Khối tự doanh công ty chứng khoán mua ròng tổng cộng 8.825 tỷ đồng trong năm 2023. Giá trị mua ròng riêng tại 3 chứng chỉ quỹ ETF xấp xỉ 6.600 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua năm 2023 với nhiều biến động. VN-Index liên tục có những đợt tăng và giảm mạnh đan xen nhau trong cả năm 2023. Thị trường bắt đầu sôi động từ tháng 4 đến tháng 9 trong bối cảnh Việt Nam chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng, linh hoạt. Với 4 lần hạ lãi suất, cùng hàng loạt giải pháp gỡ nút thắt thị trường trái phiếu, bất động sản, VN-Index đạt đỉnh năm 2023 vào phiên 7/9 với 1.255,11 điểm sau đó có một đợt giảm mạnh nhất năm. Các tháng cuối năm, thị trường đa phần chỉ đi ngang tích lũy với nền thanh khoản thấp.
Thanh khoản thị trường cả năm 2023 duy trì ở mức tương đối thấp, tổng giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt 17.630 tỷ đồng/phiên, giảm 13,4% so với năm 2022, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân giảm 14,5% lên 15.669 tỷ đồng/phiên.
Khối ngoại giao dịch tiêu cực trong năm 2023 khi bán ròng 22.598 tỷ đồng trên toàn thị trường. Đà bán ròng mạnh của khối ngoại đa phần tập trung ở sàn HoSE, nếu chỉ tính riêng sàn này, giá trị bán ròng là 24.661 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn với dòng vốn ngoại, khối tự doanh của các công ty chứng khoán mua ròng và là nhân tố quan trọng “cân” lại lực bán, đặc biệt ở nhóm các chứng chỉ quỹ ETF. Tính trên toàn thị trường, khối tự doanh mua vào 4,22 tỷ cổ phiếu, trị giá 113.911 tỷ đồng, trong khi bán ra 3,89 tỷ cổ phiếu, trị giá 105.086 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức 335,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 8.825 tỷ đồng.
Riêng sàn HoSE, khối tự doanh mua ròng 7.956 tỷ đồng. Năm 2022, dữ liệu giao dịch tự doanh công ty chứng khoán trên HoSE bị thiếu khoảng 3 tháng do Sở tạm dừng cung cấp số liệu. Thống kê dữ liệu công bố năm 2022, giá trị mua ròng chỉ khoảng 687 tỷ đồng, chưa đến 1/10 năm 2023.
Đứng đầu danh sách mua ròng của khối dự doanh là chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND với 3.727 tỷ đồng. Hai CCQ FUESSVFL và E1VFVN30 cũng được mua ròng lần lượt 1.939 tỷ đồng và 928 tỷ đồng. Trong khi đó, VPB đứng ở vị trí thứ 3 về giá trị mua ròng với 1.168 tỷ đồng. Các cổ phiếu cũng được mua ròng mạnh có HPG, KDH, NVL, FRT… Ở chiều ngược lại, SGN bị bán ròng mạnh nhất với 431 tỷ đồng. GMD và TCB bị bán ròng lần lượt 343 tỷ đồng và 336 tỷ đồng. Hai CCQ ETF FUEMAVND và FUEKIVFS bị bán ròng lần lượt 215 tỷ đồng và 162 tỷ đồng.
Khối tự doanh chi hàng nghìn tỷ đồng mua chứng chỉ quỹ ETF trên sàn HoSE |
Ở sàn HNX, tự doanh công ty chứng khoán mua ròng 537 tỷ đồng, tương ứng khối lượng khoảng 22,9 triệu cổ phiếu.
Dòng vốn này mua ròng mạnh nhất mã HTP của Công ty Cổ phần In sách giáo khoa Hòa Phát (181 tỷ đồng). Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cũng được giải ngân khá mạnh với giá trị mua ròng là 176 tỷ đồng. VIT, SCG và VFS đều được mua ròng trên 100 tỷ đồng. Trong khi đó, SHS bị bán ròng mạnh nhất với 169 tỷ đồng. CEO đứng sau với giá trị bán ròng 122 tỷ đồng. SHS và CEO cũng là hai mã hiếm hoi bị khối tự doanh sàn HNX bán ròng trên 100 tỷ đồng.
Các cổ phiếu được khối tự doanh mua/bán nhiều nhất trên sàn HNX |
Tại sàn UPCoM, khối tự doanh cũng mua ròng 332 tỷ đồng, tuy nhiên, nếu xét về khối lượng thì dòng vốn này bán ròng hơn 4 triệu cổ phiếu.
Các cổ phiếu được khối tự doanh mua/bán nhiều nhất trên sàn UPCoM |
Khối tự doanh sàn UPCoM mua ròng mạnh nhất mã TBD với 289 tỷ đồng. Tiếp sau đó, SSH được mua ròng 164 tỷ đồng. Các mã khác có giá trị mua ròng trên 100 tỷ đồng gồm VOC, MCH và C4G. Ở chiều ngược lại, MCM bị bán ròng mạnh nhất sàn UPCoM với 155 tỷ đồng. TSJ và QNS bị bán ròng lần lượt 122 tỷ đồng và 104 tỷ đồng.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn