiến châu lục này có nguy cơ đối mặt với khủng hoảng khí đốt trở lại.

Thị trường khí đốt châu Âu đang đứng trước áp lực lớn hơn bao giờ hết sau khi gặp cú sốc năng lượng do nguồn cung Nga vào cuối năm 2022. Gần đây, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tiếp tục tăng do xuất khẩu của Na Uy sụt giảm và chạm đáy trong vòng 1 năm, thêm vào đó thị trường khí đốt toàn cầu đang đứng trước nguy cơ bị gián đoạn có thể xảy ra tại các cơ sở xuất khẩu quan trọng ở Úc, gây áp lực lên giá khí đốt toàn cầu.

Na Uy đang cung cấp 1/3 lượng khí đốt sử dụng ở châu Âu. Chính nguồn cung này đã giúp châu Âu có đủ điện để sử dụng sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine bùng nổ. Đồng thời trở thành nguồn cung lớn nhất của châu Âu thay cho Nga.

Thị trường khí đốt thế giới gặp khó khăn do vấn đề tranh chấp lao động ở Úc – một trong những nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng hàng đầu thế giới – có nguy cơ lên đến đỉnh điểm là đình công và hạn chế nguồn cung toàn cầu trong giai đoạn quan trọng khi châu Âu chuẩn bị cho mùa đông.

Điều này đã phần nào gây áp lực đến dòng chảy đến châu Âu từ nhà cung cấp hàng đầu là Na Uy giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm sau khi nguồn cung từ mỏ Troll khổng lồ bị dừng do kế hoạch bảo trì.

Trong nước, từ ngày 1/9/2023, giá gas bật tăng mạnh theo đà tăng của thế giới. Cụ thể, với loại bình gas 12kg tăng 33.000 đồng/bình, tương đương tăng khoảng 2.750 đồng/kg.

Theo đó, các sản phẩm gas bán lẻ của City Petro tăng 124.000 đồng loại bình gas 45kg, 137.500 đồng đối với bình gas 50kg. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng đối với loại bình gas 12kg của hãng này là 444.000 đồng sau tăng giá.

Với Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam – PV gas LPG miền Nam, giá gas của hãng sẽ tăng 2.750 đồng/kg (đã bao gồm VAT).

Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) thông báo, từ ngày 1/9, giá bán gas sản phẩm tăng 2.750 đồng/kg (đã gồm VAT), tương đương tăng 33.000 đồng/bình 12kg. Với mức tăng này, mỗi bình gas 12 kg sẽ được bán ở mức 406.500 đồng.

Công ty Gas Petrolimex (HM:PLX) Sài Gòn cũng đã tăng 12.000 đồng/bình, giá gas bán lẻ tới tay người tiêu dùng là 404.000kg/bình 12kg. Công ty Gas Pacific Petro tăng 12.000 đồng/bình 12kg, giá gas bán lẻ tới tay người tiêu dùng là 397.000/bình 12kg.

Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP HCM (gas SP) đã thông báo tăng giá bán lẻ 33.000 đồng/bình 12 kg từ 1/9, giá bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng ở mức 406.500 đồng/bình 12 kg.

Theo các doanh nghiệp, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 9 tăng 90 USD/tấn so với tháng trước đó, lên mức 555 USD/tấn, khiến giá gas bán lẻ trong nước tăng mạnh.

Như vậy sau 3 tháng liên tiếp lập đỉnh, mỗi bình gas 12 kg tăng 72.000 đồng, qua tháng 6/2022, bất ngờ quay đầu giảm mạnh 31.000 đồng và tiếp tục giảm 18.500 đồng trong tháng 7. Tuy nhiên, sang tháng 8 và tháng 9, giá gas tiếp tục tăng mạnh trở lại.

Giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ mới chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Một số yếu tố có thể góp phần vào việc giá gas bao gồm sự gia tăng sản xuất gas, tình hình cung và cầu, cũng như thay đổi trong chính sách và biến động thị trường năng lượng.

4. Giá gạo thế giới vẫn ở mức cao

Theo quan sát của chuyên gia kinh tế Pháp Laurence Girard, thị trường thế giới vẫn đang nóng, giá gạo vẫn ở mức cao và căng thẳng vẫn chưa giảm.  

Thế giới không thiếu gạo do dự trữ toàn cầu khi kết thúc niên vụ 2023-2024 dự kiến sẽ đạt mức cao chưa từng có 198,5 triệu tấn. Các vựa lúa  đầy ắp nhờ sản lượng dự kiến tăng lên 523 triệu tấn, theo ước tính công bố đầu tháng Bảy của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO).

Vụ mùa lúa gạo ở Pháp được đánh giá là bội thu khi những cây lúa nặng trĩu bông đang độ chín vàng trên các cánh đồng. Các máy gặt sẽ đi vào hoạt động vào cuối tháng Chín và dự kiến sẽ thu được gần 80.000 tấn. Đây là một sản lượng đáng kể được sản xuất trên diện tích đã giảm xuống chỉ còn 12.000 ha.

Mặc dù châu Âu được mùa lúa gạo, nhưng giá cả lại không có xu hướng giảm, thậm chí còn tăng lên. Giải thích nguyên nhân này, ông Bertrand Mazel, Chủ tịch Liên minh những người trồng lúa Pháp, cho biết : “Sản lượng gạo ở châu Âu năm nay sẽ đạt gần 3 triệu tấn, nhưng lượng tiêu thụ lại lên đến gần 4 triệu tấn”.

Việc cung không đáp ứng được cầu sẽ khiến giá gạo trên thị trường thế giới vẫn luôn ở mức cao. Do đó người nông dân có thể phấn khởi khi những hạt gạo của họ vẫn luôn có giá. Ông Mazel chỉ rõ : “Tại thị trường gạo Vercelle ở Italy, giá gạo vẫn ở mức 600 euro/tấn kể từ đầu năm, so với 400 euro/tấn cách đây 18 tháng”.

Giá gạo tăng vọt ở châu Âu cũng là biểu hiện phản ánh sự nóng lên của thị trường gạo thế giới. Giá lúa mì tăng vọt sau khi xung đột Nga- Ukraine đã gián tiếp ảnh hưởng đến lúa gạo.

Lo lắng trước nguy cơ khan hiếm nguồn cung, nhiều nước tiêu thụ nhiều loại thực phẩm này đã tìm cách tích trữ lúa gạo. Do đó, trong khi giá lúa mì giảm, giá gạo lại không giảm, thậm chí tăng. Theo FAO, giá gạo hồi tháng Bảy vừa qua thậm chí còn đạt mức cao nhất kể từ năm 2011.

Việc giá gạo tăng trên thị trường đủ để Ấn Độ, vốn lo lắng kiềm chế lạm phát  trước thời hạn bầu cử quan trọng, đã cấm xuất khẩu  gạo trắng, trừ gạo basmati trong tháng Bảy, khiến thị trường gạo thế giới càng tăng nhiệt.

Vào tháng 8, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới này, chiếm 40% khối lượng toàn cầu, đã “đổ thêm dầu vào lửa đầu cơ”, bằng cách ban hành các sắc thuế và hạn chế đối với các loại gạo khác. Ngay cả khi Myanmar và Campuchia, với ba vụ thu hoạch mỗi năm, mở cửa “xả hàng” thì căng thẳng vẫn ở mức cao.

Cần cảnh giác với an ninh lương thực toàn cầu. Đó là cảnh báo của các chuyên gia kinh tế. Đặc biệt ở nhiều nước châu Phi, nơi loại gạo tấm vốn được ưa chuộng và được tiêu thụ trung bình 70 kg/người/năm, giá gạo vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo investing.com 


CÔNG TY THÀNH VIÊN

© HOCVIENDAUTU.EDU.VN ALL RIGHTS RESERVED
GIAO DỊCH FOREX
GIAO DỊCH CRYPTO