Trong ngắn hạn thị trường được dự báo vẫn đang trong vùng điều chỉnh, nhà đầu tư được khuyến nghị cơ cấu lại danh mục và xem xét giải ngân các cổ phiếu tiềm năng tại vùng hỗ trợ.
VN-Index vừa ghi nhận một tuần giao dịch biến động mạnh lấy đi thành quả tăng điểm của 3 tuần trước.
Về diễn biến cụ thể, VN-Index ghi nhận diễn biến giao dịch lình xình trong 4 phiên giao dịch đầu tuần và xu hướng chủ đạo là dao động trong vùng 1.220 – 1.240 điểm. Tuy nhiên đáng chú ý là biên độ dao động trong phiên có xu hướng được mở rộng hơn so với giai đoạn trước.
Tâm điểm của tuần giao dịch nằm ở phiên cuối tuần (18/8) khi áp lực bán chủ động gia tăng mạnh, khởi đầu từ nhóm vốn hóa lớn đặc biệt là bộ ba VIC, VHM, VRE và sau đó lan rộng ra trên toàn thị trường và đóng cửa với mức giảm mạnh 55 điểm (tương đương 4,5%) xuống 1.177 điểm. Với mức giảm sâu, toàn bộ thành quả tăng điểm trong tháng 8 đã bị “thổi bay” chỉ sau một phiên giao dịch. Đáng chú ý, trong phiên Thứ sáu sàn HOSE có tới 1,7 tỷ cổ phiếu được trao tay.
Khối ngoại mua ròng với giá trị khá lớn trên HOSE trong phiên thị trường giảm mạnh (trên 430 tỷ), tập trung gom 4 mã VNM, CTG, VHM và VRE.
Xét cho cả tuần, VN-Index giảm tổng cộng 54,22 điểm (-4,4%), HNX-Index giảm 9,29 điểm (-3,79%). Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 125.063 tỷ đồng tăng 11% về giá trị và 3,2% về khối lượng giao dịch so với tuần trước. Nhà đầu tư nước ngoài sau 3 tuần mua ròng, đã bán ròng mạnh trên HOSE với giá trị 960 tỷ đồng, bán ròng trên HNX với giá trị 142,64 tỷ đồng.
Xét theo mức độ đóng góp, VIC, VHM và BID là những mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Trong đó, tính riêng VIC đã lấy đi hơn 4,5 điểm của chỉ số này. Ở chiều ngược lại, TMS, S4A và VCB là những mã có tác động tích cực nhất.
Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Chứng khoán MBS nhận định phiên giảm điểm cuối tuần xuất phát từ nhiều nguyên nhân khi mặt bằng giá cổ phiếu đã tương đối cao, và trong khoản 3 tháng nay chưa có sự phân phối lại. Tuy nhiên nhà đầu tư không nên quá bi quan vì xu hướng đi lên của thị trường vẫn được duy trì.
“Đối với thị trường chứng khoán, việc điều chỉnh 5-10% là bình thường. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất giảm, lợi nhuận doanh nghiệp được kỳ vọng đã tạo đáy và đi lên ở quý III/2023, thì thị trường sẽ vẫn tiếp tục đi lên và xen kẽ những nhịp điều chỉnh”, ông Tuấn nói.
Chuyên gia MBS dự báo tuần sau VN-Index có thể hướng đến vùng 1.120-1.130 điểm, nhà đầu tư nên quan sát cơ hội và tham gia vào thị trường, đồng thời phải quản trị cụ thể từng mã cổ phiếu tong danh mục.
Tương tự, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phòng phát triển năng lực đầu tư VPS khuyến nghị thay vì giữ nguyên vị thế, nhà đầu tư nên co gọn danh mục, quan sát các nhịp điều chỉnh của thị trường trong các tuần tới để giải ngân vào những cổ phiếu tiềm năng “trong tầm ngắm”.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán SHS kỳ vọng biến động ở phiên 18/8 chỉ là nhịp điều chỉnh thông thường và các chỉ số sẽ tích lũy lại để củng cố sức mạnh chuẩn bị cho nhịp tăng mới trong thời gian tới. Tuy nhiên trong ngắn hạn thị trường đang trong vùng điều chỉnh mạnh và khó lường, các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn có thể xem xét giải ngân dần tại các vùng hỗ trợ trong nhịp điều chỉnh này với kỳ vọng VN-Index sẽ có nhịp phục hồi mới và triển vọng trung hạn vẫn tốt.
Trong trung, dài hạn nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ danh mục và có thể tận dụng nhịp điều chỉnh để tăng tỷ trọng, hướng giải ngân nên lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, các cố phiếu có tiềm năng tăng trưởng ổn định đang vận động trong trạng thái tích lũy hiện nay.
Về góc nhìn kỹ thuật, VCBS cho biết VN-Index kết tuần giảm mạnh với khối lượng gia tăng, do vậy chỉ số nhiều khả năng sẽ có thêm một số phiên biến động mạnh trước khi mặt bằng giá ổn định trở lại, với vùng hỗ trợ gần nhất là 1.130 – 1.150 điểm.
Nhà đầu tư nên cân nhắc hạ tỷ trọng cổ phiếu một cách dứt khoát để quản trị rủi ro. Mặc dù vậy, nên canh những nhịp phục hồi trong phiên để giảm tỷ trọng chứ không cần thiết phải bán bằng mọi giá, đồng thời vẫn có thể chú ý những cổ phiếu đang ở vùng tích lũy và không biến động nhiều trong thời gian vừa qua để tìm kiếm cơ hội giải ngân khi thị trường ổn định trở lại trong thời gian tới.
Chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất Châu Á, vốn hóa HoSE mất hơn 9 tỷ USD trong phiên cuối tuần
Theo Cafef