“Cũng như đại đa số doanh nghiệp bất động sản, PDR đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những chấn động dữ dội ấy. Diễn biến chóng vánh và phức tạp của thị trường chung đã đặt doanh nghiệp trước nhiều bài toán mới, rất nan giải và gấp rút”, Chủ tịch Phát Đạt chia sẻ.
PDR:
Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp
CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã: PDR) vừa công bố báo cáo thường niên năm 2022. Tại báo cáo, Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt chia sẻ: “Hầu hết chúng ta đều vừa trải qua khoảng thời gian đầy áp lực. Có thể nói, ngành bất động sản Việt Nam đã rơi vào bối cảnh thách thức nhất trong hơn một thập kỷ qua. Chưa kể suốt 2 năm trước đó, nền kinh tế – xã hội nói chung đã liên tiếp bị đình trệ dưới những tác động mang tính lịch sử của đại dịch Covid-19”.
Chủ tịch Phát Đạt nhấn mạnh, cũng như đại đa số doanh nghiệp bất động sản, PDR đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những chấn động dữ dội ấy. Diễn biến chóng vánh và phức tạp của thị trường chung đã đặt doanh nghiệp trước nhiều bài toán mới, rất nan giải và gấp rút. Những kịch bản ứng phó rủi ro hay kế hoạch dự phòng đã được xây dựng trước đó đều gần như bị vô hiệu hóa. Để trụ vững trước vòng xoáy khốc liệt, doanh nghiệp bắt buộc phải tìm kiếm những giải pháp hoàn toàn mới với những nỗ lực phi thường.
Vị Chủ tịch cho biết: “Trước quý IV/2022, hoạt động kinh doanh của PDR diễn ra rất suôn sẻ với nhiều triển vọng và mục tiêu vượt trội. Khi thị trường thay đổi nhanh chóng, nhiều thách thức khách quan xảy đến đột ngột, PDR bị đặt trước một khúc quanh đầy khó khăn trên hành trình tăng tốc. Tuy nhiên, là một doanh nghiệp đã trải nghiệm nhiều bài học thương trường trước đó, chúng tôi hiểu rằng biến động là một phần tất yếu của môi trường kinh doanh. Doanh nghiệp, dù có chuẩn bị kỹ càng và dày dạn kinh nghiệm đến đâu, cũng phải luôn đối diện với nhiều biến số ngoài phạm vi kiểm soát và quản lý”.
Kết thúc năm 2022, PDR ghi nhận mức tổng doanh thu 2.879 tỷ đồng, LNTT và LNST lần lượt đạt 1.482 tỷ đồng và 1.161 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng từ 20.552 tỷ đồng lên 22.843 tỷ đồng (tăng 11,15%), vốn chủ sở hữu tăng từ 8.145 tỷ đồng lên 9.261 tỷ đồng (tăng 13,7%).
Đến cuối quý IV, PDR đã liên tục mua lại nhiều lô trái phiếu trước thời hạn và tất toán các khoản vay đến hạn. Sau các đợt tất toán trái phiếu và khoản vay này, tnh đến ngày 31/12/2022, tổng nợ vay còn lại của PDR về mức khoảng 4.440 tỷ đồng (so với khoảng 5.265 tỷ đồng vào cuối quý III), trong đó có khoảng 2.510 tỷ đồng là trái phiếu.
Theo kế hoạch 2023, Phát Đạt sẽ triển khai hơn 13.000 sản phẩm tại các thị trường đang có nhu cầu lớn như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định và Đà Nẵng… Các dự án này kỳ vọng đạt doanh thu hơn 30.000 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Phát Đạt, trong bối cảnh thị trường vô cùng chật vật như đã và đang có, PDR hay bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều không thể có lựa chọn toàn diện. Chắc chắn sẽ phải có những đánh đổi, trì hoãn, thậm chí là mất mát. Tuy nhiên, PDR cũng nỗ lực cao nhất, cân nhắc thấu đáo nhất để đảm bảo nhiệm vụ ưu tên là vượt qua thách thức lớn trước mắt. Đó cũng là cách tối ưu để bảo vệ cơ hội hướng tới tương lai mới cho Công ty và tất cả các bên có liên quan.
Tính đến hiện tại, Phát Đạt chưa công bố các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh 2023 cụ thể. Về kết quả kinh doanh quý 1/2023, doanh nghiệp đạt hơn 192 tỷ đồng doanh thu thuần. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu chuyển nhượng đất giảm gần 70% xuống còn gần 189 tỷ đồng.
Sau khi trừ giá vốn và chi phí, Phát Đạt lãi ròng vỏn vẹn 22,4 tỷ đồng trong quý đầu năm, chưa bằng 1/10 con số lợi nhuận 279 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, kết quả này cũng đã khả quan hơn nhiều so với khoản lỗ hơn 229 tỷ đồng quý 4 trước đó.
Theo Cafef