Phiên giao dịch chiều 6/3 để lại nhiều điểm nhấn, trong đó đáng chú ý nhất là lực chốt lời mạnh và nghẽn lệnh một lần nữa tái diễn.
Không biết có sự trùng hợp hay điềm báo nào không, trong tối qua, mạng xã hội Facebook bị sập trên toàn cầu, trong đó tại Việt Nam, nhiều người dùng hốt hoảng khi không truy cập vào được tài khoản của mình, thì trong phiên chiều nay, nhiều nhà đầu tư cũng hốt hoảng khi không thể đặt được lệnh mua, bán trên sàn HOSE khi thị trường đang vào lúc gay cấn nhất.
Sự cố phiên chiều nay khiến nhiều nhà đầu tư hồi tưởng lại quãng thời gian sống trong phấp phỏng 3 năm rưỡi về trước khi sàn HOSE liên tục bị nghẽn lệnh trong thời gian dài trước khi được một số công ty trong nước như FPT, Sovico hỗ trợ khắc phục.
Sự cố nghẽn lệnh chiều nay diễn ra trong bối cảnh HOSE và các công ty chứng khoán đang tiến hành test hệ thống công nghệ KRX. Cụ thể, theo thông báo cuối tuần trước của HOSE, từ ngày 4/3 đến ngày 8/3, HOSE sẽ chuyển đổi hệ thống. Các công ty chứng khoán chuẩn bị hệ thống để chuyển đổi theo lịch trình, thực hiện kiểm tra hệ thống và Cutover Test vào ngày 7/3.
Từ ngày 11/3 đến ngày 15/3, các công ty chứng khoán sẽ thử nghiệm việc nhập lệnh giao dịch, đảm bảo hoạt động giao dịch chứng khoán như một ngày giao dịch bình thường.
HOSE lưu ý, ngày đầu tiên trên hệ thống là ngày 4/3. Dữ liệu cho ngày giao dịch đầu tiên là dữ liệu cuối ngày 1/3.
Trở lại với phiên giao dịch hôm nay, trong phiên giao dịch sáng, sau khi được kéo lên sát ngưỡng 1.280 điểm, lực bán chốt lời đã dồn dập được tung vào khiến VN-Index quay đầu giảm điểm, bảng điện tử cũng chìm trong sắc đỏ với thanh khoản tăng mạnh so với các phiên trước đó. Hầu hết các nhóm dẫn dắt đều chịu áp lực chốt lời và quay đầu giảm điểm, chỉ còn một vài mã giữ được sắc xanh, nhưng đà tăng cũng không mạnh.
Bước vào phiên chiều, lực cầu của những nhà đầu tư lỡ nhịp trước đó muốn “lên tàu” giúp thị trường thu hẹp đà giảm. Tuy nhiên, chỉ hơn 30 phút sau, tận dụng lực cầu này, bên nắm giữ hàng đã mạnh tay ra hàng chốt lời, khiến VN-Index gần như lao dốc, xuống ngưỡng 1.255 điểm. Tưởng chừng thị trường sẽ chứng kiến phiên phân phối thì không biết vô tình hay hữu ý, “vị cứu tinh” mang tên… nghẽn lệnh bỗng nhiên xuất hiện, khiến lệnh mua, bán vào thị trường bị chậm lại, theo đó cũng chặn được đà rơi của VN-Index. Nhà đầu tư sau nhịp chậm lại đó cũng đã bình tâm hơn, giúp VN-Index dần trở lại và đóng cửa gần bằng với phiên sáng.
Chốt phiên, VN-Index giảm 7,25 điểm (-0,57%), xuống 1.262,73 điểm với 130 mã tăng, trong khi có 356 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1.062,9 triệu đơn vị, giá trị 24.897,8 tỷ đồng, tăng 5% về khối lượng và 2% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 61 triệu đơn vị, giá trị 1.785,3 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên chiều nay, gần như các nhóm dẫn dắt không có nhiều thay đổi so với khi chốt phiên sáng.
Với nhóm ngân hàng, chỉ còn 3 mã giữ được sắc xanh là LPB, TCB, VCB, trong khi MBB về tham chiếu cùng BID, OCB. Trong đó, TCB đã thay thế LPB trở thành mã tăng tốt nhất nhóm, nhưng cũng chỉ tăng 1,3% lên 42.750 đồng, LPB chỉ còn tăng 1,13% lên 17.850 đồng, còn VCB vẫn sắc xanh nhạt 0,1% lên 95.600 đồng. Trong số mã giảm, số mã trên 1% nhiều hơn 1 mã so với phiên sáng là MSB, ACB, VPB, EIB và sự góp mặt thêm của STB, TPB, trong khi CTG thu hẹp đà giảm xuống dưới 1%; số còn lại giảm nhẹ dưới mức này. Trong nhóm ngân hàng, SHB và MBB là 2 mã có thanh khoản tốt nhất với 32,55 triệu đơn vị và 29,32 triệu đơn vị.
Nhóm chứng khoán ngoài CTS, có thêm AGR đóng cửa với sắc xanh, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Tuy nhiên, số mã giảm trên 3% chỉ có TVS, trong khi 3 mã giảm hơn 3% trong phiên sáng là BSI, VDS và TVB đã thu hẹp hẹp lại, thậm chí BSI chỉ còn giảm dưới 2%. Các mã đáng chú ý có VIX giảm 2,09% xuống 18.700 đồng, VND giảm 2,13% xuống 23.000 đồng, HCM giảm 1,55% xuống 28.550 đồng; SSI giảm 0,8% xuống 37.100 đồng, đều thu hẹp đáng kể so với phiên sáng. Trong đó, mã có thanh khoản tốt nhất nhóm là VND với 31,71 triệu đơn vị, tiếp đến là VIX với 28,5 triệu đơn vị.
Tương tự, nhóm thép ngoài POM và TLH, có thêm SMC đóng cửa trong sắc xanh, trong khi số khác hãm đà giảm. Trong đó, HPG giảm 1,12% xuống 30.800 đồng, HSG giảm 2,34% xuống 22.950 đồng, NKG chỉ còn giảm 0,2% xuống 24.600 đồng. Trong đó, HPG là có thanh khoản tốt nhất với 28 triệu đơn vị.
Trong nhóm bất động sản, HQC sau khi chịu áp lực bán mạnh cuối phiên sáng và có nhiều thời điểm trong phiên chiều, nhưng với mức giá phát hành riêng lẻ cao gấp hơn 2 lần thị giá, nhiều nhà đầu tư vẫn tự tin vào tiền, kéo mã này lên lại mức trần 4.570 đồng khi đóng cửa với thanh khoản cao nhất thị trường 45,9 triệu đơn vị, còn dư mua trần hơn 1,2 triệu đơn vị.
Cũng có sắc tím như HQC là VRC, nhưng cũng như phiên sáng, do không có giao dịch, nên thanh khoản của mã này vẫn gần như đứng yên với chỉ hơn 77.000 đơn vị.
Ngoài 2 mã trên, NBB cũng tăng tốt với 4,13% lên 24.000 đồng sau khi có thông tin CII muốn tăng tỷ lệ nắm giữ, nhưng thanh khoản thấp, chỉ hơn nửa triệu đơn vị.
Trong khi đó, các bluechip trong nhóm đều giảm như VHM, VRE, NVL, DIG, VCG… Trong đó, NVL có thanh khoản tốt với 35,79 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,33% xuống 16.800 đồng. DIG cũng giảm 2,51% xuống 27.150 đồng, khớp 23,78 triệu đơn vị.
Sàn HNX và UPCoM cũng có diễn biến tương tự khi lao mạnh trong khoảng 30 phút, từ 13h30 đến 14h, sau đó bật trở lại, đóng cửa thậm chí cao hơn phiên sáng.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,9 điểm (-0,8%), xuống 235,45 điểm với 63 mã tăng và 115 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 108,1 triệu đơn vị, giá trị 2.222,5 tỷ đồng, tăng 30,7% về khối lượng và 40,8% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,2 triệu đơn vị, giá trị 58,9 tỷ đồng.
Sàn HNX đóng cửa có 9 mã lên mức kịch trần, trong đó đáng chú ý có mã công ty chứng khoán BVS lên 31.900 đồng, khớp 1,94 triệu đơn vị và còn dư mua trần. Các mã khác có thanh khoản thấp, trong đó có nhiều mã chỉ có 1-2 lệnh khớp với lô tối thiểu.
Trong Top 10 mã thanh khoản tốt nhất HNX hôm nay, chỉ duy nhất PVS tăng giá, cùng TIG đứng giá, còn lại đều giảm. Trong đó, thanh khoản lớn nhất là SHS với 21,55 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,2% xuống 17.800 đồng. Tiếp đến là CEO với 16,07 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,22% xuống 22.000 đồng. PVS khớp 11,29 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,54% lên 37.500 đồng.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,54 điểm (-0,59%), xuống 91,24 điểm với 146 mã tăng và 130 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 43,8 triệu đơn vị, giá trị 577,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3 triệu đơn vị, giá trị 70,3 tỷ đồng.
Trên UPCoM, dẫn đầu về thanh khoản vẫn là mã quen thuộc BSR với 6,55 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,51% xuống 19.600 đồng. Tiếp đến là 5 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị, trong đó chỉ có AAS giảm, còn lại VGI và DDV; SBS và ABB đứng tham chiếu.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm mạnh hơn thị trường cơ sở, trong đó hợp đồng đáo hạn tháng 3 giảm 11,7 điểm (-0,92%), xuống 1.266,8 điểm (VN30-Index giảm 9,1 điểm, tương đương -0,71%, xuống 1.271,07 điểm), với 248.155 hợp đồng được chuyển nhượng, tương đương giá trị 31.525 tỷ đồng; khối lượng mở 48.307 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, hôm nay có 5 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị đều do SSI phát hành và đều đóng cửa giảm giá. Trong đó, có 3 mã là chứng quyền của VPB, 1 mã là VHM và 1 là của ACB.
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hôm nay có 4,81 triệu đơn vị được giao dịch, tổng giá trị 8.417,3 tỷ đồng. Trong đó, có giao dịch lớn nhất là RHG12101 của Tập đoàn R&H với 513.136 trái phiếu, giá trị 52,52 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu xét về giá trị thì 2 mã trái phiếu do ACB phát hành có giá trị giao dịch lớn nhất với 2.455,4 tỷ đồng (ACB12301) và 2.041,6 tỷ đồng (ACB12324) với khối lượng lần lượt là 24.500 trái phiếu và 20.000 trái phiếu.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn