VN-Index giảm hơn 15 điểm; Tăng bộ lọc quản trị ngân hàng; Ngân hàng hết thời “hái ra tiền” nhờ bảo hiểm; Doanh nghiệp nhiệt điện “ấm” hơn; IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 31/1 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng 500.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 75,40 – 77,92 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 4,3 USD lên 2.036,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích lên gần 2.050 USD trước khi giảm nhẹ về dưới 2.040 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,50 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 31/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.991 đồng/USD, giảm 32 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.255 – 24.595 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên gần 43.500 USD/BTC thì sang phiên hôm nay đã đi ngang nhưng đã có nhịp giảm về cuối ngày về 42.800 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,84 USD (-1,08%), xuống 76,98 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,90 USD (-1,09%), xuống 81,97 USD/thùng.
VN-Index giảm hơn 15 điểm
Sau ít phút đầu tiên tăng nhẹ, VN-Index đã quay đầu giảm mạnh về gần 1.170 điểm với toàn bộ các nhóm ngành dẫn dắt đều đi xuống, ngoại trừ nhóm công ty chứng khoán.
Sau giờ nghỉ trưa, lực bán mạnh hơn được tung vào, đẩy VN-Index xuống mức thấp hơn về dưới 1.165 điểm, trước khi bật trở lại. Tuy nhiên, bên bán chỉ chờ có vậy để tung hàng, đẩy VN-Index lùi sâu về dưới 1.165 điểm khi đóng cửa với thanh khoản cao nhất gần 3 tuần.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 87,1 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 1.343,37 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 31/1: VN-Index giảm 15,34 điểm (-1,30%), xuống 1.164,31 điểm; HNX-Index giảm 1,49 điểm (-0,64%), xuống 229,18 điểm; UPCoM-Index giảm 0,16 điểm (-0,19%), xuống 87,69 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên thứ Ba (30/1), khi giới đầu tư có phần thận trọng chờ đợi kết quả cuộc họp của Fed.
Sau khi báo cáo của Bộ Lao động cho thấy cơ hội việc làm của Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 12, trọng tâm bây giờ sẽ là cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Fed đang chuẩn bị diễn ra.
Kết thúc phiên 30/1: Chỉ số Dow Jones tăng 133,86 điểm (+0,35%), lên 38.467,31 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,96 điểm (-0,06%), xuống 4.924,97 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 118,15 điểm (-0,76%), xuống 15.509,90 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng và ghi nhận tháng Giêng tốt nhất trong vòng 26 năm qua.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,61% lên 36.286,71 điểm, và tăng 7,77% trong tháng 1, khởi đầu năm tốt nhất kể từ mức tăng gần 9% vào tháng 1/1998.
Nikkei 225 là chỉ số chứng khoán chính hoạt động tốt nhất trên toàn cầu, lu mờ mức tăng 3,3% của S&P 500 và Nasdaq Composite trên Phố Wall.
Chỉ số Nikkei 225 hiện chỉ thấp hơn khoảng 1,9% so với mức đỉnh 34 năm ở mức 36.984,51 điểm vào giữa tháng 1 này, được thúc đẩy bởi sự kết hợp của dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy ra khỏi Trung Quốc, đồng yên yếu thúc và sự phấn khích đối với cải cách quản trị doanh nghiệp.
Chứng khoán Trung Quốc giảm trong ngày giao dịch cuối cùng của tháng 1, sau khi dữ liệu PMI tháng 1 vẫn trong vùng thu hẹp.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,48% xuống 2.788,55 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,91% xuống 3.215,35 điểm.
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc giảm tháng thứ tư liên tiếp trong tháng Giêng này, một cuộc khảo sát chính thức cho thấy.
Chỉ số PMI sản xuất đạt 49,2 điểm trong tháng 1, nhích nhẹ từ 49 điểm trong tháng 12/2023, nhưng vẫn dưới mốc 50 điểm và trong vùng thu hẹp.
Dữ liệu sản xuất “cho thấy rằng áp lực giảm phát vẫn diễn ra tại nền kinh tế trong tháng 1”, các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho biết trong một ghi chú.
Nhiều thành phố của Trung Quốc, bao gồm Tô Châu và Thượng Hải, đã nới lỏng một số các điều kiện mua nhà trong tuần này, một trong những nỗ lực hồi sinh nhu cầu, nhưng cổ phiếu bất động sản vẫn còn rất yếu, đặc biệt sau phán quyết buộc Evergrande phải thanh lý tài sản.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi lo lắng về cuộc khủng hoảng Evergrande và nền kinh tế Trung Quốc đè nặng lên tâm lý trước quyết định chính sách của Fed vào cuối ngày.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,39% xuống 15.485,07 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,54% xuống 5.194,04 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, ảnh hưởng bởi nhóm cổ phiếu chip suy yếu, sau khi Samsung Electronics báo cáo kết quả quý IV.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 1,72 điểm, tương đương 0,07% xuống 2.497,09 điểm.
Trong tháng 1, KOSPI đã giảm khoảng 6%, tháng giảm đầu tiên sau ba tháng liên tiếp tăng trước đó.
Samsung Electronics, báo cáo lợi nhuận quý IV/2023 giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái, dù giá chip nhớ tăng trở lại.
Kết thúc phiên 31/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 220,85 điểm (+0,61%), lên 36.285,71 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 41,98 điểm (-1,48%), xuống 2.788,55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 218,38 điểm (-1,39%), xuống 15.485,07 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 1,72 điểm (-0,07%), xuống 2.497,09 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
– Tăng bộ lọc quản trị ngân hàng
Luật Các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua sẽ tác động như thế nào đến các ngân hàng và cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới?..>> Chi tiết
– Ngân hàng hết thời “hái ra tiền” nhờ bảo hiểm
Năm 2023, thu nhập từ bảo hiểm của nhiều ngân hàng sụt giảm sâu. Việc Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, chính thức cấm ngân hàng bán bảo hiểm “bia kèm lạc” sẽ khiến mảng kinh doanh này khó khăn hơn..>> Chi tiết
– Doanh nghiệp nhiệt điện “ấm” hơn
Lợi nhuận quý IV/2023 cải thiện rõ rệt so với quý trước cũng như cùng kỳ năm trước, giúp hầu hết các doanh nghiệp nhiệt điện về đích kế hoạch năm..>> Chi tiết
– IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Hôm thứ Ba (30/1), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu lên cao hơn với lý do sức mạnh bất ngờ của nền kinh tế Mỹ và các biện pháp hỗ trợ tài chính ở Trung Quốc..>> Chi tiết
Theo tinnhanhchungkhoan.vn