Những động thái của tỉnh Đồng Nai nhằm thúc đẩy hơn nữa khả năng thu hút FDI được kỳ vọng sẽ đem lại cú huých lớn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là nhóm khu công nghiệp.
Từ cuối năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng, tác động từ việc thay đổi liên tục các chính sách của pháp luật, cùng với việc siết tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp khiến tâm lý e ngại bao trùm, nhiều giao dịch bị trì hoãn. Doanh nghiệp và người mua đều bị hạn chế khả năng tiếp cận vốn vay, khiến nhà đầu tư cân nhắc trong việc mua sản phẩm.
Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản, trong đó nhóm khu công nghiệp cũng không ngoại lệ. Nhiều doanh nghiệp trên thị trường đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm đều ghi nhận lợi nhuận giảm so với cùng kỳ.
Theo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của SZL, mặc dù lợi nhuận 06 tháng đầu năm đạt kế hoạch đề ra nhưng tổng doanh thu hiện tại chỉ đạt 48,9% so với kế hoạch do SZL cũng chịu ảnh hưởng bởi tình trạng chung của thị trường trong giai đoạn này.
Trong bối cảnh sức mua toàn cầu suy yếu, nhiều khách hàng thuê xưởng đang gặp khó khăn trong quá trình hoạt động do không có đơn hàng, thiếu nguyên liệu sản xuất, hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa. Điều này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu nhà xưởng, doanh thu nước và xử lý nước thải của các công ty trong trường hợp khách hàng đề nghị thanh lý hợp đồng trước hạn.
Mặc dù triển vọng nửa cuối năm được dự báo còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có những tín hiệu lạc quan đến từ hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 6 tháng đầu năm, dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định với tổng vốn đăng ký đạt 13,43 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 10,02 tỷ USD. Năm 2022 trước đó đánh dấu hành trình 35 năm thu hút FDI của Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt gần 27,72 tỷ USD và mức giải ngân đạt kỷ lục 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ.
Đồng Nai tiếp tục là điểm sáng thu hút FDI của cả nước với tổng vốn đăng ký trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 623 triệu USD, tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm 2022. Trong số đó, cấp mới 33 dự án với tổng vốn đăng ký 108 triệu USD và 44 dự án tăng vốn với hơn 514 triệu USD. Đến thời điểm này, số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là 1.585 dự án, tổng số vốn 33,8 tỷ USD.
Các dự án FDI mới đều chủ yếu thuê nhà xưởng để hoạt động thuộc ngành: cơ khí, thực phẩm, năng lượng,… với suất đầu tư bình quân 5,39 triệu USD/ha, số lượng lao động bình quân 101 người/ha. Tất cả các dự án đầu tư mới đều không thuộc danh mục ngành nghề có yếu tố gây ô nhiễm môi trường, không thâm dụng lao động, bảo đảm các tiêu chí về công nghệ tiên tiến.
Mặc dù số vốn đăng ký tăng mạnh nhưng chủ yếu là các dự án nhỏ, chỉ có 3 dự án quy mô vốn đầu tư từ 10 triệu USD trở lên “đổ bộ” vào Đồng Nai trong nửa đầu năm. Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho biết, quỹ đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê còn lại trên địa bàn rất ít, khiến địa phương không thể thu hút được dự án FDI lớn.
Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp còn vướng mắc. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện thủ tục thành lập 8 khu công nghiệp mới theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Lợi thế từ tệp khách hàng và mạng lưới KCN
Những động thái của tỉnh Đồng Nai nhằm thúc đẩy hơn nữa khả năng thu hút FDI được kỳ vọng sẽ đem lại cú huých lớn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là nhóm khu công nghiệp. Trong số đó, các doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn, có kinh nghiệm hợp tác với đa dạng khách hàng như Sonadezi Long Thành (SZL) sẽ có nhiều lợi thế.
Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, doanh nghiệp này đã xây dựng được tệp khách hàng gồm 106 đối tác, thu hút được 1,2 tỷ USD cùng 10.000 lao động. Thành tựu về kinh tế đi kèm với những đóng góp lớn của Sonadezi Long Thành cho xã hội. Đến nay, doanh nghiệp đã nộp Ngân sách Nhà nước đến 500 tỷ đồng và chi 17 tỷ cho công tác cộng đồng.
Sonadezi Long Thành hiện đang nắm giữ các dự án công nghiệp quy mô lớn có thể kể đến như KCN Long Thành (486,91 ha); Cụm Công nghiệp Long Phước (75ha); Dự án nhà xưởng cho thuê tại KCN Châu Đức (51,62ha); Dự án Khu Đô thị Sona Riverview (79ha); ….
Trong số các KCN của Sonadezi Long Thành, KCN Long Thành có quy mô lớn nhất với 486,91 ha. Dự án có vị trí thuận lợi gần các công trình giao thông hạ tầng hoàn thiện như Sân bay Quốc tế Long Thành, Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Cao tốc Long Thành – Dầu Giây – Phan Thiết… Ngoài sản phẩm đất công nghiệp cho thuê, công ty tập trung phát triển thế mạnh là nhà xưởng xây sẵn.
Hiện nay, Sonadezi Long Thành đang tiến hành triển khai các dự án mới gồm Cụm Công nghiệp Long Phước, Khu đô thị Sona Riverview, Khu dân cư 3ha,… Đây đều là các dự án có vị trí thuận lợi, được dự báo sẽ dễ dàng tiếp cận với các khách hàng tiềm năng sau khi đi vào vận hành. Doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực về vốn, nhân lực để triển khai các dự án.
Ngoài nguồn vốn tự có, vay từ tổ chức tín dụng, Sonadezi Long Thành còn có kế hoạch sử dụng nguồn vốn hiện hữu bằng hình thức chuyển nhượng một phần đất tại KCN Châu Đức. Ngày 14/4/2023, cổ đông công ty đã thông qua chủ trương nghiên cứu phương án đầu tư xây dựng nhà xưởng tại KCN Châu Đức để hợp tác đầu tư hoặc chuyển nhượng dự án. Đây cũng là một trong những hình thức huy động vốn hiệu quả trong trường hợp cần triển khai nhanh các dự án.
Không ngừng đổi mới để đón “đại bàng”
Trong tương lai, Sonadezi Long Thành sẽ tiếp tục tập trung năng lực mũi nhọn trong lĩnh vực bất động sản KCN. Đất công nghiệp và nhà xưởng cho thuê được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu ổn định, hiệu quả lâu dài. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, doanh nghiệp còn có nhiều định hướng mới nhằm đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp.
Theo kế hoạch, KCN Long Thành sẽ sớm nâng số nhà xưởng cho thuê từ 57 lên 100 nhà xưởng trong khi con số này đối với KCN Châu Đức là từ 5 lên 100 nhà xưởng. Bên cạnh nhà xưởng xây sẵn, từ năm 2020, Sonadezi Long Thành còn triển khai xây dựng nhà xưởng đặc thù theo yêu cầu của khách hàng. Đây là chiến lược kinh doanh mà doanh nghiệp là tiên phong triển khai thực hiện.
Hiện nay, bất động sản KCN không còn đơn thuần là cho thuê đất hay xây nhà xưởng rồi cho thuê, mà còn hướng tới đô thị công nghiệp. Đó phải là một khu công nghiệp khép kín, có đầy đủ cơ sở hạ tầng xã hội như nơi ở, khu vui chơi giải trí, mua sắm… Điều này cũng đòi hỏi các nhà phát triển KCN thay đổi tư duy tạo lập sản phẩm.
Sớm nắm bắt xu hướng này, Sonadezi Long Thành đã phát triển các dịch vụ đi kèm điển hình như cung cấp nước, dịch vụ xử lý nước thải, trạm xăng dầu KCN Long Thành. Mô hình KCN – dịch vụ là xu thế phát triển tất yếu và được dự báo sẽ là yếu tố quan trọng tác động đến quyết định đầu tư của các “đại bàng” khi rót vốn vào Việt Nam.
Theo Cafef