Thông tin Hà Nội cho phép tách thửa trở lại liệu có phải là tín cực để thị trường bất động sản đất nền ven đô thoát “đáy” sau hơn 1 năm trầm lắng kéo dài.
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội đã có văn bản 2869/STNMT-ĐKTKĐĐ về việc bãi bỏ văn bản 1685 có nội dung đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất, thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.
Như vậy đã hơn một năm, ngày 22/3/2022 Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất, thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở. Công văn này được phát ra trong bối cảnh tình trạng giá đất tăng đột biến ở một số huyện vùng ven.
Thời điểm hơn 1 năm trước, chính sách tạm dừng phân lô tách thửa đã góp phần đẩy thị trường bất động sản vùng ven vào giai đoạn trầm lắng. Cộng với động thái liên quan đến room tín dụng, lãi suất cao càng khiến thị trường đất nền vùng ven rơi vào trạng thái “ngủ đông”.
Khảo sát thực tế cho thấy, thị trường đất nền Hà Nội xuất hiện tình trạng giảm giá, lượng giao dịch sụt giảm mạnh, đặc biệt giai đoạn gần đây. Giá đất giảm trung bình từ 5-10 triệu đồng/m2.
Đơn cử như ở Đông Anh, nơi từng sốt đất và tăng chóng mặt, hiện gia đất đã giảm từ 15-25%. Một lô đất nền ở Nguyên Khê được chủ đất chào bán giá khoảng 42-47 tiệu đồng/m2 thì đến hiện tại, giá hạ còn 38-43 triệu đồng. Đáng chú ý có chủ đất từng chào giảm 10 giá, từ 40 triệu đồng/m2 xuống còn 30 triệu đồng/m2.
Tại khu vực Sóc Sơn, giá đất nền cũng giảm mạnh. Vào thời điểm tháng 10/2022, lô đất tại xã Quang Tiến (Sóc Sơn) từng được chào bán với giá 16 triệu đồng/m2. Đến tháng 3/2023, chủ đất hạ giá giảm còn 12,5 triệu đồng/m2. Các lô đất nằm vị trí trong ngõ, diện tích từ 70-90m2, ô tô có thể đi vào đều được chủ đất chào giảm từ 200-400 triệu đồng/ lô.
Tương tự như ở khu vực Cổ Loa, giá các lô đất trong ngõ từng được rao bán với giá 22-25 triệu đồng/m2, hiện tại hạ từ 18-20 triệu đồng/m2. Thời kỳ đỉnh sốt, lô đất nằm ở vị trí kinh doanh tốt có thể bán với giá 37-42 triệu đồng/m2, thì nay giảm còn 35-40 triệu đồng/m2.
Tại khu vực Hoài Đức, giá đất trong ngõ nhỏ cũng từng được chào ở ngưỡng 40-50 triệu đồng thì hiện tại một số chủ đất giảm từ 10-20%. Thậm chí một số chủ đất còn hạ nhiệt giảm giá 30%.
Tại Gia Lâm Đất, đất nền Đặng Xá, Kiêu Kỵ, Dương Xá cũng hạ nhiệt nhẹ. Một số lô đất từng ược chào bán ở khoảng giá 45-55 triệu đồng/m2 thời điểm sau Tết hiện tại, chủ đất giảm từ 2-3 triệu đồng/m2.
Môi giới Minh Ngọc (Hà Nội) cho biết, giá đất hạ nhiệt do lãi suất tăng cao, tình hình kinh tế dự báo khó khăn khiến người mua chần chừ. Môi giới này cho biết, một số nhà đầu tư còn mắc kẹt với lô đất lớn, đặc biệt khu vực vùng ven như Đông Anh, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Vì, Thạch Thất. Những lô đất to, giá trị cao khó thanh khoản là trở ngại khiến nhà đầu tư phải chấp nhận chôn vốn.
“Trước đó, chính sách tạm dừng tách thửa của Hà Nội khiến nhiều nhà đầu tư đột ngột rơi vào cảnh vỡ kế hoạch kinh doanh. Một số nhà đầu tư huy động vốn từ người thân, bạn bè, đối tác để mua lô đất to, dự tính chia tách để bán, đã rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Với thông tin Hà Nội cho tách thửa trở lại, thanh khoản của sản phẩm địa ốc phân lô có thể tăng”, chị Ngọc nói.
Ông Vũ Trường Thắng, Tổng giám đốc Winhousing nhận định, trước đây nhiều nhà đầu tư mua đất với diện tích lớn vì gặp phải quy định dừng phân lô tách thửa nên khó thanh khoản bởi tổng tiền lớn, nay có thể chia tách ra thì sẽ dễ bán hơn.
Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, việc Hà Nội cho phân lô tách thửa trở lại sẽ có thể là nhân tố khiến lượng giao dịch tăng trở lại. Nhưng ông Thắng cũng thẳng thắn nói, khó có thể tạo ra sự sốt nóng hay tăng giá bởi trong thời gian quá, giá đất đã tăng quá mạnh. Để tăng giá được bất động sản thì phải có dòng tiền lớn chảy qua, mà hiện tại lãi suất gửi và vay đều cao nên khách hàng vẫn cứ giữ trong ngân hàng ăn lãi.
Hà Nội “bất ngờ” cho phép tách thửa trở lại
Theo Cafef