Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ngãi cho biết địa phương có 360 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư hơn 42.000 tỷ đồng. Tuy nhiên có tới 158 dự án chưa hoạt động, trong đó 68 dự án đã hết tiến độ…
Cần mạnh tay với “hàng tồn”
Theo Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh vừa có cuộc làm việc với đại diện các sở ban ngành để nghe và cho ý kiến chỉ đạo những vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh này.
Báo cáo với Chủ tịch, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Quảng Ngãi cho hay, trên địa bàn tỉnh hiện có 360 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 42.000 tỷ đồng, trong đó có 202 dự án đã hoạt động, và 158 dự án chưa hoạt động.
Đơn vị này cũng cho hay, trong 158 dự án chưa hoạt động thì chỉ có 72 dự án còn tiến độ, các nhà đầu tư đang triển khai thực hiện; còn lại 68 dự án hết tiến độ, trong đó có 12 dự án đã giao đất và 56 dự án chưa được giao đất.
Thời gian qua, thực hiện chủ trương của tỉnh, Sở KH&ĐT Quảng Ngãi đã tiến hành rà soát và tham mưu UBND tỉnh chấm dứt hiệu lực pháp lý chủ trương đầu tư 38 dự án thực hiện không đúng tiến độ. Trong đó, 12 dự án được chấm dứt trong năm 2021; 15 dự án năm 2022; 11 dự án trong 4 tháng đầu năm 2023…
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 175/UBND-KTN yêu cầu báo cáo, đề xuất xử lý các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách.
Tại công văn này, Chủ tịch tỉnh giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan khẩn trương rà soát các nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh liên quan đến các dự án đầu tư trong nước sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh, không bao gồm các dự án trên địa bàn Khu kinh tế, Khu công nghiệp và dự án bất động sản. Từ đó, đề xuất UBND tỉnh xem xét chỉ đạo thực hiện đối với từng dự án cụ thể.
Sau khi rà soát, Sở này cũng cho rằng nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn xảy ra trong quá trình cấp chủ trương dự án trước đây;
Một số dự án đánh giá có thể thu hồi đất để cho nhà đầu tư thuê đất thực hiện nhưng quá trình triển khai thủ tục đất đai gặp vướng mắc, chưa tháo gỡ.
Bên cạnh đó, nhóm dự án đầu tư lĩnh vực nông nghiệp hiện nay không thể tiếp cận đất đai vì phần lớn diện tích đất do nhà nước quản lý và pháp luật về đất đai chưa hướng dẫn quy trình thu hồi đất nông nghiệp để cho nhà đầu tư thuê, thực hiện dự án nông nghiệp.
Ngoài ra, một số nhà đầu tư triển khai dự án không đúng tiến độ, chây ì. Pháp luật về đầu tư quy định việc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư còn chưa cụ thể…
Lập tổ kiểm tra “gỡ vướng” dự án chậm tiến độ
Theo chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh UBND tỉnh Quảng Ngãi, địa phương này thống nhất tiếp tục giải quyết các nội dung vướng mắc đối với các dự án theo tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, phù hợp với phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
UBND tỉnh thống nhất với việc phân loại theo nhóm các dự án đầu tư ngoài ngân sách và kiến nghị xử lý các dự án theo đề xuất của Sở KH&ĐT. Trong đó, UBND tỉnh nhấn mạnh về các dự án còn hiệu lực nhưng chưa kịp triển khai cần phải có sự vào cuộc quyết liệt và đồng hành “gỡ rối” đối với doanh nghiệp để dự án được triển khai đúng tiến độ.
UBND tỉnh cũng yêu cầu dứt điểm đối với các dự án về nông nghiệp không còn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất như 4 dự án xung quanh tuyến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh. Những dự án này không còn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, UBND tỉnh chỉ đạo Sở KH&ĐT thông báo cho nhà đầu tư kết thúc dự án và đề xuất hướng xử lý phù hợp theo quy định.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, những kiến nghị trước mắt từ đại diện Sở KH&ĐT là chưa có hướng giải quyết cụ thể; yêu cầu thành lập tổ kiểm tra, rà soát các dự án do Sở KH&ĐT làm tổ trưởng, phối hợp với các sở ngành, địa phương có liên quan tổ chức, thực hiện trong thời gian đến.
Tổ này có nhiệm vụ phải đề xuất cụ thể hướng giải quyết đối với từng dự án và giải pháp triển khai từ các đơn vị liên quan.
Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương trong quá trình giải quyết vướng mắc các dự án, cần lấy pháp luật làm căn cứ, cơ sở; linh hoạt xử lý theo hướng hài hòa, tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhất là đối với các dự án đã được UBND tỉnh cấp quyết định, cho chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở ban ngành rà soát, đối với các dự án không đồng bộ với quy hoạch của tỉnh, các đơn vị cần phối hợp, làm việc lại với doanh nghiệp để tự nguyện chấm dứt dự án, hủy các chủ trương đầu tư đã cấp hoặc đưa vào quy hoạch mới, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư phù hợp theo quy hoạch.
Hưng Thịnh, Novaland, DIC Corp… lần lượt được “giải cứu” một loạt dự án
Theo Cafef