Thường xuyên truy cập hocviendautu. để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư Thường xuyên truy cập hocviendautu.edu.vn để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư

CHUYÊN GIA HỖ TRỢ:

Facebook: Lê Nguyên

Zalo: 0765. 84 85 86

Canh mua trong nhịp chỉnh

 Tâm lý yếu cộng thêm sự kiện Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu như giọt nước làm tràn ly khiến các giao dịch ngắn hạn lo ngại về những tác động gây ảnh hưởng tới xu thế dòng tiền, đặc biệt là kênh chứng khoán.

Kỳ vọng Fed kéo dài môi trường lãi suất cao

Như kỳ vọng, cuộc họp Ủy ban Thị trường mở (FOMC) hôm thứ Tư tuần qua (21/9/2023) đã kết thúc với quyết định giữ nguyên mức lãi suất điều hành của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Tuy vậy, các dự báo kinh tế mới công bố cho thấy một đợt tăng lãi suất có thể sẽ diễn ra vào cuối năm 2023 và các đợt cắt giảm sẽ chỉ diễn ra trong năm 2024.

Quyết định của Fed đã giúp US Dollar Index (DXY), lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp diễn đà tăng, nhưng các chỉ số chứng khoán toàn cầu và giá dầu lại suy giảm trước lo ngại quá trình hồi phục của kinh tế Mỹ và thế giới còn kéo dài. Trong tuần, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ vượt mốc 4,49%/năm, mức cao nhất kể từ năm 2007, với chất xúc tác mới nhất là dữ liệu thất nghiệp hàng tuần cho thấy thị trường lao động vẫn mạnh mẽ có thể khuyến khích Fed tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cao kéo dài. Ngược lại, các chỉ số chứng khoán Mỹ và châu Á đều có biểu hiện rung lắc mạnh vào các phiên cuối tuần, đặc biệt là S&P 500 đã quay đầu từ vùng tăng mạnh đi vào vùng suy yếu. Điểm sáng trong tuần là thị trường chứng khoán Trung Quốc, khi chỉ số Shanghai SE Composite đã vận động tích cực, chuẩn bị tiến vào phía trong vòng elipse, một khi thành công thì sẽ là khởi đầu manh nha cho giai đoạn “thay da đổi thịt” của chỉ số này, cải thiện và dần thoát ly vùng giảm mạnh.

Chỉ số Dollar Index – DXY vượt mốc 105 điểm, dấy lên nỗi lo trượt giá nội tệ của các thị trường châu Á, nơi các ngân hàng trung ương đa số đang thực hiện chính sách “bồ câu” nới lỏng tiền tệ. DXY tăng cũng là lý do khiến giá các loại hàng hóa có xu hướng giảm nhẹ. Giá dầu chứng kiến tuần giảm giá đầu tiên sau 4 tuần, tuy nhiên vẫn duy trì động lượng ở mức cao, giá dầu Brent vẫn ở mức trên 90 USD/thùng.

Tìm kiếm điểm cân bằng để giải ngân cho sóng tăng mới

Trái với kỳ vọng, dòng tiền duy trì vào thị trường đã không giúp được đà lan tỏa test lại MA10 thành công và các chỉ báo thị trường đã chỉ ra sóng tăng ngắn hạn đã kết thúc. Hai phiên cuối tuần biến động mạnh do ảnh hưởng của thị trường thế giới, thông tin Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu, lo ngại tỷ giá và hơn hết là tâm lý yếu trong tuần đáo hạn phái sinh.

VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần tại 1.193 điểm, khép lại tuần giao dịch giảm điểm thứ hai liên tiếp. Mặc dù dưới khung thời gian tuần, yếu tố kỹ thuật chưa quá xấu khi ngưỡng hỗ trợ mạnh cuối cùng tại 1.190 điểm chưa bị vi phạm, tuy nhiên mặt bằng giá của thị trường đã thay đổi đáng kể, nhiều nhóm cổ phiếu có mức giá bị chiết khấu rất sâu. Đây là tuần giao dịch với hai sự kiện lớn, gồm đáo hạn phái sinh và Fed cập nhật chính sách lãi suất mới khiến cho tâm lý giao dịch đã trở nên thận trọng hơn rất nhiều, lực cầu giảm sút mạnh.

Tâm lý yếu kém cộng thêm sự kiện Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu như giọt nước làm tràn ly khiến các giao dịch ngắn hạn lo ngại về những tác động gây ảnh hưởng tới xu thế dòng tiền, đặc biệt là kênh chứng khoán. Trên thực tế, phát hành tín phiếu được cho là một biện pháp phản ứng nhanh và linh hoạt trước biến động tăng nóng của tỷ giá. Trong bối cảnh dự trữ ngoại hối chưa đạt mức dồi dào thì phát hành tín phiếu sẽ giúp hút bớt tiền từ hệ thống ngân hàng vốn đang có dấu hiệu dư thừa thanh khoản, đồng thời ngăn chặn các hoạt động đầu cơ ngoại tệ trên thị trường. Do đó, phát hành tín phiếu có thể mang yếu tố thận trọng trong ngắn hạn nhưng mang ý nghĩa rất lớn trong trung và dài hạn, giúp cải thiện trạng thái tỷ giá và tạo điều kiện hỗ trợ công tác điều hành vĩ mô. Do các nhóm ngành dẫn dắt thị trường, bao gồm nhóm vốn hóa lớn và nhóm ngân hàng đều góp mặt trong nhịp điều chỉnh lần này nên áp lực kéo giảm đối với các chỉ số thị trường là khó tránh khỏi.

Dẫu vậy, phiên giao dịch cuối tuần qua đã manh nha xuất hiện những dịch chuyển trái chiều có tính phản kháng lại xu thế giảm, đặc biệt nhóm ngân hàng. Các chỉ báo định lượng đang cho thấy nhịp điều chỉnh đang đi sâu hơn vào vùng bán quá mức nên xác suất sớm xuất hiện các phiên hồi phục kỹ thuật là khá cao. Từ tâm lý thị trường còn đang yếu, dễ bị ảnh hưởng bởi các thông tin bất lợi, bao gồm cả các “tin đồn” thất thiệt thì thị trường chung có thể còn diễn ra nhiều rung lắc trong tuần này.

Trạng thái cân bằng sẽ là mục tiêu cần sớm đạt được trong các phiên tới, trước khi thị trường có thể xác nhận kết thúc đợt giảm lần này. Điểm mua tối ưu trong ngắn hạn sẽ là khi thị trường cân bằng trở lại, với tốc độ rơi nhanh thì khả năng quá trình cân bằng sẽ nhanh chóng hơn và hình thành sóng tăng mới khi đà lan tỏa tạo đáy dưới mốc 30% cũng nhanh hơn. Diễn biến này khá giống tuần sau phiên đáo hạn phái sinh ngày 18/8/2023.

Xét từ góc nhìn dài hạn hơn, với kỳ vọng kinh tế tiếp tục hồi phục và “hàn thử biểu” là thị trường chứng khoán cũng sẽ tăng trưởng tương ứng trong trung và dài hạn, thì đợt điều chỉnh này là cần thiết và mang đến cơ hội để giải ngân. Theo đó, chiến lược mua mới chưa ưu tiên với các giao dịch ngắn hạn, tuy nhiên nhóm nhà đầu tư có tầm nhìn trung và dài hạn dựa trên nền tảng cơ bản của doanh nghiệp có thể canh các nhịp điều chỉnh để thăm dò các vị thế mới ban đầu đối với các cổ phiếu tiềm năng.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn


CÔNG TY THÀNH VIÊN

© HOCVIENDAUTU.EDU.VN ALL RIGHTS RESERVED
GIAO DỊCH FOREX
GIAO DỊCH CRYPTO