Hàng loạt “tên tuổi” như VietinBank, ACB, MB, BIDV, VPBank, Techcombank, MSB, TPBank, Rạng Đông, Novaland, Dược Hậu Giang, Tập đoàn Bảo Việt, Nhựa Tiền Phong,… đang có cổ đông là các tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động.
Công đoàn tại doanh nghiệp là một tổ chức chính trị – xã hội đại diện cho quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động. Hiện nay, kinh phí hoạt động của Công đoàn được sử dụng khá linh hoạt, trong đó việc đầu tư vào mua cổ phần của chính doanh nghiệp là một lựa chọn phổ biến. Việc này vừa đảm bảo tiếng nói của người lao động, vừa là một hình thức đầu tư trong dài hạn.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của hàng chục doanh nghiệp đang được nắm giữ bởi chính tổ chức Công đoàn công ty với quy mô lên đến hàng nghìn tỷ. Đáng chú ý nhất phải kể đến Công đoàn Rạng Đông (RAL) khi là cổ đông lớn nhất nắm giữ đến 41,58% cổ phần của doanh nghiệp. Tạm tính theo thị giá RAL hiện tại, lượng cổ phần trong tay tổ chức này có giá trị lên đến gần 1.000 tỷ đồng.
Thế nhưng, đây không phải là tổ chức Công đoàn đầu tư lớn nhất vào cổ phiếu của doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. Vị trí dẫn đầu thuộc về Công đoàn VietinBank (CTG) khi nắm giữ đến hơn 55 triệu cổ phiếu CTG (tỷ lệ 1,15%), tương ứng quy mô đầu tư lên đến hơn 1.600 tỷ. Bên cạnh VietinBank, Công đoàn của ACB, MB (MBB), BIDV (BID), VPBank (VPB), Techcombank (TCB), MSB, TPBank (TPB),… cũng đều nắm giữ cổ phiếu của chính ngân hàng.
Ngoài nhóm ngân hàng, Công đoàn của nhiều “tên tuổi” khác trên sàn như Novaland (NVL), Dược Hậu Giang (DHG), Tập đoàn Bảo Việt (BVH), Viettel Construction (CTR), Chứng khoán MB (MBS), Nhựa Tiền Phong (NTP), Pinaco (PAC)… cũng đang nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt của Rạng Đông, Công đoàn các doanh nghiệp chủ yếu nắm giữ một lượng cổ phiếu không quá lớn, phổ biến ở mức trên dưới 1% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Về cơ bản, Công đoàn có thể chủ động mua cổ phiếu trên sàn của chính doanh nghiệp như một khoản đầu tư tài chính thông thường nhằm tối tưu hoá hiệu quả sử dụng kinh phí. Dù vậy, đa phần các tổ chức Công đoàn hiện nay đều gom cổ phiếu từ người lao động nghỉ việc hoặc có nhu cầu bán lại để chốt lời sau khi được mua ưu đãi.
Thực tế, để tri ân đóng góp của người lao động, các doanh nghiệp thường triển khai chương trình bán ưu đãi cổ phiếu công ty cho cán bộ, nhân viên (ESOP) với mức giá thấp hơn nhiều so với giá chào bán ra ngoài thị trường. Đương nhiên, nhu cầu chuyển nhượng cổ phiếu ESOP sau thời gian hạn chế giao dịch, là không hề nhỏ.
Về kinh phí hoạt động của Công đoàn, Nhà nước có quy định về nguồn đóng góp từ doanh nghiệp và người lao động. Trong đó, doanh nghiệp phải đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ lương, làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động và người lao động có nghĩa vụ đóng đoàn phí để hình thành nguồn tài chính hoạt động của công đoàn. Ngoài ra, kinh phí công đoàn còn có thể đến từ các nguồn hỗ trợ khác hoặc tài trợ từ các tổ chức bên ngoài.
Hiện nay, tại một số doanh nghiệp lớn còn thành lập các tổ chức chuyên về hoạt động đầu tư tài chính cho Công đoàn nhằm đảm bảo nguồn kinh phí được sử dụng một cách hợp lý. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp cổ phiếu của chính doanh nghiệp bị Công đoàn từ chối. Khi cần thiết, Công đoàn cũng có thể bán cổ phiếu của doanh nghiệp đang nắm giữ để đảm bảo lợi ích.
Công đoàn Việt Nam, sơ khai là Công hội Ba Son và tiền thân là tổ chức Công hội đỏ Bắc Kỳ được thành lập ngày 28/7/1929 tại số nhà 15, phố Hàng Nón, Hà Nội. Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ ra đời có ý nghĩa to lớn, đánh dấu sự lớn mạnh của phong trào công nhân và sự trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam.
Bộ chính trị Ban Chấp hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã quyết định lấy ngày 28/7/1929, ngày họp đại hội thành lập Tổng Công Hội đỏ đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam, làm ngày thành lập Công Đoàn Việt Nam. Đại hội đại biểu Công Đoàn toàn quốc lần V (tháng 11/1983) họp tại thủ đô Hà Nội đã nhất trí thông qua nghị quyết lấy ngày 28/7/1929 làm ngày thành lập Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.
VN-Index sẽ ra sao sau khi chinh phục ngưỡng tâm lý 1.200 điểm?
Theo Cafef