Theo Dong Nghi
Hocviendautu.edu.vn – Ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với đường mía Thái Lan 47,64%, trong đó thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%.
Đến tháng 8/2022, Bộ Công Thương bắt đầu điều tra rà soát vụ việc trên cơ sở đề nghị của của các công ty sản xuất, xuất khẩu Thái Lan nộp vào tháng 6/2022.
Bộ Công Thương khẳng định, trong quá trình điều tra vụ việc đã thực hiện theo đúng quy định liên quan của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại.
Ngày 3/8/2023, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1989/QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Theo đó, kết luận điều tra cho thấy có sự thay đổi về mức độ bán phá giá và trợ cấp được nhận của một số nhà sản xuất/xuất khẩu từ Thái Lan đề nghị rà soát. Cụ thể, có 4 doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đường mía Thái Lan thông qua 2 doanh nghiệp thương mại được giảm xuống mức thuế 32,75%, bao gồm thuế chống bán phá giá 32,75% và thuế chống trợ cấp 0%. 5 doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đường mía Thái Lan thông qua 1 doanh nghiệp thương mại khác được giảm thuế còn 30,38%, bao gồm thuế chống bán phá giá 25,73% và thuế chống trợ cấp giữ nguyên là 4,65%.
Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đường mía khác của Thái Lan vẫn chịu mức thuế 47,64% như Quyết định của Bộ Công Thương năm 2021.
Theo investing.com