Trong ngày đáo hạn phái sinh, một vài cổ phiếu trọng số lớn thay đổi nhanh về giá ở giai đoạn cuối phiên đã khiến các chỉ số chính bị ảnh hưởng là VN-Index và VN30-Index có diễn biến giằng co và giật cục khó lường.
Sau phiên sáng để mất mốc 1.170 điểm, thị trường bước vào phiên chiều đã cố gắng lấy lại mốc này khi bảng điện tử cân bằng hơn. Dù vậy, ảnh hưởng của nhóm bluechip quá lớn, khi chỉ một vài mã lớn “nhảy múa” đã đủ để khiến VN-Index thêm một phiên “giật cục”.
Đáng chú ý hôm nay cũng là phiên đáo hạn hợp đồng tương lai VN30F2307, nên diễn biến VN-Index càng biến động mạnh về cuối phiên.
Theo đó, sau khi hồi phục trở lại mốc 1.170 điểm, chỉ số đã giảm trở lại về lại vùng đáy của phiên sáng, nhưng cũng nhanh chóng có nhịp tăng 7 điểm, vọt lên trên tham chiếu chỉ trong ít phút và tiếp tục trở lại sắc đỏ trước khi bước vào phiên ATC.
Trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa này, lực cầu tích cực ở một số bluechip đã kéo VN-Index hồi phục, nhưng chỉ chớm chạm gần tham chiếu khi đóng cửa. Còn VN30 nới đà đi lên sau khi đã có được sắc xanh trước đó.
Chốt phiên, sàn HOSE có 252 mã tăng và 201 mã giảm, VN-Index giảm 0,17 điểm (-0,01%), xuống 1.172,81 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 796,6 triệu đơn vị, giá trị 16.400,4 tỷ đồng, giảm hơn 11% về khối lượng và 7% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 57 triệu đơn vị, giá trị 959,3 tỷ đồng.
Lực nâng lớn nhất đối với thị trường là HPG, khi nới đà tăng 2,9% lên 28.200 đồng, mức cao nhất ngày, khớp hơn 30,8 triệu đơn vị, cao nhất thị trường. Theo sau là FPT và VPB với mức tăng 2,3% và 1,7% lên lần lượt 80.300 đồng và 21.000 đồng.
Nhích nhẹ còn có VRE, TPB, NVL, HDB, VJC, MWG, khi tăng từ 0,5% đến 1,2% và đáng kể khác là PDR +3,5% lên 19.450 đồng.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VCB ảnh hưởng lớn đến các chỉ số chính, khi có thời điểm vào cuối phiên mất 2,7% và thu hẹp đà giảm khi đóng cửa, còn -1,4% xuống 105.000 đồng. Một cổ phiếu khác cũng có diễn biến tương tự là VHM, khi đã giảm hơn 2% và kết phiên còn -1,4% xuống 57.700 đồng.
Phần còn lại, với STB, MSN và SSI là ba mã giảm mạnh nhất nhóm VN30 khi mất từ 1,4% đến 1,8%. Trong đó, SSI và STB khớp lệnh chỉ đứng sau HPG với 28,8 triệu và 27,2 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, lực cầu tốt hơn, với một số cổ phiếu được kéo lên giá trần, ngoài MHC, BMC, HAR cuối phiên sáng, thì chiều nay có thêm ABS, HTN, HID, VPG cũng chạm giá trần, trong đó, VPG khớp hơn 3,65 triệu đơn vị, ABS khớp hơn 3 triệu đơn vị, HTN khớp 2,47 triệu đơn vị.
Tăng tốt khác đáng kể có một số các cổ phiếu riêng lẻ ở các nhóm vận tải, bất động sản, nông nghiệp, dầu khí, bán lẻ như TMS +6,8% lên 56.600 đồng, HDC +6,7% lên 38.950 đồng, ABT +6,2% lên 31.750 đồng, TEG +5,7% lên 10.400 đồng, TV2 +5,2% lên 36.600 đồng, PSH +4,4% lên 14.300 đồng, DGW +4,2% lên 51.400 đồng, các mã CTI, TDC, GIL, KSB, DXS, DCL tăng từ 2,5% đến gần 4%.
Trái lại, SKG bất ngờ bị bán chốt lời khi đang ở quanh vùng cao nhất trong hơn một năm và không thể bật lên được trong một tháng gần đây, kết phiên này giảm sàn -6,9% xuống 20.100 đồng, khớp hơn 4,46 triệu đơn vị.
Hai cổ phiếu tài chính khác giảm khá mạnh là EIB -3,2% xuống 19.800 đồng, khớp 13,5 triệu đơn vị và ORS -3,2% xuống 15.150 đồng, khớp 3,48 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, nhiều cổ phiếu đảo chiều tăng đã thúc đẩy HNX-Index hồi phục mạnh và lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa.
Chốt phiên, sàn HNX có 99 mã tăng và 68 mã giảm, HNX-Index tăng 1,6 điểm (+0,69%), lên 233,07 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 87 triệu đơn vị, giá trị 1.402 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 10 triệu đơn vị, giá trị 151 tỷ đồng.
Hai cổ phiếu CEO và NDN vẫn là những điểm nhấn chính, với CEO nới rộng đà tăng so với phiên sáng, đóng cửa tuy không trở lại được giá trần nhưng vẫn tăng mạnh 6,5% lên 17.900 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn khi có gần 17 triệu đơn vị.
Còn cổ phiếu NDN bảo toàn sắc tím +9,4% lên 11.600 đồng, khớp lệnh gần 2 triệu đơn vị.
Ở những nơi khác, một số cổ phiếu ngành than vẫn vượt trội đi kèm thanh khoản khá, như TC6 +5,4% lên 9.700 đồng, NBC +6,3% lên 13.600 đồng, THT +8,7% lên 13.700 đồng, khớp từ 0,5 triệu đến 1,5 triệu đơn vị.
Sắc xanh còn tại IDC, TAR, HUT, AMV, LIG, TVD, NRC, TIG, BCC, trong khi SHS, MBS chỉ giảm nhẹ, cùng với đó là PVS, IDJ, APS đứng tham chiếu.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index rơi nhanh về gần tham chiếu ngay khi giao dịch trở lại trong phiên chiều, nhưng cũng đã hồi phục dần và lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,52 điểm (+0,59%), lên 87,65 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 42,5 triệu đơn vị, giá trị 574,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,31 triệu đơn vị, giá trị 46,3 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR hút giao dịch và trở lại là mã thanh khoản cao nhất với 5,49 triệu đơn vị, giá cổ phiếu nhích nhẹ 0,6% lên 18.100 đồng.
Cổ phiếu KVC giữ vững sắc tím +12% lên 2.800 đồng, khớp lệnh chỉ đứng sau BSR với 3,44 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng VN30F2307 đáo hạn hôm nay đã đảo chiều tăng 1 điểm, tương đương +0,09% lên 1.165,1 điểm, khớp lệnh hơn 123.600 đơn vị, khối lượng mở hơn 30.800 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, phiên này mã CFPT2210 giao dịch vượt trội với hơn 3,2 triệu đơn vị khớp lệnh và tăng mạnh 20% lên 600 đồng/cq. Tiếp theo là CVRE2220 với 1,63 triệu đơn vị và đứng tham chiếu tại 330 đồng/cq.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn