Trên thực tế, mức thanh khoản èo uột này đã duy trì trong suốt 1 tuần trở lại đây khi giá trị khớp lệnh liên tục “nhúng” dưới 20.000 tỷ đồng/phiên.
Thanh khoản tụt dốc về mức thấp nhất trong 3 tháng
Nỗ lực kéo trụ bất thành, thị trường chứng khoán khoán lại tiếp tục giao dịch ảm đạm với thanh khoản “mất hút” trong phiên cuối tuần. Giá trị khớp lệnh trên HoSE chỉ đạt chỉ đạt xấp xỉ 12.000 tỷ đồng, giảm 18% so với phiên trước đó và giảm xấp xỉ 45% so với bình quân 20 phiên gần nhất (gần 22.000 tỷ đồng). Thanh khoản tiếp tục “phá đáy” về mức thấp nhất trong gần 3 tháng, kể từ đầu tháng 7/2023.
Trên thực tế, mức thanh khoản èo uột này đã duy trì trong suốt 1 tuần trở lại đây khi giá trị khớp lệnh liên tục “nhúng” dưới 20.000 tỷ đồng/phiên. Thanh khoản liên tục tụt dốc sau khi thị trường ghi nhận những biến động mạnh.
Cú xoay chiều nhanh chóng của VN-Index trong thời gian gần đây khiến nhiều nhà đầu tư mắc kẹt khi cổ phiếu chưa kịp về tài khoản đã chịu thua lỗ. Đặc biệt, sau chuỗi 4 phiên giảm điểm mất gần 100 điểm, tâm lý nhà đầu tư thận trọng trong việc giải ngân là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, bối cảnh vĩ mô vẫn còn nhiều ẩn số khó lường cũng tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Mặc dù NHNN đã có động thái hút thanh khoản để giảm áp lực tỷ giá, song xu hướng tăng của tỷ giá trong thời gian gần đây vẫn khiến giới đầu tư lo ngại.
Mặt khác, nỗi lo Fed tiếp tục tăng lãi suất vào cuối năm gián tiếp kéo lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng lên mức cao. Dự báo lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ có thể vọt lên 5%, dẫn đến khả năng USD chưa thể hạ nhiệt trong một sớm một chiều.
Đặc biệt, sau khi tranh thủ “gom” 1.600 tỷ đồng trong quãng thị trường sụt giảm mạnh, giao dịch khối ngoại lại đảo chiều khi quay đầu bán ròng nghìn tỷ trong hai phiên gần đây. Điều này cũng tác động đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư nội trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ.
Thêm vào đó, sau khi thị trường đi lên bằng kỳ vọng, nhiều nhà đầu tư cũng đang chờ đợi những số liệu thực tế từ kết quả kinh doanh quý 3/2023 chuẩn bị được công bố.
Thấy gì từ tín hiệu dòng tiền hụt hơi?
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch HĐQT FinPeace, thanh khoản suy giảm cho thấy lệnh “bán bằng mọi giá” đã sụt giảm, song để tăng giá cần tín hiệu ở bên phía cầu khi sẵn sàng mua giá cao.
Sau khi thủng đáy, thị trường muốn quay lại đà tăng trước đó sẽ phải tạo một khu vực đáy mới, dù là nhỏ . Mức tối thiểu để thiết lập một đáy mới sẽ bao gồm 5 phiên, với 2 phiên tăng điểm trước, 2 phiên điều chỉnh và 1 phiên “break” – vượt đỉnh cao nhất của 5 phiên này.
“Để dễ hình dung, nó giống như một chữ W. Khi mô hình này hoàn thành, chúng ta có thể tự tin sóng lên mới bắt đầu. Chiếu sang VN-Index hiện tại, thị trường có thể sẽ cần thêm ít nhất 3 phiên, trong đó có 2 phiên điều chỉnh và 1 phiên break”, chuyên gia FinPeace nhận định.
Dù trong ngắn hạn còn nhiều yếu tố bất định, song vẫn có những yếu tố được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến thanh khoản thị trường trong trung hạn. Theo đó, định giá thị trường đã trở về mức cân bằng sau nhịp giảm sâu. Định giá P/E của VN-Index đã giảm từ mức 14,1 lần vào giữa tháng 9 xuống còn xấp xỉ 12,7 lần – thấp hơn mức trung bình 5 năm. Với kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận Q3/2023 sẽ cải thiện, P/E thị trường có thể tiếp tục giảm đi đáng kể.
Trên quan điểm tích cực, Pyn Elite Fund đánh giá thị trường Việt Nam đầy hấp dẫn với mức định giá đang tương đối rẻ. Thậm chí với mức tăng trưởng lợi nhuận được dự đoán cho năm 2024, tỷ lệ P/E sẽ giảm xuống dưới 10 lần. Quỹ ngoại đến từ Phần Lan kỳ vọng chỉ số VN -Index có thể lên ngưỡng là 2.500 điểm vào năm 2025 – 2026 dựa trên mức P/E là 16 lần theo dự báo tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết.
Theo Cafef