“Tốt khoe, xấu che”, phương châm này được nhiều chủ thể trên thị trường chứng khoán áp dụng. Đây chính là thách thức cho các phóng viên tài chính khi thị trường chứng khoán lao dốc, doanh nghiệp bị bủa vây trong khó khăn chưa từng có.
“Tình cảnh này có gì mà nói, chờ thôi em”, “Gồng qua được ngày nào hay ngày đó”… là những câu trả lời mà phóng viên thường nhận được từ lãnh đạo doanh nghiệp trong năm 2022, đỉnh điểm là tháng 10, 11, khi thị trường trái phiếu gặp “khủng hoảng niềm tin”. Dĩ nhiên, vấn đề này vẫn còn gây áp lực và đeo đẳng đến nay.
Đây mới chỉ là một phần trong bức tranh của thị trường chứng khoán thời gian qua. Cú sụt giảm mạnh, kéo theo đó là hiệu ứng tuyết lăn về force sell, force luôn cả những tài khoản siêu vip, siêu lớn… mà nhiều môi giới thừa nhận lần đầu tiên họ chứng kiến tình cảnh như vậy từ khi thành lập thị trường. Các chủ tài khoản tắc thanh khoản, không thể nạp tiền ngay, bán bất động sản cũng không xong nên “anh em chứng khoán tấp nập gặp khách hàng tìm giải pháp, hoặc phải đập thêm tài sản vào. Lúc này, còn gì mà đập vào, ông nào xoay xở được tiền mặt thì may ra”.
Với dân môi giới chứng khoán, nếu giai đoạn 2020 – 2021 là cảm giác thăng hoa thì năm 2022, chỉ có căng thẳng và căng thẳng… Nhiều khách hàng cháy tài khoản vì nhỡ dùng đòn bẩy cao, nhiều môi giới lo lắng sẽ “ôm nợ” khi tài khoản lớn chạm ngưỡng force, mà “force hoài, force hoài không bán được một cổ nào, cứ chất sàn bán cả triệu đến hàng chục triệu cổ, cổ chỉ có ngày càng cắm đầu, vi phạm luôn mức hòa vốn của công ty”…
Với nhà đầu tư, rất nhiều người trong số mất niềm tin đã rời bỏ thị trường, nhưng có người lặng lẽ tìm cách sinh tồn ở chứng trường đầy khốc liệt.
Các quỹ đầu tư – vốn được xem là những “tay chơi chuyên nghiệp”, cũng “bó tay” trước tình cảnh “ngàn năm có một” này. Đặc biệt, các quỹ trái phiếu chịu áp lực chưa từng có khi các nhà đầu tư ào ạt muốn rút tiền về. Các cuộc họp với nhà đầu tư nước ngoài, các cuộc họp giữa các quỹ với nhau để cùng tìm ra giải pháp tình thế… hầu như liên tục vài tuần, làm việc đến 11 – 12 giờ đêm cùng nhau là bình thường. Họ cũng xây luôn kịch bản sẽ phải tuyên bố “vỡ” quỹ trái phiếu, vì nhà đầu tư đang rút bất chấp.
Trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng, công tác tiếp cận nguồn tin, câu chuyện của từng đối tượng là không hề dễ dàng. Ít ai muốn chia sẻ và cũng không có tâm trạng để chia sẻ, mỗi người đều đang có những mối lo riêng cần giải quyết nhanh nhất có thể.
Trong điều kiện bình thường, lửa nghề phóng viên lúc này chắc chắn sẽ trỗi dậy, lên tin bài nhanh nhất có thể sẽ là ưu tiên. Nhưng trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng, công tác tiếp cận nguồn tin, câu chuyện của từng đối tượng là không hề dễ dàng. Không ai muốn chia sẻ và cũng không có tâm trạng để chia sẻ, mỗi người đều đang có những mối lo riêng cần giải quyết nhanh nhất có thể. Chỉ có uy tín đã được tạo dựng và minh chứng qua năm tháng trở thành “lợi thế cạnh tranh” để những phóng viên trong nghề có thể tiếp cận từng câu chuyện riêng và khai thác theo từng lớp thông tin.
Bên cạnh đó, sự đồng cảm, thấu hiểu và tinh thần đồng hành cùng các chủ thể thị trường – được đội ngũ phóng viên chúng tôi lựa chọn – đã giúp khoảng cách được rút ngắn, những câu chuyện được chia sẻ nhiều hơn.
Với định hướng xuyên suốt như vậy, mỗi phóng viên là một vệ tinh thu thập thông tin, đầy đủ, đa chiều, khách quan và được xử lý thành những sản phẩm thông tin đảm bảo tính chính xác, kịp thời để độc giả nắm được tình hình toàn cuộc nhiều nhất có thể, nhưng cũng không “bội tín” với nguồn tin. Với tinh thần làm việc chuyên nghiệp như vậy, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đã nhiều lần thành công trong việc khai thác thông tin và có thêm những người bạn ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Điển hình như việc rút quỹ trái phiếu, khi nhà đầu tư có nhu cầu bán hay còn gọi là rút quỹ, công ty quản lý quỹ sẽ thực hiện bán danh mục đối ứng, thực hiện hoán đổi với mức giá được xác định bằng giá trị tài sản ròng (NAV/chứng chỉ quỹ) tại ngày thực hiện. Việc rút quỹ bất ngờ tạo làn sóng của nhà đầu tư trong khi vắng thanh khoản trên thị trường thứ cấp tác động lớn đến các quỹ, gây nguy cơ hụt thanh khoản tạm thời.
Chưa kể, do mức chiết khấu được chào khá cao và là một trong những nguyên nhân khiến thanh khoản mất hút, khi mà mức giá giao dịch không phù hợp với giá thị trường tại thời điểm đó. Vì vậy, nhà đầu tư nắm giữ chứng chỉ quỹ chịu thiệt, thậm chí mất thành quả tích luỹ trong thời gian dài. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu đúng bản chất vấn đề này – sẽ chính là điểm mà vai trò của báo chí cần phát huy tác dụng.
Mỗi ngành nghề đều có đặc trưng riêng, phóng viên tài chính – chứng khoán cũng vậy. Mỗi thông tin đưa ra đều có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, tức là ảnh hưởng đến những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu, tới doanh nghiệp… nên ý thức, đạo đức nghề nghiệp cần phải được nâng lên mức cao nhất, để luôn đảm bảo thông tin trung thực, khách quan, không cài cắm, không định hướng dư luận… Sự chừng mực trong thông tin cũng rất quan trọng, không quá tiêu cực, nhưng cũng không quá “tô hồng” – điều mà mỗi phóng viên phải liên tục rèn luyện qua năm tháng.
Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đứng trước nhiều khó khăn thách thức, thể hiện qua góc nhìn rất thận trọng trong kế hoạch kinh doanh 2023 đa phần là sụt giảm, hiếm hoi những gương mặt tăng trưởng. Nhiều kế hoạch kinh doanh tạm dừng lại vì thiếu vốn, vì sức cầu sụt giảm, vì ưu tiên tập trung xử lý nợ vay, nợ trái phiếu…
Đây cũng là thách thức cho phóng viên, nếu chỉ tập trung mô tả, ghi nhận những điểm tốt, điểm tăng trưởng và gắn với tư duy cơ hội ngắn hạn thị trường chứng khoán – sẽ rất bí ý tưởng, bí đề tài và nội dung không có tính hữu ích cao cho độc giả.
Tương tác nhiều cùng doanh nghiệp, lắng nghe và ghi nhận thông tin bất cập, để hiểu ngành, hiểu doanh nghiệp, có tiếng nói phản biện, đa chiều nhằm góp phần khơi thông những ách tắc – là giải pháp hữu hiệu cho công tác thông tin thời điểm này. Để làm được, dĩ nhiên, việc nghiên cứu kỹ lưỡng từ thông tin vĩ mô đến vi mô, kết hợp với nghiệp vụ báo chí là quá trình cải thiện liên tục, không thể nói là làm ngay được, nhưng lại là con đường bền vững.
Như trong bối cảnh hiện nay, không thể khai thác góc độ chỉ nhìn cái xấu, nhìn bằng con mắt soi mói, thay vào đó, có thể nhìn thêm những chuyển động của doanh nghiệp, những nỗ lực từng bước của doanh nghiệp trong việc tháo gỡ nút thắt của họ ra sao; vướng ở chính sách, quy định nào… để thậm chí có những bài viết, bài phỏng vấn phản biện chính sách; hay chính là vấn đề nội tại của doanh nghiệp; cách họ ứng xử với tình huống; tư duy của lãnh đạo doanh nghiệp trong lúc sóng gió…
Nhìn bằng con mắt như vậy giúp phóng viên có thể có những bài viết chân thật, có “cảm xúc” nhưng thông tin luôn hữu ích cho các bên liên quan. Cũng bởi vậy, phóng viên Đầu tư Chứng khoán luôn nhận được sự tin tưởng, ưu ái của nhiều doanh nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, thể hiện qua những câu hỏi, lời đề nghị với toà soạn có thể phản ánh các vấn đề của họ đang gặp phải. Làm nghề, niềm vui cũng chỉ đơn giản thế thôi.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn