6 tháng đầu năm 2023, VN-Index tăng 11%, khiến những phiên giao dịch đầu tháng 7 trở nên mong manh. Dù vậy, sự điều chỉnh của thị trường nếu có trong tháng này được coi là cơ hội đầu tư tốt.
Năm 2022, trước động thái liên tục tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tạo sức ép lên tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu nâng lãi suất điều hành vào tháng 9/2022, từ đó các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động.
Theo thống kê của VNDIRECT Research, lãi suất huy động bình quân tháng 12/2022 của các ngân hàng thương mại là 8,2%, có thời điểm đạt 10 – 12% cho kỳ hạn 6 tháng đến 1 năm. Lãi suất tăng làm định giá tại các kênh đầu tư như thị trường chứng khoán thấp đi, đồng thời thu hút dòng tiền vào kênh gửi tiết kiệm.
Thực tế, tiền gửi từ dân cư tăng mạnh kể từ tháng 9/2022, mức tăng trưởng tính tới tháng 3/2023 đạt 11 – 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này thể hiện rất rõ tác động của việc tăng lãi suất lên dòng tiền ngoài thị trường, lãi suất tăng kéo theo tiền gửi tăng.
Yếu tố tác động lớn đến thị trường chứng khoán là dòng tiền và diễn biến lãi suất có ảnh hưởng không nhỏ lên dòng tiền này. Với động thái hạ lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước từ giữa tháng 3/2023 đến nay, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại đã giảm đáng kể so với mức đỉnh trong giai đoạn tháng 12/2022 – 3/2023, có thời điểm xuống 6,8%/năm.
Việc giảm lãi suất từ các ngân hàng thương mại sẽ tạo cơ sở cho lập luận ngược lại: lãi suất thấp – định giá tại các kênh tài sản tăng lên – kênh tiền gửi kém hấp dẫn – dòng tiền dịch chuyển sang thị trường chứng khoán.
Diễn biến tăng trưởng tiền gửi từ dân cư và tổ chức kinh tế. |
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng chậm trong 6 tháng đầu năm mở ra nhiều dư địa tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023. Theo báo cáo của SSI Research, tăng trưởng tín dụng đến ngày 15/6/2023 chỉ đạt 3,36% so với cuối năm 2022 và tăng 8,94% so với cùng kỳ. Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 6/2023, dư nợ tín dụng được cải thiện khi đạt xấp xỉ 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,2% so với đầu năm, nhưng mức tăng này chưa bằng một nửa so với con số 9,4% của cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, lãi suất điều hành giảm tạo điều kiện cho các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay thời gian tới, qua đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Với hạn mức phân bổ tăng trưởng tín dụng lần 1 năm 2023 khoảng 11%, dư địa cho vay của các ngân hàng vẫn còn lớn và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng là nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng để đạt được mức tăng mục tiêu năm 2023 là 14 – 15%.
Nhìn chung, tăng trưởng tín dụng đang chậm, nhưng với hạn mức phân bổ còn nhiều, cùng với mục tiêu đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế… sẽ tạo nên dư địa cho vay lớn. Dù nhanh hay chậm, tín dụng tăng lên trong các tháng cuối năm 2023 đều sẽ giúp gia tăng dòng tiền trong nền kinh tế, trong đó chứng khoán là kênh đầu tư được hưởng lợi.
Lãi suất giảm mạnh, kỳ vọng một phần dòng tiền tiết kiệm sẽ chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán từ nay cho đến cuối năm.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối tháng 12/2022, tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng là 11,82 triệu tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi kỳ hạn 6 tháng đến 1 năm. Với việc lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại giảm dần trong 4 tháng qua, kênh tiết kiệm dần kém sức hấp dẫn, có thể dẫn đến các hoạt động đáo hạn và không gia hạn thêm, qua đó thúc đẩy dòng tiền chảy vào các kênh tài sản như chứng khoán.
Đáng chú ý, nếu khoảng thời gian gửi tiền có lãi suất cao là 2 tháng cuối năm 2022, thì với kỳ hạn 6 tháng đến 1 năm, điểm rơi đáo hạn dòng tiền sẽ bắt đầu diễn ra từ nay cho đến cuối năm 2023. Đây là dòng tiền được đánh giá mạnh mẽ nhất và thực tế nhất nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Do đó, nếu thị trường chứng khoán điều chỉnh trong tháng 7 sau quý II liên tục tăng thì đó sẽ là điều tốt cho thị trường. Các nhịp giảm trong chu kỳ tăng giá này là những nhịp điều chỉnh lành mạnh, giúp nhà đầu tư cơ cấu danh mục, lựa chọn những cổ phiếu chất lượng hơn.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn