Nếu chủ đầu tư khó khăn về dòng tiền, thanh khoản bủa vây thì các doanh nghiệp môi giới lại đang khổ sở vì công nợ phí môi giới không thể đòi được trong bối cảnh hiện nay.
Chia sẻ tại Talkshow mới đây, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản quy mô hàng ngàn môi giới đã dốc bầu tâm sự: “Công nợ phí môi giới của công ty hiện đã lên con số mấy trăm tỉ đồng chưa đòi được. Dòng tiền rất khó khăn. Công ty phải lập riêng ban chuyên trách để đòi nợ. Ban này chỉ làm mỗi nhiệm vụ là đòi được phí môi giới về để tiếp tục duy trì hoạt động công ty”.
Vị này khẳng định, doanh nghiệp thực sự chìm đắm trong khó khăn. Giai đoạn cao điểm công ty có đến 10.000 nhân sự kinh doanh (bao gồm cả cộng tác viên) thì hiện nay chỉ còn khoảng 40% trong số này. Có thể công ty sẽ tiếp tục phải cắt giảm nhân sự, tinh gọn bộ máy trong thời gian tới khi khó khăn còn bủa vây.
“Chúng tôi phải tái cấu trúc liên tục. Một người làm hai ba đầu việc. Nhiệm vụ lúc này là tối ưu hoá hiệu suất nhân lực; tối ưu hoá dòng tiền; tập trung khai thác tệp khách hàng mới…và đòi được phí môi giới để duy trì hoạt động”, vị này cho hay.
Cũng chia sẻ bên lề Talkshow, lãnh đạo một công ty môi giới, dịch vụ bất động sản tại Tp.HCM không khỏi buồn rầu: “Chưa bao giờ thấy khó khăn như lúc này. Chủ đầu tư cũng không xoay sở được để trả phí môi giới. Công nợ hàng chục tỉ đồng đang chôn lại, trong khi doanh nghiệp phải gồng bộ máy và các chi phí khác hàng ngày. Khó khăn thực sự, thậm chí trên bờ vực phá sản”.
Vị này cũng cho biết, hiện công ty đã cắt giảm 30-40% nhân sự, chủ yếu là nhân viên kinh doanh. Việc cắt giảm nhân sự có thể sẽ tiếp tục diễn ra khi mà nguồn thu (đầu vào) không có. Hiện các khoản phí môi giới mà các chủ đầu tư đang nợ không biết khi mào mới đòi lại được.
Thời gian qua, thị trường bất động khó khăn đã khiến các đơn vị phân phối, sàn giao dịch, các công ty dịch vụ bất động sản rơi vào đuối sức, thậm chí phải đóng cửa. Họ là những đơn vị phụ thuộc vào dòng tiền bán dự án. Trong lúc thị trường sôi động việc thu phí môi giới đầy đủ đã không dễ dàng, hiện lại càng khó khăn hơn, thậm chí không xác định được thời gian thu phí.
“Giờ chủ đầu tư không thể vay được ở đâu để trả. Vì thế, doanh nghiệp cũng không rõ là khi nào mới đòi được phí môi giới”, lãnh đạo công ty môi giới phía Nam cho biết.
Thời gian qua, rất nhiều môi giới bất động sản phải bỏ việc, tìm công việc mới. Khi sàn không thu được phí bán hàng đồng nghĩa các môi giới cũng bị giam tiền hoa hồng, nợ lương.
“Nhiều doanh nghiệp địa ốc chỉ còn trụ được đến hết quý 3/2023. Kịch bản thị trường hiện tại đang rất nguy hiểm. Nếu khó khăn còn kéo sẽ có rất nhiều doanh nghiệp rời thị trường”, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam đã nhấn mạnh tại Talkshow.
Bên cạnh các môi giới rời thị trường thì theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam vẫn còn những môi giới bám trụ với nghề. Nhiều người vẫn kì vọng sự phục hồi trở lại của thị trường sớm hơn những dự báo.
Bà Nguyễn Thị Nguyên Thanh, CEO Dat Xanh Services cho hay, trước đây thị trường bất động sản đã từng tạo ra lớp môi giới ăn xổi, ăn may. Hết thời thịnh, hiện các môi giới còn ở lại với nghề được xem là những “tinh hoa”. Họ là những người giỏi nghề, xả thân và đủ sự bền bỉ để trụ vững trước khó khăn của thị trường.
Cùng quan điểm, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản thời điểm nào cũng có những thử thách nhất định. Không thể phủ nhận đây là giai đoạn tổn thương của cả chủ đầu tư, môi giới, khách hàng. Nhưng với góc nhìn lạc quan thì doanh nghiệp, môi giới phải xác định, khó khăn là để tôi luyện. Những môi giới kiên trì, trụ lại với thị trường chắc chắn sẽ nhận lại cơ hội tốt trong tương lai.
Theo Cafef