Chi 5 tỷ USD nhập khẩu xăng dầu, tăng mạnh trước ngày bảo dưỡng Lọc dầu Nghi Sơn
Vietstock – Chi 5 tỷ USD nhập khẩu xăng dầu, tăng mạnh trước ngày bảo dưỡng Lọc dầu Nghi Sơn
Lượng nhập khẩu xăng dầu tăng mạnh những tháng gần đây để chuẩn bị cho việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng từ ngày 25/8.
Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 7, Việt Nam nhập 1,05 triệu tấn xăng dầu các loại, trị giá 790 triệu USD. Lũy kế 7 tháng, các doanh nghiệp đã nhập khẩu tổng cộng 6,26 triệu tấn, trị giá 4,95 tỷ USD, tăng 61% so với cùng kỳ 2022.
Các thị trường mà Việt Nam tăng nhập khẩu xăng dầu là Hàn Quốc, Singapore và Malaysia.
Lượng nhập khẩu xăng dầu tăng trong những tháng gần đây là để chuẩn bị cho việc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) thông báo Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ tạm dừng sản xuất 55 ngày, kể từ ngày 25/8, để lần đầu bảo dưỡng sau gần 5 năm.
7 tháng, các doanh nghiệp đã nhập khẩu tổng cộng 6,26 triệu tấn xăng dầu, trị giá 4,95 tỷ USD. |
Lãnh đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cho biết: NSRP đã thông báo kế hoạch bảo dưỡng này từ đầu năm. Để bù lại sản lượng thiếu hụt từ lọc dầu Nghi Sơn, chỉ còn cách là nhập khẩu.
“Việc nhà máy phải bảo dưỡng không có gì là đột xuất hay bất ngờ nên chúng tôi đã có kế hoạch nhập khẩu. Việc nhập xăng dầu hiện nay chủ yếu từ Singapore. Đây là việc hết sức bình thường”, vị này chia sẻ.
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có vốn đầu tư 9 tỷ USD nằm trong Khu kinh tế mở Nghi Sơn (Thanh Hóa) có công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô một ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm.
Hàng năm, lượng xăng dầu từ Nhà máy Nghi Sơn chiếm từ 35-40% lượng xăng dầu cung cấp cho thị trường trong nước.
Nhà máy này do 4 liên doanh trong nước, quốc tế góp vốn, gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản). Lọc dầu Nghi Sơn vận hành thương mại từ cuối năm 2018.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 57,07 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 30,07 tỷ USD, tăng 2,1% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 27 tỷ USD, tăng 2,4%. Tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 7 tháng năm 2023 đạt 374,36 tỷ USD, giảm 13,8% (tương ứng giảm 60,14 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước; trong đó tổng trị giá xuất khẩu đạt 195,42 tỷ USD, giảm 10,3% (tương ứng giảm 22,5 tỷ USD) và tổng trị giá nhập khẩu đạt 178,94 tỷ USD, giảm 17,4% (tương ứng giảm 37,64 tỷ USD). Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7 năm 2023 thặng dư 3,07 tỷ USD. Qua đó, nâng mức thặng dư lũy kế trong 7 tháng năm 2023 lên 16,48 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số thặng dư 1,34 tỷ USD của cùng kỳ năm trước. Đáng lo ngại là, số thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu từ 1-31/7 đạt 26.235 tỷ đồng, giảm 14,6% so với tháng trước. Lũy kế từ 1/1-31/7, số thu NSNN đạt 211.230 tỷ đồng, bằng 49,7% dự toán, giảm tới 19,6% (tương đương giảm 51.423 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước. |
Lương Bằng
Theo investing.com