Lãi suất tiết kiệm giảm, nhà đầu tư ồ ạt mở tài khoản, nhưng chứng khoán tăng trưởng chưa như kỳ vọng vì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn.
Số liệu mới nhất từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, trong bối cảnh thị trường hồi phục mạnh, tháng 6, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 145.864 tài khoản chứng khoán, tăng hơn 45.000 tài khoản so với tháng trước và là mức cao nhất trong vòng 10 tháng kể từ tháng 9/2022.
Như vậy, đây là tháng thứ hai liên tiếp lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội tăng mạnh sau khi chạm đáy vào tháng 4.
Nhận định với VTC News , chuyên gia chứng khoán Đặng Trần Phục – Chủ tịch HĐQT CTCP AZfin Việt Nam phân tích, hiện nay các nhà đầu tư trong nước ồ ạt mở tài khoản trong bối cảnh chứng khoán trong nước tiếp tục nhận được động lực từ các quyết định giảm lãi suất điều hành liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước.
“Trong bối cảnh sản xuất khó khăn, bất động sản đóng băng, việc số tài khoản chứng khoán mở mới đã tăng lên kỷ lục trong nhiều tháng qua cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư vào kênh này trong thời gian tới. Đây là một tín hiệu tốt bởi khi lãi suất giảm, kênh gửi tiết kiệm bớt hấp dẫn thì nhà đầu tư sẽ chuyển một phần tài sản sang cổ phiếu. Bên cạnh đó, lãi suất giảm cũng báo hiệu nền kinh tế tốt hơn trong tương lai, các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả hơn, đầu tư chứng khoán vì thế hấp dẫn hơn” , ông Phục nói.
Trong khi đó, ông Phan Mạnh Hà, Giám đốc kinh Công ty Cổ phần Chứng khoán Vndirect cho rằng, thanh khoản toàn thị trường cho thấy sự cải thiện rõ rệt trong giai đoạn hiện nay, chứng tỏ khi lãi suất giảm thì sẽ thúc đẩy thêm dòng tiền đầu tư vào chứng khoán.
“Nhà đầu tư cá nhân liên tục mua ròng từ giữa tháng 3 và trở thành lực đỡ chính của thị trường với tổng giá trị mua ròng 9,5 nghìn tỷ đồng khớp lệnh trong quý II/2023”, ông Hà nói.
Cuối năm chứng khoán biến động thế nào?
Dự báo về thị trường chứng khoán những tháng cuối năm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, dòng vốn dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang chứng khoán chưa như kỳ vọng. Một phần vì nhà đầu tư vẫn lo ngại việc hồi phục doanh nghiệp không thể nhanh và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu.
Tuy vậy, ông Đặng Trần Phục vẫn lạc quan dự báo: “Khi lãi suất ngân hàng giảm thì một phần tiền của nhà đầu tư sẽ chuyển sang kênh chứng khoán. Bên cạnh đó, trong thời gian nửa cuối năm thị trường chứng khoán sẽ sáng màu hơn nhờ vào chính sách giảm lãi suất của ngân hàng bắt đầu phát huy tác dụng, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh”, ông Phục nói.
Còn theo ông Phan Mạnh Hà, thị trường chứng khoán vẫn đang phụ thuộc 90% vào dòng tiền cá nhân, vì vậy 6 tháng cuối năm 2023 sẽ có một cơn sóng rõ ràng chứ không phân hóa như giai đoạn đầu năm. Tuy nhiên, sẽ rất khó để đón được một cơn sóng mạnh mẽ như năm 2021 vì có đến 80% nhà đầu tư cá nhân thiệt hại tài sản lớn sau đợt giảm của thị trường năm 2022, tâm lý sợ hãi vẫn còn.
Cùng với đó, Fed và các ngân hàng trung ương vẫn thắt chặt chưa nới lỏng nên khó để kỳ vọng chu kỳ tiền rẻ quay lại, lạm phát chưa về mục tiêu của Fed, các yếu tố vĩ mô, địa chính trị mà chúng ta chưa dự báo được nên khó có dòng tiền rẻ quay lại và thị trường chưa thể bùng nổ. Việc chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ chỉ là cơ sở để tiền chuyển từ tiết kiệm sang kênh chứng khoán.
Ngoài ra, ông Phan Mạnh Hà cũng cho rằng, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn còn rất lớn, đỉnh điểm rơi vào tháng 9 với hơn 40.000 tỷ đồng chủ yếu đến từ nhóm doanh nghiệp bất động sản và thương mại dịch vụ.
Các doanh nghiệp vì thế bắt buộc phải tiếp tục duy trì và tìm nguồn vốn để mua lại hoặc để trả nợ, tái cấu trúc nợ. Tuy nhiên, giai đoạn này vẫn rất khó khăn trong bối cảnh doanh nghiệp còn đối diện nhiều thách thức, lạm phát vẫn tiềm ẩn. Do vậy thị trường chứng khoán có hồi phục nhưng rất có thể chưa như kỳ vọng. Nhà đầu tư cần cẩn trọng lựa chọn mã chứng khoán để đầu tư chứ không nên vội vàng vơ bèo vạt tép”, ông Hà khuyến cáo.
Cổ phiếu chứng khoán nhỏ bất ngờ ‘nổi sóng’
Theo Cafef