Giải quyết được vấn đề nhà ở cho công nhân sẽ là chìa khóa giải tỏa được nhiều vấn đề về an sinh. Tuy nhiên, đây là bài toán không dễ giải. Theo các chuyên gia, khi chưa thể giải được vấn đề này về dài hạn, thì trước mắt, nhà quản lý cần có những giải pháp để công nhân, người lao động thuê được chỗ trọ đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu nhất.
Cơ hội cho người lao động mua nhà giá rẻ
Là địa bàn có đông công nhân nghèo từ nhiều địa phương trong cả nước đến sinh sống, làm việc nên nhu cầu về nhà ở tại tỉnh Bình Dương gia tăng rất cao. Nhằm tránh việc “biển người” chen chúc nhau bốc thăm mua nhà ở xã hội, Bình Dương đã dành nhiều quỹ đất, kinh phí để xây dựng số lượng lớn nhà ở giá rẻ, giúp người lao động có thể sở hữu nhà.
Anh Đào Văn Dũng, công nhân tại Khu công nghiệp Việt Hương (TP Thuận An) chia sẻ, anh từ Thanh Hóa vào Bình Dương làm việc đến nay đã được 9 năm. 3 năm đầu anh thuê nhà trọ ở ghép cùng với một người bạn làm chung công ty, mỗi tháng mất 300 nghìn đồng/người. Nghĩ rằng, đồng lương công nhân ít ỏi sẽ chẳng bao giờ mua được căn nhà có giá cả tỷ đồng thì tình cờ vào tháng 8/2017 có người anh họ làm nghề xây dựng giới thiệu mua nhà ở xã hội của Becamex IDC xây dựng tại phường Định Hòa. Sau khi tìm hiểu, anh quyết định mua căn hộ 30m2 với giá 220 triệu đồng. Anh bỏ ra 90 triệu đồng, 130 triệu đồng còn lại ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi dành cho người thu nhập thấp mua nhà.
“Với hình thức này, nhiều công nhân có thể mua được nhà” – anh Dũng cho biết.
Tương tự, chị Nguyễn Bích Trâm, công nhân tại Khu Công nghiệp Sóng Thần cho biết, năm 2022, gia đình chị cũng mua được căn hộ 54m2 tại dự án nhà ở xã hội Thạnh Tân (phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An). “Không có nhiều tiền nên tôi chọn hình thức trả góp dài hạn 20 năm, ngân hàng cho vay 70% với lãi suất ưu đãi, vợ chồng tôi lo hơn triệu 200 triệu đồng, số còn lại 500 triệu vay từ ngân hàng. Cứ tưởng suốt đời đi ở trọ nhưng cuối cùng gia đình tôi đã có nhà” – chị Trâm phấn khởi nói.
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho hay, hiện nay mỗi căn nhà ở xã hội có mức giá trung bình gần 15 triệu đồng/m2. Gần 10 năm nay Bình Dương triển khai mô hình căn hộ nhà ở xã hội mini, diện tích khoảng 30m2. Mức giá công nhân có thẻ mua được, cùng với số tiền tiết kiệm cộng với vay ngân hàng. “Nhà nước cùng chủ đầu tư đã hỗ trợ khá nhiều về giá, mục đích hỗ trợ công nhân an cư lạc nghiệp, gắn bó với quê hương Bình Dương” – ông Tuấn Anh chia sẻ.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, đến nay, tỉnh đã đưa vào sử dụng 25 dự án nhà ở xã hội, trên diện tích 140ha đất với gần 1,4 triệu m2 sàn, cung cấp trên 34.000 căn hộ; giá bán cao nhất 14,9 triệu đồng/m2. UBND tỉnh Bình Dương cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư 31 dự án có diện tích đất khoảng 100ha thực hiện nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân từ nay đến năm 2030. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng thông tin, tỉnh khuyến khích các thành phần kinh tế sử dụng vốn chủ sở hữu, vốn vay ngân hàng và nguồn vốn huy động hợp pháp để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
“Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Dương cũng khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển phân khúc nhà ở cho thuê theo tiêu chuẩn nhà ở xã hội, nhằm từng bước nâng cao chất lượng nhà ở cho người lao động nhập cư” – ông Dũng cho biết.
Cơ chế đã có nhưng làm sao triển khai?
Tạo điều kiện cho người lao động thu nhập thấp, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 486 về mức lãi suất cho vay ưu đãi để mua, thuê, mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở, với lãi suất là 4,8%/năm. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/5/2023 – 31/12/2024.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2021-2030. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn. Đề án đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đầu tháng 4, Ngân hàng Nhà nước đã có hướng dẫn triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, ở gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng. Mỗi người mua nhà được vay vốn một lần để mua một căn hộ trong danh mục quy định. Mỗi chủ đầu tư được vay vốn một lần cho một dự án.
Bệ đỡ về chính sách, cũng như vốn đã có, câu hỏi đặt ra là làm sao để tháo được nút thắt, mở khóa an cư cho công nhân?
Đề cập đến vấn đề này, ông Tạ Việt Anh – Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam cho rằng, chính sách rất tốt và nhân văn hướng đến người lao động song quá trình thực hiện còn rất nhiều rào cản khiến số lượng công nhân chưa tiếp cận được với các phúc lợi xã hội về nhà ở xã hội chiếm tỷ lệ cao. Vì vậy, cần thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu và thiết thực hơn nữa để tháo gỡ những vướng mắc trong vấn đề này.
Giải quyết được vấn đề nhà ở cho công nhân sẽ là chìa khóa giải quyết được rất nhiều vấn đề an sinh. Dẫn chứng, ông Việt Anh lấy ví dụ Singapore là quốc gia thành công về chính sách nhà ở cho người dân. Mỗi năm, Chính phủ Singapore lại có 1 đợt mở bán những căn hộ đang xây dở, phần lớn là cho những người mua nhà lần đầu. Tất cả là hợp đồng thuê 99 năm và được bán với giá thấp hơn giá thị trường khoảng 25%. Số tiền mà người dân sử dụng để mua các căn hộ của Cơ quan phát triển nhà ở Singapore (HDB) được cung cấp một phần bởi quỹ Phòng xa trung ương (CPF), chương trình tiết kiệm quốc gia mang tính chất bắt buộc.
Đồng quan điểm, ông Bùi Sỹ Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, vấn đề nhà ở đóng vai trò vô cùng quan trọng, quyết định đến vấn đề việc làm cũng như năng suất lao động. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần tập trung nguồn lực giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất và người lao động có thu nhập thấp ở đô thị.
“Trước hết cần tạo cơ chế thông thoáng, mở cửa cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, hỗ trợ họ về vốn, bàn giao đất sạch để xây dựng nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, cần rút ra bài học kinh nghiệm để tránh tình trạng người có thu nhập cao mua nhà ở xã hội, bán lại hoặc cho thuê lại đối với người có thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp các khu đô thị” – ông Lợi nói.
Cần có cơ chế xây dựng nhà cho công nhân thuê
Ông Vũ Minh Tiến – Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, hiện nay nhu cầu nhà ở của công nhân rất cao, đặc biệt là công nhân di cư. Tuy nhiên, hầu hết các khu công nghiệp, khu chế xuất đều không đáp ứng đủ nhu cầu này.
Ông Tiến cho rằng, để công nhân tiếp cận được với nhà ở giá rẻ, bên cạnh hoàn thiện chính sách, cần phải thay đổi cả nhận thức, hành vi của các cơ quan chức năng ở các cấp, cán bộ giải quyết thủ tục liên quan đến phát triển nhà ở, cấp phép, vay vốn… Đặc biệt, cần có sự tham gia của các tổ chức, người sử dụng lao động trong việc hỗ trợ, phát triển nhà ở cho công nhân. Ngoài ra, cần đầu tư cải tạo môi trường hạ tầng sinh sống, hạ tầng điện, đường của người lao động đang thuê tại các khu trọ. Đặc biệt, cần tính toán phương án hỗ trợ cho công nhân; hỗ trợ các chủ đầu tư có nhà cho thuê, nhà ở xã hội phải gần khu công nghiệp; cơ cấu xây dựng nhà phải phù hợp với lối sống, thu nhập, gắn với đặc điểm của công nhân.
“Trong khi chờ đợi các mô hình hay, trước mắt, cần đầu tư, cải tạo môi trường, hạ tầng sinh sống của người lao động đang thuê nhà tại các khu trọ. Cùng với đó, Nhà nước, các tổ chức có thể tính toán mức hỗ trợ cho công nhân về chi phí, hỗ trợ các chủ đầu tư để tăng diện tích là cho thuê nhà ở xã hội” – ông Tiến đề xuất và cho rằng gốc của vấn đề là lương thấp không đủ sống, khiến người lao động phải tiết kiệm đủ thứ, trong khi chi phí quá lớn.
“Thực chất vấn đề nhà ở công nhân chính là vấn đề kinh tế. Đây là bài toán không dễ giải, vì vậy, trước mắt, Nhà nước, các bộ, ngành cần có những giải pháp làm sao giúp công nhân thuê được chỗ trọ đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu nhất. Ở đó, phòng trọ phải thực sự là nơi an toàn để ở chứ không đơn thuần chỉ là căn phòng trọ để ngủ” – ông Tiến nhấn mạnh.
Theo Cafef