Thường xuyên truy cập hocviendautu. để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư Thường xuyên truy cập hocviendautu.edu.vn để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư

CHUYÊN GIA HỖ TRỢ:

Facebook: Lê Nguyên

Zalo: 0765. 84 85 86

Doanh nghiệp trông vào những tháng cuối năm

 Chia sẻ từ lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia chứng khoán cho thấy, trong khó khăn chung, doanh nghiệp vẫn nỗ lực tìm giải pháp để thích ứng và kết quả kinh doanh kỳ vọng được cải thiện về cuối năm. 

May mắn có đủ đơn hàng trong 6 tháng

Ông Hà Mạnh, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 (M10)

Ngành dệt may toàn cầu năm nay gặp rất nhiều khó khăn, lãnh đạo Công ty cũng phải đi khắp nơi tìm kiếm đơn hàng, nhưng nhìn chung, đơn hàng vẫn khan hiếm, có những mặt hàng càng làm càng lỗ.

Trong 6 tháng đầu năm, May 10 gặp may mắn vì có những khách hàng truyền thống, nên cũng có nhiều đơn hàng để sản xuất mà chưa phải nghỉ ngày nào, trong khi nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận đóng cửa đến khi có việc mới làm lại. Chúng tôi cũng có những đơn hàng từ tháng 1 – 2 và thực hiện trong quý II. Đến tháng 7, đơn hàng vẫn ổn nhưng tháng 8, Công ty thiếu nhiều đơn hàng.

Trong 2 quý cuối năm, Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho hoạt động xuất khẩu và mở rộng thị trường nội địa. Với tình hình này, Công ty cố gắng để hoàn thành 90% kế hoạch đã được đại hội cổ đông thông qua. Dù vậy, mọi thứ vẫn còn phụ thuộc vào tình hình thị trường những tháng cuối năm.

Hy vọng bức tranh sẽ khả quan hơn trong nửa cuối năm

Doanh nghiệp trông vào những tháng cuối năm ảnh 1
Ông Hoàng Mạnh Tân, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà (SHE).

Tình hình khó khăn của nền kinh tế trong nửa đầu năm đã ảnh hưởng tới ngành bán lẻ, sức mua của thị trường rất yếu. Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà tập trung đẩy mạnh mảng xe máy điện trong năm nay, tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ còn chậm. Chúng tôi phải tìm cách tiết giảm các chi phí, tối ưu hóa, tăng sản lượng tiêu thụ bằng các giảm giá. Tuy nhiên, nếu giảm giá sâu, kinh doanh sẽ lỗ.

Hệ lụy của việc xuất khẩu sụt giảm thời gian qua, nhiều công ty không có việc làm, lao động nghỉ việc, thu nhập sụt giảm nên thắt chặt chi tiêu. Người dân lo lắng, có tâm lý giữ tiền thủ thế phòng xa, không chi tiêu dẫn đến hệ thống sản xuất và dịch vụ đối mặt với khó khăn lớn. Sản xuất ra nhưng không bán được hàng, tồn kho tăng cao. Nửa cuối năm, khi tăng trưởng xuất khẩu trở lại, hy vọng bức tranh kinh doanh sẽ khả quan hơn.

Ngoài ra, các cam kết về vấn đề môi trường, giải pháp cho cam kết COP 26 theo tôi cần thực hiện quyết liệt hơn. Như vậy, cơ hội cho những doanh nghiệp sản xuất xe máy điện, thân thiện môi trường sẽ rộng mở hơn và hình thành thói quen sớm người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm thân thiện môi trường.

Lợi nhuận quý II của Phát Đạt dự kiến đạt hơn 360 tỷ đồng

Doanh nghiệp trông vào những tháng cuối năm ảnh 2
Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR).

Thời gian qua, Phát Đạt và các doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt với rất nhiều thách thức chưa từng có trong vòng một thập kỷ qua với những vòng xoáy khốc liệt. Tất cả các kịch bản ứng phó rủi ro hay kế hoạch dự phòng trước đó gần như đều bị vô hiệu hóa, khiến kết quả kinh doanh không như kỳ vọng. Dù vậy, kết quả kinh doanh của Phát Đạt thời gian qua vẫn đáng khích lệ, Công ty đã chủ động tất toán nhiều lô trái phiếu trước hạn, giữ uy tín với trái chủ…

Lợi nhuận quý II của Phát Đạt dự kiến đạt hơn 360 tỷ đồng. Từ cuối tháng 4/2023, doanh nghiệp cũng thu được 870 tỷ đồng từ Tập đoàn Danh Khôi, đến cuối năm có thể nhận thêm 1.500 tỷ đồng từ thương vụ chuyển nhượng dự án Astral City tại Bình Dương.

Năm 2023, Phát Đạt đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 680 tỷ đồng, giảm lần lượt 48% và 41% so với kết quả đạt được trong năm ngoái. Khi thị trường tốt trở lại, Phát Đạt có những nền tảng sẽ sẵn sàng bứt phá, có thể đạt mức lợi nhuận cao hơn.

Nhóm ngân hàng, bất động sản sẽ được hưởng lợi từ lãi suất thấp

Doanh nghiệp trông vào những tháng cuối năm ảnh 3
Ông Lê Ngọc Nam, Chuyên gia chứng khoán.

Theo quan sát của tôi, nhà đầu tư có thể kỳ vọng sự khởi sắc lợi nhuận của một số nhóm doanh nghiệp từ quý II trở đi. Khi mặt bằng lãi suất đi xuống, nhóm được hưởng lợi từ lãi suất thấp hay phụ thuộc nhiều vào lãi suất như nhóm ngân hàng, nhóm vay nợ nhiều như bất động sản sẽ được hưởng lợi.

Ngoài ra, một số cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt vẫn có thể duy trì như DHG, DHT…, hay các cổ phiếu riêng lẻ khác như Nhựa Bình Minh.

Tôi cho rằng, động lực chung cho thị trường phải đến từ khi thị trường địa ốc khởi sắc. Đơn cử như thép là nguyên liệu chính trong bất động sản, giải ngân đầu tư công hay thị trường địa ốc phục hồi sẽ tốt khi thị trường vật liệu và tác động tích cực đến các lĩnh vực khác. Còn với cổ phiếu chứng khoán thì chỉ tốt lên nhiều khi thanh khoản thị trường được cải thiện. Đương nhiên, thị trường phục hồi sẽ không thể thiếu bóng dáng của cổ phiếu ngân hàng.

Tình hình kinh doanh tương đối tốt

Doanh nghiệp trông vào những tháng cuối năm ảnh 4
Ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sản xuất và công nghệ Nhựa Pha Lê.

Thị trường trong những tháng đầu năm chưa có nhiều thay đổi do các thị trường tiêu thụ lớn trên toàn cầu bị ảnh hưởng từ các xung đột địa chính trị. Sức tiêu dùng từ thị trường châu Âu sụt giảm, còn thị trường Mỹ chưa có những tín hiệu phục hồi lớn. Tuy nhiên, nhìn chung tình hình sản xuất – kinh doanh của Nhựa Pha Lê được đánh giá tương đối tốt, vì chúng tôi có một hệ sinh thái với các nhà máy sản xuất khác.

Chắc chắn Nhựa Pha Lê sẽ phải tái cấu trúc các khoản đầu tư. Sản xuất, xuất khẩu của Công ty đang là lợi thế thì sẽ phải tập trung vào đó. Công ty cũng sẽ xem xét từ bỏ những mặt hàng quen thuộc, làm quen tay nhưng hiệu quả không cao.

Giá than nhập khẩu đã giảm, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất – kinh doanh

Doanh nghiệp trông vào những tháng cuối năm ảnh 5
Ông Lê Văn Danh, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3).

Một trong các nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của EVNGENCO3 đề ra cho năm 2023 là tập trung tối đa nguồn lực, kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo nhiên liệu, quản lý vận hành để đảm bảo các tổ máy luôn vận hành ổn định, sẵn sàng đáp ứng huy động.

Trước đó, trong năm 2022, giá các yếu tố đầu vào chủ chốt đều tăng mạnh như giá khí tăng 23,6% so với năm 2021, giá than tăng 42% cũng là mức tăng đột biến, ảnh hưởng đến việc cung ứng than, khí đảm bảo nguồn sản xuất. Tổng công ty đã đảm bảo nhiên liệu cho sản xuất điện, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than, trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao và nguồn cung hạn chế do tác động bởi xung đột Nga – Ukraina.

Đồng thời, hợp đồng bán khí (GSA) Nam Côn Sơn đã hoàn tất chuyển chủ thể từ EVN về EVNGENCO3, thúc đẩy việc gia hạn hợp đồng cho giai đoạn tiếp theo sau khi Hợp đồng GSA Nam Côn Sơn hết hạn vào 24/4/2023. Việc cấp khí hiện tại vẫn bình thường, không gián đoạn, đảm bảo liên tục cho phát điện.

Về tình hình nhiên liệu than, Công ty đã làm việc với Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc để tăng khối lượng than. đáp ứng trong các tháng cao điểm mùa khô. Ngoài hai nguồn trên, EVNGENCO3 nhập khẩu than từ nhiều năm nay với nguồn khá dồi dào từ Úc, Nam Phi và mới đây thêm nguồn than từ Lào.

Hiện tại, giá than nhập khẩu đã giảm và cạnh tranh so với giá trong nước. Dù than từ Lào gặp chút khó khăn về vận chuyển, giá nhập tại Cảng Vĩnh Tân vẫn đang ở mức cạnh tranh với chất lượng than bằng hoặc tốt hơn trong nước. Đây cũng là lý do giúp suất tiêu hao than của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân giảm nhanh, chất lượng tro xỉ cũng tốt hơn.

Điểm sáng kết quả kinh doanh quý II/2023 sẽ đến từ nhóm ngân hàng, chứng khoán…

Doanh nghiệp trông vào những tháng cuối năm ảnh 6
Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Azfin Việt Nam.

Điểm sáng trong báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2023 có lẽ sẽ đến từ nhóm ngân hàng và chứng khoán, bên cạnh đó là bất động sản công nghiệp, du lịch, hàng không. Bởi đây là các nhóm đã có nhiều tín hiệu tích cực trở lại.

Thị trường chưa rõ xu hướng tăng giá dài hạn, nhưng triển vọng cho điều này là khá cao. Lý do là bởi thị trường đã tạo đáy từ cuối năm 2022, mùa Đông của thị trường đã hết, giờ là giai đoạn chuẩn bị cho mùa Xuân và mùa Hè.

Các nhà đầu tư cần lưu ý một số điều sau khi thị trường bước vào giai đoạn phục hồi. Đó là thứ tự các ngành sẽ “chạy”. Đầu tiên là nhóm chứng khoán, sau là nhóm đầu tư công và bất động sản. Tiếp đó là ngân hàng, công nghệ, rồi đến bán lẻ và hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm. Tiếp nữa là các ngành tiện ích: điện nước, cho thuê văn phòng và hàng hoá nguyên vật liệu cơ bản: đồng, sắt, thép… Sau nữa là đến dòng chăm sóc sức khoẻ, y tế, bảo hiểm. Theo chu kỳ này thì nhóm chứng khoán đang tăng, bất động sản tăng dần dần, sắp tới có thể sẽ là ngành ngân hàng, công nghệ. Nhà đầu tư có thể lưu ý để theo dõi trong thời gian tới, trước mắt là ở quý III này.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn


CÔNG TY THÀNH VIÊN

© HOCVIENDAUTU.EDU.VN ALL RIGHTS RESERVED
GIAO DỊCH FOREX
GIAO DỊCH CRYPTO