Nhiều môi giới bất động sản dẫn khách vào xem nhà nhưng khi khách trả giá, chủ nhà liền giận tím mặt, môi giới thì “phát ngại” vì mức giá đưa ra quá thấp.
Theo ông Phan Vi, một môi giới nhà phố, việc trả giá là quyền và sự tự do của người mua. Họ có các cách đàm phán khác nhau trước khi “xuống tiền” mua một căn nhà hay mảnh đất. Thông thường, chủ nhà muốn bán được giá, còn bên khách muốn mua rẻ. Mỗi bên đưa ra lý do quan điểm để thuyết phục đối phương về giá.
Thế nhưng, không có gì đáng nói khi nhiều trường hợp khách mua đến gặp chủ nhà trả giá “cho vui”. Họ đi về trong sự tức tối của chủ nhà. Hạ giá căn nhà quá thấp khiến không ít chủ nhà giận tím mặt và mời khách ra về.
Ông Phan Vi cho rằng, hiện nay khách mua nhà ở thực “ép” và trả giá bên bán còn mạnh hơn cả lái buôn đi mua nhà đất. Gần như điều này diễn ra ở tất cả các quận, huyện của Tp.HCM. Trong đó, điển hình là Q.Gò Vấp – là thị trường nhà đất sôi động nhất Tp.HCM.
Thực tế, hiện nay 10 khách đi mua nhà đất Q.Gò Vấp thì có đến 7 khách là trả giá rất thấp. Thậm chí, nhiều người miêu tả việc khách trả giá khi mua nhà như “trả bỏ” (được hiểu như trả rồi đi luôn). Trả giá căn nhà thấp hơn 50% giá trị chủ nhà muốn thu vào là “quá tay” nhưng không ít trường hợp còn ép giá thấp hơn mức này.
“Là một môi giới, có trường hợp khách trả giá, tôi thực sự rất sốc, muốn trốn luôn. Thậm chí, có trường hợp khách trả giá xong, chủ nhà đổi sắc mặt, liền mời khách về. Họ cho rằng, căn nhà giá trị hàng tỉ đến hàng chục tỉ đồng mà người mua trả giá như “mua rau ngoài chợ”. Rất nhiều chủ nhà dành những lời khó chịu với khách mua khi căn nhà họ gắn bó từ lâu, tự tay xây dựng nhưng khi rao bán lại bị xem như trò đùa. Giá bán và giá trả chênh lệch nhau quá nhiều”, ông Vi cho hay.
Trường hợp căn nhà tại Q.1, Tp.HCM diễn ra tương tự. Một chủ nhà cần tiền nên rao bán căn nhà giá 11.5 tỉ đồng, giá này đã thấp hơn 2 tỉ so với giá chung thị trường. Môi giới vào tư vấn cho khách, nếu thiện chí mua thì chủ nhà sẽ chốt 11 tỉ đồng. Thế nhưng, khách mua trả giá 8 tỉ đồng cho căn nhà này. Không một lời nói, chủ nhà đứng dậy ra về bỏ lại khách và môi giới. Sau đó 3 ngày, khách của môi giới khác chốt giá 11,2 tỉ đồng cho căn nhà này. Khách trả giá 8 tỉ đồng tỏ ra tiếc nuối.
Được biết, căn nhà này đang kinh doanh căn hộ dịch vụ, thu nhập 35 triệu đồng/tháng. Dù chủ nhà đã không hét giá cao vì cần tiền gấp nhưng khách mua vẫn cố ép giá.
Ở vai trò môi giới, ông Phan Vi cho rằng, có rất nhiều người mua thích trả giá theo kiểu “bất chấp”, mua được thì mua không mua được thì thôi. Thế nhưng, về phía người bán họ sẽ không bán tài sản bằng mọi giá.
“Những trường hợp kẹt tài chính thường nhà đất thế chấp ngân hàng. Họ có thể xoay sở được thay vì bán quá rẻ sản phẩm sở hữu. Các trường hợp kẹt quá, không có khả năng trả ngân hàng thì tài sản sẽ bị phát mãi chứ không còn cơ hội tự mình đi rao bán. Vì thế, người mua không nên nghĩ theo hướng vì chủ nhà kẹt mà ép bằng mọi giá ”, ông Vi cho hay.
Khi được hỏi, vì sao có hiện tượng trả giá sâu như vậy, ông Phan Vi cho rằng, một phần nguồn cung khá nhiều. Người mua nhà có nhiều sự lựa chọn. Gần như căn nào khách cũng trả giá rất thấp, ngay cả những căn họ rất ưng ý. Chủ nhà thường kì vọng giá tốt hơn. Còn người mua trong tình trạng ép giá.
Tại thị trường quận Gò Vấp, Tp.HCM mỗi năm có hàng trăm ngôi nhà mới được xây dựng hoặc tân trang rồi bán ra. Các sản phẩm có giá đa dạng. Tuy nhiên, do tình trạng trả giá, nhiều chủ nhà đã nâng giá cao so với giá thị trường rồi giảm từ từ khi khách trả giá nhằm kích cầu. Điều này khiến rất khó có giao dịch diễn ra.
Cùng với đó, việc trả giá cũng hình thành thói quen xấu cho môi giới là “chuyên đi làm giá” cho khách mua. Câu cửa miệng “để em làm giá tốt cho” và luôn nghĩ giá chủ nhà rao là giá còn bớt. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào chủ nhà cũng hét giá để bán.
Ngoài ra, chuyện “ép giá” từ khách mua cũng “tiếp tay” cho nhiều môi giới tự “ kê, nâng” thêm giá. Sự cạnh tranh về giá bán, giữa các môi giới với nhau đã tạo nên những rào cản nhất định về giao dịch trên thị trường. Cái khó của chủ nhà là nếu để giá thấp quá khách trả thấp, còn để giá cao quá lại khó bán. Vì thế, quan trọng nhất vẫn là sự thiện chí giữa bên bán và bên mua, “thuận mua vừa bán”.
Theo Cafef