Trong tháng 8/2023, sản lượng bán hàng thép xây dựng của Hòa Phát đạt 306.000 tấn, mức cao nhất từ đầu năm, một phần nguyên nhân là nhờ sản lượng xuất khẩu tăng gấp 3,5 lần tháng 7/2023.
Tiêu thụ thép xây dựng tăng nhưng thép cuộn cán nóng giảm
Trong báo cáo tình hình kinh doanh tháng 8/2023 vừa công bố, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) cho biết, tháng 8, tập đoàn đã sản xuất 686.000 tấn thép thô, tăng 8% so với tháng trước và 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép, thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 558.000 tấn, tương đương tháng 7. Trong đó, thép xây dựng Hòa Phát ghi nhận 306.000 tấn, cao nhất từ đầu năm và tăng 18% so với tháng trước.
Theo Hòa Phát, trong tháng vừa qua, thép xây dựng đạt cao một phần nhờ sản lượng xuất khẩu với 98.000 tấn, gấp 3,5 lần tháng 7/2023 và cao nhất trong vòng một năm trở lại đây.
Trong khi đó, sản lượng bán hàng thép HRC của Hòa Phát lại giảm 17% so với tháng trước, đạt 241.000 tấn. Tính riêng thị trường trong nước, tiêu thụ HRC của Hòa Phát tăng 16% so với tháng 7.
Cũng trong tháng 8, Hòa Phát đã bán ra thị trường 40.000 tấn ống thép và gần 12.000 tấn tôn mạ các loại, giảm lần lượt 45% và 63% so với tháng trước đó.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận 4,18 triệu tấn thép thô, giảm 25% so với cùng kỳ 2022. Bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, phôi thép, HRC đạt hơn 4 triệu tấn, giảm 22% so với cùng kỳ.
Trong đó, thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao phục vụ cơ khí chế tạo (rút dây, làm đinh ốc vít, tanh lốp ô tô, thép dự ứng lực,…) đạt 2,2 triệu tấn, giảm 29% so với 8 tháng đầu năm 2022. Qua 8 tháng, thép cuộn cán nóng của Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường hơn 1,7 triệu tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.
Các sản phẩm hạ nguồn HRC như ống thép, tôn mạ đạt lần lượt 439.000 tấn và 219.000 tấn giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Động lực chính vẫn từ hoạt động xuất khẩu
Với sự phục hồi sản lượng liên tục những tháng qua, trong một báo cáo gần đây, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng triển vọng thời gian tới của Hòa Phát khá lạc quan.
Cơ sở của nhận định trên là bởi Hòa Phát có thể được hưởng lợi từ các chính sách của Chính phủ, bao gồm giảm lãi suất, đẩy mạnh đầu tư công và đặc biệt là nỗ lực gỡ khó cho thị trường bất động sản. VNDirect kỳ vọng nguồn cung bất động sản sẽ hồi phục trong những quý tới trước khi sôi động trở lại kể từ nửa cuối năm 2024, qua đó thúc đẩy nhu cầu thép.
Cùng với đó, VNDirect đánh giá trong ngắn hạn, các thị trường xuất khẩu sẽ hỗ trợ sản lượng tiêu thụ thép của Hòa Phát. Theo đó, hoạt động xuất khẩu vẫn sẽ là động lực quan trọng cho sản lượng tiêu thụ thép của Hòa Phát trong nửa cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 trước khi thị trường bất động sản nội địa dần ấm trở lại. Châu Âu và ASEAN tiếp tục là các thị trường xuất khẩu chính của công ty.
Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu tại Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giảm trong nửa cuối năm 2023, từ đó giảm áp lực cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu thép Việt Nam, trong đó có Hòa Phát.
Đồng thời, giá nguyên liệu đầu vào nhiều khả năng sẽ giảm trong nửa cuối năm 2023 khi Trung Quốc cắt giảm sản lượng và Australia-Brazil tăng sản lượng khai thác cũng sẽ là trợ lực cho Hòa Phát.
Để chuẩn bị cho sự phục hồi, kể từ đầu năm Hòa Phát đã lần lượt khởi động lại các lò cao, theo nhu cầu thép của thị trường. Ngày 10/7/2023, Hòa Phát đã chính thức mở lại lò cao cuối cùng tại khu liên hợp Dung Quất, đồng nghĩa việc toàn bộ 7 lò cao của công ty đều đang vận hành.
Theo tính toán của VNDirect, sản lượng thép thô của HPG trong tháng 7/2023 đã tăng lên mức 633.000 tấn, tương đương hiệu suất vận hành 88,9%. Sang tháng 8, sản lượng thép thô tiếp tục tăng lên 686.000 tấn.
VNDirect tin rằng, với hơn 30 năm kinh nghiệm làm thép, ban lãnh đạo Hòa Phát đã nhận thấy việc lực cầu của thị trường hồi phục và quyết định mở lại toàn bộ lò cao.
Theo kế hoạch, Hòa Phát sẽ tạm thời dừng 1/3 lò cao tại khu liên hợp Hải Dương trong tháng 9/2023, nhằm phục vụ hoạt động bào trì/nâng cấp nhà máy. Giai đoạn này dự kiến sẽ kéo dài 3 tháng và giúp nâng công suất thiết kế của lò cao tăng lên 920.000 tấn thép thô/năm (từ mức 800.000 tấn/năm trước đó). Sau khi nâng cấp, tổng công suất sản xuất thép thô của Hòa Phát sẽ tăng lên 8,62 triệu tấn, tương đương tăng 1,4% so với mức 8,5 triệu tấn hiện tại.
Dù có những yếu tố hỗ trợ, song cho cả năm 2023, VNDirect vẫn hạ dự phóng doanh thu của Hòa Phát xuống 136.850 tỷ đồng, giảm 11,2% so với dự phóng trước đó và lợi nhuận ròng cũng giảm 27,2% còn 7.544 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu là do hạ dự phóng giá bán thép xây dựng trung bình trong năm 2023 xuống mức 15,3 triệu đồng/tấn, giảm 4% so với dự phóng trước đó phản ánh đà giảm gần đây của thị trường; cũng như tăng dự phóng chi phí lãi vay thêm 12,9% so với dự phóng trước đó, lên 3.429 tỷ đồng.
Theo Cafef