Liên quan đến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu với các vấn đề thực tiễn chứng minh là cần thiết, phù hợp nhưng vướng quy định của luật hoặc các vấn đề đã làm sai luật nhưng không thể khắc phục thì tổng hợp, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền nguyên tắc giải quyết, không hợp thức hóa các sai phạm.
Kiểm tra các dự án bất động sản một số tỉnh xong trước 20/04
Tại Thông báo số 133, kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản, Phó Thủ tướng đánh giá cao Tổ công tác, Bộ Xây dựng đã thực hiện khẩn trương, nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc kiểm tra, rà soát từng vấn đề vướng mắc ở 05 thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 500 dự án bất động sản; tiếp nhận, tổng hợp các vướng mắc của các doanh nghiệp, các hiệp hội gửi trực tiếp đến Tổ công tác. Bước đầu đã có hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp giải quyết, tháo gỡ theo thẩm quyền.
Theo thông báo kết luận, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng trong “hệ sinh thái” kinh tế: Công nghiệp, dịch vụ, du lịch, lưu trú, sản xuất vật liệu, tài chính, ngân hàng,… tác động đến chuỗi sản xuất như vật liệu, sắt thép, đồ gia dụng, thị trường vốn, tín dụng, thị trường lao động, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác cùng các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung quyết liệt triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 33 ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 178 ngày 27/3/2023.
Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác tập trung hoàn thành công tác kiểm tra tại tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận,…địa bàn có nhiều kiến nghị của doanh nghiệp, dự án như Novaland, Khu đô thị sinh thái Đại Phước, Khu đô thị du lịch Long Tân,…yêu cầu hoàn thành trước 20/4/2023.
Không hợp thức hóa các sai phạm
Trên cơ sở kết quả rà soát, tổng hợp các vướng mắc qua báo cáo của các địa phương, kiểm tra tại các dự án, từ kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp gửi trực tiếp về Tổ công tác, Phó Thủ tướng giao các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính phân nhóm theo nguyên tắc.
Cụ thể, đối với nhóm các vướng mắc đã có quy định của pháp luật nhưng do khâu thực thi tại địa phương, yêu cầu các Bộ có văn bản hướng dẫn cụ thể trước 25/4/2023 để các địa phương triển khai thực hiện.
Đối với nhóm các vướng mắc do các quy định của pháp luật cần chỉ rõ các điều, khoản của Thông tư, Nghị định và các Luật.
Theo đó, đối với các vướng mắc có nguyên nhân từ các quy định tại Thông tư, các Bộ chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp để sửa đổi, bổ sung theo trình tự, thủ tục rút gọn để ban hành trong tháng 4 năm 2023.
Đối với các vướng mắc do mẫu thuẫn giữa các quy định hoặc quy định còn chưa cụ thể hoặc chưa có hướng dẫn trong các nghị định thì báo cáo, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung theo hình thức một Nghị định sửa đổi, bổ sung nhiều Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đối với các vướng mắc có liên quan đến các Luật, các vấn đề, nội dung mâu thuẫn mâu thuẫn giữa các luật: Đối với các nội dung đã được sửa đổi, bổ sung trong các Luật đang chuẩn bị trình Quốc hội xem xét như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) thì đề xuất Quốc hội cho phép thi hành sau 45 ngày kể từ ngày được Quốc hội thông qua; các vướng mắc chưa sửa đổi được ngay trong các Luật đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để giải quyết.
Đối với các vấn đề thực tiễn chứng minh là cần thiết, phù hợp nhưng vướng quy định của luật hoặc các vấn đề đã làm sai luật nhưng không thể khắc phục thì tổng hợp, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền nguyên tắc giải quyết, không hợp thức hóa các sai phạm.
Hơn 1.000 dự án bất động sản cần rà soát thủ tục pháp lý theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng
Theo Cafef