Thời gian qua, các “ông lớn” như Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn PETMAL Oil Holdings… tìm về Phú Yên để đầu tư các đại dự án nghìn tỷ. Địa phương này cũng đang nỗ lực để triển khai các chính sách ưu đãi, nhằm hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư triển khai dự án.
Sức hút của Phú Yên
Phú Yên là một trong số ít địa phương sở hữu nhiều tiềm năng đa dạng về phát triển kinh tế tổng hợp như du lịch, dịch vụ, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, lẫn công nghiệp.
Địa phương có những bãi biển đẹp với cát trắng trải dài hàng chục km; sở hữu trên 20 danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, trong đó phải kể đến như Gành đá đĩa, Bãi Môn – Mũi Điện, Bãi Xếp, Vịnh Xuân Đài, Đầm Ô Loan, Tháp Nhạn… Cùng với đó, Khu kinh tế (KKT) Nam Phú Yên có rất nhiều lợi thế như gần cảng Vũng Rô, sân bay nằm ngay bên cạnh…
Những năm gần đây, việc hầm Đèo Cả và hầm đèo Cù Mông thông xe, sân bay Tuy Hòa được nâng cấp, các tuyến đường liên kết với vùng Tây Nguyên đã đầu tư xây dựng… đã tạo ra cú hích lớn, thu hút nhiều nhà đầu tư đến với Phú Yên.
Gần đây, nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế đã đến tỉnh Phú Yên tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đáng chú ý, Tập đoàn Hòa Phát đề xuất đầu tư 4 dự án tại KKT Nam Phú Yên như: dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hòa Tâm; dự án cảng Bãi Gốc; khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại khu công nghiệp Hòa Tâm và dự án Khu thương mại – Dịch vụ.
Tiến độ đầu tư thực hiện dự án là 36 tháng sau khi được cấp chủ trương đầu tư và bàn giao đất. Riêng dự án Khu thương mại – Dịch vụ triển khai đồng bộ với đầu tư dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại khu công nghiệp Hòa Tâm và các dự án thứ cấp khác.
Tổng mức đầu tư đối với 4 dự án trên dự kiến khoảng 120.000 tỷ đồng. Nhu cầu sử dụng lao động (đối với nhà máy thép) khoảng 12.000 người, trong đó lao động địa phương chiếm 80-90%.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát, đơn vị sẽ đầu tư các dự án tại Phú Yên bằng 50% vốn tự có và 50% còn lại là vốn vay từ các tổ chức tài chính khác.
“Tập đoàn Hòa Phát mong muốn tỉnh Phú Yên cập nhật đề xuất các dự án của Tập đoàn vào Quy hoạch chung KKT Nam Phú Yên, Quy hoạch tỉnh Phú Yên để thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các dự án”, lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát nói thêm.
Mới đây, Tập đoàn PETMAL Oil Holdings (Malaysia) đề xuất với tỉnh Phú Yên xây dựng một tổ hợp lọc hóa dầu hiện đại với công suất 8 triệu tấn dầu thô/năm gồm các sản phẩm chủ yếu như polypropylen, benzen, xăng RON 92, xăng RON 95…
Tổng mức đầu tư thực hiện dự án này dự kiến khoảng 5 tỷ USD. Diện tích sử dụng đất là 500ha và diện tích mặt nước khoảng 500ha.
Trong giai đoạn vận hành, dự án tổ hợp lọc hóa dầu sẽ cần khoảng 1.200 lao động trực tiếp và tạo công ăn việc làm gián tiếp cho khoảng 5.000 người và hàng trăm dịch vụ phân phối sản phẩm. Sau khi dự án đi vào hoạt động sẽ nộp ngân sách cho địa phương khoảng 20.000 tỷ đồng…
Chưa hết, 2 Tập đoàn kinh tế Đức là Wpd (chuyên về phát triển, vận hành điện gió và điện năng lượng mặt trời) và STADA Pymepharco (chuyên sản xuất, kinh doanh ngành hàng thuốc kê đơn và ngành hàng chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng) đã kiến nghị một số nội dung đến lãnh đạo tỉnh Phú Yên tạo điều kiện đầu tư các dự án tại tỉnh này trong thời gian tới.
Tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư
Theo ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên, trong 6 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 288 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký là hơn 4.000 tỷ đồng (tăng hơn 53,5% so cùng kỳ).
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 3.600 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký khoảng gần 79.000 tỷ đồng; doanh thu từ các doanh nghiệp trong 6 tháng đạt hơn 16.000 tỷ đồng, đóng góp của các doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước dự ước khoảng hơn 1.200 tỷ đồng, đã giải quyết việc làm cho gần 70.000 lao động.
“Bên cạnh đó, tỉnh đã tiếp xúc và làm việc với nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh, đáng chú ý là việc tiếp cận nghiên cứu đề xuất đầu tư tại Khu công nghiệp Hòa Tâm, cảng Bãi Gốc và tổ chức giới thiệu tiềm năng, kêu gọi đầu tư đến các đối tác Nhật Bản”, ông Hổ nói.
Tuy nhiên, ông Hổ cũng nhìn nhận, số lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Phú Yên so với các tỉnh trong khu vực, cả nước còn ít; quy mô doanh nghiệp và các dự án còn nhỏ, sức cạnh tranh của doanh nghiệp chưa lớn.
“Mặc dù thời gian qua, tỉnh đã quan tâm, nỗ lực giải quyết các yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư và chỉ đạo thực hiện các cam kết, chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật, nhưng có thể đôi lúc, đôi khi vẫn còn những thiếu sót, chậm trễ. Công tác thực hiện chính sách, hỗ trợ nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và nhà đầu tư”, ông Hổ chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Ban quản lý KKT Phú Yên thông tin, thời gian vừa qua, Tập đoàn PETMAL Oil Holdings đã tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất đầu tư dự án Nhà máy lọc dầu tại Khu công nghiệp Hòa Tâm và cảng Bãi Gốc.
“Qua trao đổi tại các buổi làm việc, UBND tỉnh đề nghị tập đoàn PETMAL Oil Holdings sớm đề xuất chi tiết dự án đầu tư để UBND tỉnh có cơ sở cho ý kiến, triển khai các bước tiếp theo”, ông Hùng cho biết.
Cũng theo Trưởng ban Ban quản lý KKT Phú Yên, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Nam Phú Yên đến năm 2040 nêu rõ khu kinh tế này sẽ hình thành ba khu trung tâm phát triển đô thị chính gồm: Khu vực phát triển đô thị phía Bắc sân bay Tuy Hòa; khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển; trung tâm đô thị Hòa Vinh.
Sau khi Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Nam Phú Yên đến năm 2040 được cấp thẩm quyền phê duyệt, Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ phối hợp với các Sở, ngành và địa phương xây dựng danh mục các dự án Khu đô thị trình UBND tỉnh phê duyệt để kêu gọi đầu tư.
Theo Cafef