Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, đất đai là tài sản lớn, là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước nên cần thực hiện giao dịch qua hệ thống ngân hàng. Khi thực hiện qua ngân hàng thì đòi hỏi tính công khai, minh bạch.
Ông Thịnh cho rằng, hiện nay đã là thời đại công nghiệp 4.0, thời đại số thì việc quản lý địa chính phải đi vào nền nếp. Từ đó hình thành ngân hàng dữ liệu về đất đai. Ví dụ mảnh đất đó qua tay những ai? khi nào? giá cả ra sao? chủ sở hữu là ai?. Chính việc quy định công khai, minh bạch các giao dịch liên quan đến đất đai sẽ làm minh bạch thị trường đất đai, bất động sản. Công khai minh bạch các giao dịch liên quan đến đất đai sẽ giúp cho việc xác định giá đất theo giá thị trường.
“Bán bao nhiêu? mua bao nhiêu? mảnh đất nào? ra làm sao thì có ngay dữ liệu từ lúc mua bán thông qua hệ thống ngân hàng cho đến khi ra cơ quan công chứng. Khi công khai minh bạch quá trình mua – bán vào hồ sơ, vào sổ địa bàn thì rõ ràng xác định giá thị trường sẽ trở nên đơn giản” – ông Thịnh nói.
PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ – Giám đốc Học viện Tài chính cũng cho rằng, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần có các quy định về công khai, minh bạch các giao dịch liên quan đến đất đai. Có thể bổ sung quy định bắt buộc các giao dịch mua – bán nhà ở, quyền sử dụng đất phải được thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản. Bên cạnh đó, cần có các quy định về việc xác định giá đất trong trường hợp không có số liệu thống kê tại khu vực; cân nhắc cho phép sử dụng các thống kê về giá đất tại các khu vực khác có sự tương đồng về điều kiện chính trị, kinh tế – xã hội cũng như địa lý với khu vực cần định giá đất.
Ông Cơ kiến nghị, dự thảo Luật cũng nên quy định phương pháp định giá đất phải thống nhất trên phạm vi cả nước để đảm bảo khả năng so sánh giá đất giữa các vùng miền, khu vực, nhất là các khu vực gần nhau, tạo điều kiện để việc sử dụng đất đai trở nên hiệu quả hơn, cũng như nên bổ sung để phân biệt khái niệm về giá cả thị trường và giá trị thị trường của đất đai.
Theo luật sư Nguyễn Hữu Danh – Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ – Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam, công khai, minh bạch các giao dịch liên quan đến đất đai là rất tốt, tránh được các tiêu cực. Việc giao dịch qua hệ thống ngân hàng giúp Nhà nước dễ dàng trong việc thu thuế khi mua bán, chuyển nhượng. Ở các nước phát triển mọi giao dịch đều qua hệ thống ngân hàng, nhưng ở Việt Nam giao dịch vẫn chủ yếu bằng tiền mặt. Tuy nhiên giao dịch tài sản có giá trị lớn như đất đai thì cần qua hệ thống ngân hàng. Việc này không chỉ giúp thuận tiện trong việc thu thuế cũng như những người sở hữu nhà thứ 2 trở lên thì thuế phải cao hơn, mà công khai các giao dịch còn giúp kiểm soát được tài sản, đóng góp hiệu quả vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
“Cho nên, việc công khai minh bạch các giao dịch liên quan đến đất đai sẽ giúp hạn chế được gian lận, lừa đảo” – ông Danh nói.
Theo Cafef